Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Giữ “lửa” nghề truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng đôi bàn tay tài hoa, nhiều nghệ nhân Jrai, Bahnar đã biến những khúc gỗ, thanh tre vô tri thành vật dụng hữu ích, chung tay giữ “lửa” nghề truyền thống và góp phần làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc.

1. Trong một lần đến thăm làng Pan (xã Dun, huyện Chư Sê), tôi chứng kiến toàn bộ quá trình ông Siu Kin tạc tượng các con vật. Trò chuyện với tôi, ông Kin cho biết: Hồi trẻ, khi làng có lễ bỏ mả, ông thường theo người già lên rừng tìm gỗ về tạc tượng rồi đặt ở nhà mồ. Sau nhiều lần như thế, ông dần nắm được các thao tác cơ bản rồi tự tay đục những thanh gỗ theo sở thích. Theo thời gian, ông càng thuần thục kỹ năng tạc tượng.

Các sản phẩm của ông Siu Kin chế tác. Ảnh: R'Ô PRIN

Các sản phẩm của ông Siu Kin chế tác. Ảnh: R'Ô PRIN

Theo ông Kin, tạc tượng là nghề truyền thống có từ lâu đời của người Jrai. Tuy nhiên, để tạc thành công được một bức tượng gỗ có thần thái, cảm xúc thì mất rất nhiều thời gian, công đoạn. Ngoài chiếc rựa, rìu sắc bén và thanh gỗ phù hợp, người tạc tượng phải có sự sáng tạo, tính toán và mường tượng để tượng gỗ trở nên sống động. Không chỉ giỏi tạc tượng, ông Kin còn biết đan lát, làm mô hình nhà rông siêu nhỏ và các loại nhạc cụ bằng tre nứa. Hiện nay, những sản phẩm của ông được khách hàng ở TP. Pleiku yêu thích và tìm đến đặt hàng.

Ông Siu Dớt-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Pan-cho hay: “Ông Kin là người tạc tượng giỏi. Mỗi lần dân làng tổ chức lễ bỏ mả thì mọi người đều tìm đến ông Kin nhờ tạc tượng. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động, tuyên truyền bà con dân làng tham gia gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc”.

2. Khi nghe tôi hỏi về nghề đan lát truyền thống của gia đình, ông Đinh Alêng (làng Kte Kchăng, xã Đak Song, huyện Kông Chro) vui vẻ kể: Từ nhỏ, ông đã theo bố mẹ lên rừng chặt tre, lồ ô, mây để đan những chiếc gùi, chiếc mẹt phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Được chỉ dạy tường tận, chẳng mấy chốc ông đã thành thục rồi tự đan những vật dụng hữu ích cho đời sống. “Để tạo 1 chiếc gùi đẹp mắt và bền chắc thì phải chọn lựa loại tre, lồ ô già và thẳng. Đồng thời, nghệ nhân phải chẻ, chuốt các sợi nan theo một tỷ lệ hợp lý nhằm tạo độ mềm, đàn hồi. Ngoài ra, dưới chân đáy chiếc gùi phải gắn 4 thanh gỗ phù hợp, giúp cho chiếc gùi cứng cáp, không bị lệch khi mang vật dụng nặng. Thông thường để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh phải mất 2-3 ngày”-ông Alêng bộc bạch.

Ông Đinh Alêng lưu giữ nghề đan lát truyền thống của dân tộc. Ảnh: R'Ô PRIN

Ông Đinh Alêng lưu giữ nghề đan lát truyền thống của dân tộc. Ảnh: R'Ô PRIN

Không chỉ đan lát phục vụ nhu cầu trong gia đình, ông Alêng còn thường xuyên truyền dạy nghề cho các thanh-thiếu niên trong làng. Đến nay, làng Kte Kchăng có thêm 6 người biết đan lát thành thục. Anh Đinh Hoan bày tỏ: “Xưa kia, phần lớn các vật dụng sinh hoạt trong gia đình đều phải tự làm. Tuy nhiên, để đan được 1 chiếc gùi, nia.. không phải là chuyện dễ. Nhờ ông Alêng hướng dẫn, mình tự tay đan những vật dụng trong gia đình”.

Ông Alêng thường xuyên tham gia các hội thi và đạt nhiều giải cao. Tại Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ I-2022 do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức, ông Alêng được Ban tổ chức trao giấy chứng nhận là nghệ nhân đan lát xuất sắc. Cũng trong năm 2022, ông Alêng được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.

Ông Đinh Nau-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đak Song-nhận xét: “Ông Alêng là hội viên cựu chiến binh gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương. Ngoài đan lát giỏi, ông còn biết chế tác đàn trưng và trình diễn cồng chiêng. Ông đã góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ và truyền dạy nét đẹp của văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ”.

Có thể bạn quan tâm