Văn hóa

Cổ học tinh hoa

"Giữ lửa" nghề chỉnh chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hầu như người dân trong vùng đều biết anh Siu Viu (làng O Bung, xã Ia Ko, huyện Chư Sê, Gia Lai) là người có kinh nghiệm trong việc điều chỉnh âm thanh của những chiếc chiêng bị hỏng. Hiện nay, anh là người duy nhất trong làng theo nghề chỉnh chiêng.
 Anh Viu đang chỉnh chiêng. Ảnh: H.H
Anh Viu đang chỉnh chiêng. Ảnh: H.H
Lúc còn nhỏ, anh Siu Viu thường được cha mẹ dẫn đi xem biểu diễn cồng chiêng trong những dịp lễ hội. Năm 16 tuổi, anh có dịp chứng kiến một số người làm nghề chỉnh chiêng ở huyện Krông Pa được mời đến làng để sửa lại những bộ chiêng bị mất tiếng và hư hỏng. Bị thu hút bởi công việc thú vị này, anh đã xin cha mẹ khăn gói theo những người thợ chỉnh chiêng về huyện Krông Pa học đánh chiêng và chỉnh chiêng. Dưới sự dẫn dắt của các nghệ nhân, chỉ sau hơn 2 năm, anh đã có thể biểu diễn thành thạo nhiều bài chiêng cổ của đồng bào Jrai và biết cách điều chỉnh những chiếc cồng, chiếc chiêng bị mất tiếng. Anh còn có thể gò lại được những chiếc chiêng bị hư hỏng nặng để lấy lại âm thanh.
Anh Siu Viu tâm sự: Muốn học nghề chỉnh chiêng, trước tiên phải học cách sử dụng cồng chiêng thành thạo. Những công cụ chính thường dùng để chỉnh chiêng mà người thợ cần có gồm: búa chỉnh âm thanh, dùi gỗ, kìm. Thời gian điều chỉnh một bộ chiêng bị mất âm thanh thường sẽ kéo dài 3-4 ngày. Tùy theo bộ chiêng bị hư hỏng nặng hay nhẹ, thời gian chỉnh âm thanh ngắn hay dài, anh sẽ được trả công khác nhau. Thông thường, khi chỉnh sửa hoàn chỉnh một bộ chiêng, anh được trả khoảng 3 triệu đồng. 
Đến nay, anh Viu đã chỉnh lại âm thanh cho trên 700 bộ chiêng bị mất tiếng ở Chư Sê và nhiều địa phương lân cận. Bên cạnh đó, trong quá trình làm nghề, anh cũng tranh thủ truyền dạy kỹ thuật đánh cồng chiêng cho hơn 40 người. Những người được anh chỉ dạy đều biết đánh chiêng thành thạo các bài chiêng cổ truyền thống của dân tộc mình như: mừng lúa mới, lễ đâm trâu… “Nghề chỉnh chiêng rất khó, đòi hỏi sự kiên nhẫn nên ít ai theo học. Một số người sợ dùng búa chỉnh chiêng không đúng kỹ thuật sẽ làm cho chiêng bị hư hỏng nặng thêm và phải bồi thường nên cũng ngại. Vì vậy, hiện giờ, tôi muốn tìm một vài người để truyền lại kỹ năng chỉnh sửa những cái chiêng bị hư hỏng, chứ sau này tôi già rồi, không có ai chỉnh chiêng thì nghề này sẽ mai một”-anh tâm sự.


Ông Siu Blach-Trưởng thôn O Bung, xã Ia Ko, huyện Chư Sê: “Anh Siu Viu là người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng của làng. Hễ trong làng cứ có bộ chiêng nào bỏ lâu ngày không sử dụng, bị mất tiếng thì anh luôn nhiệt tình đến tận nhà để lấy lại âm thanh. Làng O Bung hiện nay có 8 bộ cồng chiêng thì tất cả đều do một mình anh Viu chỉnh sửa”.

Huy Hoàng

Có thể bạn quan tâm