Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Giữ tiếng khèn cho mai sau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vào mỗi buổi tối các ngày cuối tuần, tại hội trường Nhà văn hóa làng Mông (xã Ya Hội), tiếng khèn lại vang lên từ lớp học thổi khèn của làng. Lớp có 20 học viên là các bạn trẻ trong làng với đủ lứa tuổi, từ 12 đến 25. Đứng lớp hướng dẫn cho các em là ông Lý Văn Tính, một người lớn tuổi trong làng.
Ông là một trong số ít những người Mông ở Ya Hội có hiểu biết sâu sắc về khèn và thuộc nhiều bài khèn. Điểm đặc biệt của lớp học này là người dạy không có thù lao và người học cũng không mất phí, chỉ cần muốn học thì có thể học đến khi nào thổi khèn thành thục mới thôi. “Tôi chỉ mong muốn là mấy đứa trẻ trong làng chịu học để sau này giữ được truyền thống của dân tộc mình. Nếu không, sau này những người biết thổi khèn như tôi già rồi mất hết thì không có ai dạy, bọn trẻ không biết khèn là gì nữa”-ông Tính chia sẻ.
 Ông Lý Văn Tính hướng dẫn 1 học viên. Ảnh: N.H
Ông Lý Văn Tính hướng dẫn 1 học viên. Ảnh: N.H
Theo lời ông Tính, tiếng khèn đối với người Mông có một sức mạnh diệu kỳ. Tiếng khèn giúp họ biểu lộ tâm tư, tình cảm, giúp họ quên đi bao vất vả, lo toan của cuộc sống đời thường. Họ cũng đắm mình trong dòng âm thanh đầy sức quyến rũ ấy để hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn. Trong đời sống tâm linh của người Mông, tiếng khèn còn có ý nghĩa quan trọng nhằm đưa đường dẫn lối cho người đã khuất về nơi suối vàng.
Nhìn bề ngoài thì trông chiếc khèn khá đơn giản. Thân khèn làm từ 6 ống trúc ghép lại, bó bằng đai rễ cây và xuyên qua bầu gỗ hình bắp chuối làm hộp cộng hưởng. Các ống trúc được ghép thành từng đôi từ nhỏ đến lớn, từ dài đến ngắn theo âm cao thấp. Trong mỗi ống trúc có gắn lá đồng mỏng để phát ra âm thanh. Độ cao thấp, vang ngân của khèn phụ thuộc rất nhiều vào việc chỉnh các lá đồng. Khi thổi khèn, người thổi thường kết hợp với những điệu nhảy tinh tế. Ông Tính cho biết, bầu gỗ hình bắp chuối này được làm từ cây thông đá, chỉ mọc ở các vùng núi cao như ở vùng Tây Bắc. Vì vậy, khèn thường được ông mua từ ngoài Bắc vào.
Học viên Lý Văn Pá vui vẻ cho hay: “Lúc đầu mới vào học, vì mình chưa biết thổi và chưa biết thả ngón nên thấy chán, không muốn học. Nhưng một thời gian sau, khi biết thổi sơ sơ rồi, biết làm thế nào để thổi thành một bài thì mình thấy hứng thú, muốn học và muốn tìm hiểu về cây khèn. Nếu mình không học hỏi và giữ gìn thì truyền thống văn hóa của dân tộc mình sẽ bị mài mòn, sẽ mất dần đi”. Anh Đào Văn Hầu-lớp trưởng của lớp học-cũng chia sẻ: Nhiều lần trong các dịp lễ, hội của làng, thấy các bác lớn tuổi thổi khèn, múa khèn anh rất thích, nhưng học một mình thì hơi buồn. Do vậy, anh đã hỏi ý của ông Tính về việc mở lớp dạy khèn rồi rủ thêm thanh niên, học sinh trong làng cùng học. “Khèn là bản sắc văn hóa đặc trưng và độc đáo của người dân tộc Mông chúng tôi. Vì thế, tôi muốn nó được lưu giữ lại và truyền từ đời này sang đời khác. Cùng chỉ bảo nhau học, cùng nhau thổi khèn như thế này tôi thấy rất vui”-anh Hầu nói.
Nếu người Bahnar, Jrai tự hào về tiếng cồng tiếng chiêng thì người Mông lại tự hào về tiếng khèn. Trong nhịp sống hiện đại, khi giới trẻ đang có dấu hiệu xa rời những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, lớp học thổi khèn ở làng Mông, xã Ya Hội đã thổi bùng lên ngọn lửa đam mê đối với bản sắc văn hóa. Để tiếng khèn Mông vang mãi giữa núi rừng Tây Nguyên...
 NGUYỄN HIỀN

Có thể bạn quan tâm