(GLO)- Glar là xã có phong trào thể thao quần chúng phát triển vào hàng mạnh nhất không chỉ ở huyện Đak Đoa mà của cả tỉnh Gia Lai. Hoạt động tập luyện, thi đấu thể thao góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân.
Sôi nổi phong trào tập luyện thể thao
Một ngày giữa tháng 10, chúng tôi có mặt tại sân bóng làng Dôr 1, xã Glar. Nơi đây đang diễn ra giải bóng đá dành cho nam-nữ thanh niên do nhà thờ Plei Dôr tổ chức. Vì đang giữa mùa mưa nên sân bóng sũng nước, trơn trượt. Dù vậy, các cầu thủ vẫn thi đấu rất nhiệt tình, tạo nên những pha bóng hấp hẫn. Bên ngoài sân cỏ, đông đảo người dân đứng cổ vũ cho đội bóng mình yêu thích.
Anh Pêm-thành viên Ban tổ chức giải-cho hay: “Giải đấu này dành riêng cho các nam-nữ thanh niên chưa lập gia đình. Đây là hoạt động thường niên nhằm tạo sân chơi lành mạnh và để nam-nữ thanh niên trong xã giao lưu, thắt chặt tinh thần đoàn kết. Hết giải này là giải của học sinh, tiếp đó là giải dành cho những người đã có gia đình”.
|
Một trận bóng đá của thanh niên xã Glar. Ảnh: Hoành Sơn |
Đứng bên ngoài cổ vũ các cầu thủ, anh Nglưu (làng Dôr 1) chia sẻ: “Chiều nào cũng vậy, cứ đi làm về là mọi người đổ ra sân chơi môn mà mình yêu thích. Người chơi bóng đá, người đánh bóng chuyền, người tập điền kinh… Vì tập thể thao từ nhỏ nên con trai, con gái trong xã mình chơi giỏi lắm. Còn đến khi có giải thể thao là người dân các làng kéo nhau đi cổ vũ rất đông vui. Có làng góp tiền mua quần áo đồng phục cho cầu thủ thi đấu lẫn người đi cổ vũ”.
Bà Đặng Thị Hoài-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa: “Glar là một trong những xã dẫn đầu huyện trong phong trào thể thao quần chúng, nhất là môn bóng đá và bóng chuyền. Tại các giải đấu của huyện, xã Glar tham gia rất đầy đủ, nhiệt tình và luôn giành được giải cao. Hàng năm, có một số vận động viên ở xã Glar được tuyển chọn vào đội tuyển của huyện để thi đấu các giải cấp tỉnh”. |
Xã Glar có 9 thôn, làng nhưng có đến 10 sân chơi thể thao rộng 1.000-2.000 m2 cùng 2 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo và 20 sân bóng chuyền. Trong số này có 2 sân bóng đá mini và 15 sân bóng chuyền do tư nhân xây dựng có thu phí. Khoảng 17 giờ mỗi ngày, dạo một vòng quanh các con đường ở xã Glar, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân sôi nổi tập luyện thể dục thể thao.
Chị Hồ Thị Duyên-công chức Văn hóa-Xã hội xã Glar-cho biết: “Phong trào quần chúng tập luyện thể thao ở xã phát triển mạnh từ năm 1994 cho đến nay. Cứ đến buổi chiều là các sân chơi trở nên đông vui, nhộn nhịp. Có nhiều hôm, bà con chơi thể thao đến 8-9 giờ tối mới nghỉ. Mỗi làng có một môn thể thao thế mạnh, ví như làng Dơk Rơng, Tuch Klá mạnh về môn bóng đá; làng Dôr 2, Dur mạnh về môn bóng chuyền; làng Groi 1 mạnh về môn bắn nỏ; làng Groi Vet mạnh về môn cà kheo”.
Gắn kết cộng đồng
Để khuyến khích người dân tích cực tập luyện thể dục thể thao, hàng năm, UBND xã, các đoàn thể, thôn, làng và nhà thờ thường xuyên tổ chức các giải đấu. Theo thống kê, mỗi năm, xã có khoảng 10 giải đấu với các môn bóng đá, bóng chuyền, bắn nỏ, cà kheo… “Các giải này đều thu hút đông đảo người dân tham gia. Người dân còn tự đóng góp kinh phí để mua sắm quần áo, dụng cụ, nước uống phục vụ các đội thi đấu”-chị Duyên cho biết thêm.
|
Trận thi đấu bóng chuyền giữa 2 xã Glar và A Dơk tại Giải bóng chuyền truyền thống huyện Đak Đoa năm 2020. Ảnh: Hoành Sơn |
Thông qua những giải đấu phong trào ở xã, nhiều tài năng thể thao đã được phát hiện như: Dung, Hưnh (làng Dơk Rơng), Vinh, Pôn (làng Dur)… Nếu Dung và Hưnh từng được chọn vào đội tuyển của tỉnh thi đấu ở các giải trẻ toàn quốc hay từng đầu quân cho nhiều đội bóng trong nước thì Vinh, Pôn là những vận động viên bóng chuyền có tiếng ở Gia Lai.
“Dân làng em rất thích chơi thể thao. Vì thế, niềm đam mê thể thao ngấm vào em từ nhỏ. Ngày nhỏ, cứ đến chiều tối là em theo người làng ra sân đá bóng. Bọn em tự học kỹ năng từ mọi người xung quanh nên ngày càng đá tốt hơn. Em từng được tỉnh triệu tập thi đấu nhiều giải trẻ, sau đó đầu quân cho Câu lạc bộ Bóng đá Sanna Khánh Hòa”-Dung bộc bạch.
Ông Bùi Quang Thoại-Phó Chủ tịch UBND xã Glar-cho biết: “Thông qua các hoạt động thể thao đã giúp gắn kết nhân dân trong xã. Do đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đồng thời, cũng giúp việc triển khai có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có thể nói, Glar là xã có phong trào thể thao quần chúng đứng nhất, nhì huyện Đak Đoa. Tại các giải thể thao các cấp, xã Glar luôn tham gia đầy đủ và giành được nhiều giải cao. Nhiều năm nay, xã liên tục được các cấp, ngành tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng, tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới”.
HOÀNH SƠN