Kinh tế

Doanh nghiệp

Gỡ khó cho doanh nghiệp tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Lệ Thanh vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nhà máy sơ chế nông sản, sân phơi, kho bãi... Vì vậy, đơn vị quản lý đang tìm giải pháp tháo gỡ để hoạt động xuất-nhập khẩu tại đây ngày càng sôi động.

Tăng cường phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu tại CKQT Lệ Thanh tính đến hết ngày 30-6 đạt gần 89 triệu USD, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 56,66 triệu USD, giảm 9,76%; kim ngạch xuất khẩu đạt 31,89 triệu USD, giảm 7,4%. Tổng số thu ngân sách nhà nước tại CKQT Lệ Thanh đạt 10,074 tỷ đồng, tăng 41,96% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng có số thu chủ yếu là bột đá vôi, phân bón, sắt thép xuất khẩu, cao su định chuẩn kỹ thuật nhập khẩu, máy móc thiết bị chuyển tiêu thụ nội địa và tiền phạt vi phạm hành chính.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của các doanh nghiệp tại khu trung tâm Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh ước đạt 523,82 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2022. Thu ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp tại đây đạt 2,057 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số lao động của các doanh nghiệp tại khu trung tâm Khu Kinh tế CKQT là 109 người với thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp tại đây chủ yếu hoạt động theo mùa vụ, người lao động hầu hết là bộ khung quản lý, còn lại các doanh nghiệp sử dụng lao động thời vụ để duy trì hoạt động.

Xe chở hàng hóa từ Campuchia nhập khẩu sang Việt Nam thông qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy

Xe chở hàng hóa từ Campuchia nhập khẩu sang Việt Nam thông qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy

Ông Nguyễn Xuân Thưởng-Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-cho biết: Thời gian qua, Ban tăng cường công tác quản lý và triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như ban hành 3 quyết định miễn giảm tiền thuê đất cho 3 doanh nghiệp tại khu trung tâm Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh. Bên cạnh đó, Ban phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng đất, lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích giữa các doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án và giữa các doanh nghiệp với dân cư trong khu vực; rà soát, tổng hợp các doanh nghiệp tái chế sản phẩm, bao bì hoạt động trong Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh.

Ông Hà Văn Vận-Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật-cho hay: “Tính đến tháng 8-2023, lượng hàng hóa xuất-nhập khẩu qua CKQT Lệ Thanh đạt hơn 126.000 tấn. Chúng tôi đã giải quyết được 1.684 bộ hồ sơ. Trạm đã cố gắng làm tốt chức năng và khả năng của mình, phối hợp với các đơn vị chức năng khác tại đây một cách chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin, kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo sự bình đẳng trong buôn bán, tạo môi trường kinh doanh minh bạch”.

Còn ông Trần Thanh Vân-Chi cục trưởng Chi cục Hải quan CKQT Lệ Thanh thì thông tin: “Hiện chúng tôi triển khai thông quan điện tử, việc giải quyết tờ khai rất nhanh. Chúng tôi cùng với các lực lượng chức năng khác làm việc tới 20 giờ hàng ngày để giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng thông báo số điện thoại đường dây nóng để doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn thì liên hệ”.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Hệ thống kho bãi lâu nay chưa được quan tâm đầu tư đã gây ảnh hưởng không ít cho các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu tại khu vực CKQT Lệ Thanh. Ông Nguyễn Trọng Điểm-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quang Sáng Đức Cơ-chia sẻ: “Tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) có nguồn nông sản rất phong phú. Tuy nhiên, nguồn hàng này hầu hết được đưa về qua Cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước) và các cửa khẩu gần đó chứ không về Gia Lai. Nguyên nhân là do Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh không có nhà máy sơ chế, không có kho chứa. Mì lát là mặt hàng được nhiều nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... ưa chuộng và có nhu cầu nhập khẩu lớn. Tuy nhiên, mặt hàng này khi đưa từ Campuchia về cần phải sơ chế ngay để đảm bảo chất lượng thì mới có thể xuất khẩu, tiếc là Gia Lai lại không có nhà máy sơ chế. Đậu tương xuất xứ từ Campuchia cũng được đánh giá là loại nông sản có chất lượng rất tốt, nhưng đòi hỏi phải có sân phơi khô chứ không sấy được. Do không có sân phơi nên doanh nghiệp chỉ có thể nhập về rồi cố gắng bán nhanh để xuất khẩu làm thức ăn gia súc, giá trị thấp đi rất nhiều. Hạt điều cũng vậy, mua về tươi nhưng không có sân phơi nên phải bán vội bán vàng để tránh bị hỏng. Tôi mong tỉnh nghiên cứu đầu tư xây dựng kho chứa cũng như sân phơi để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong kinh doanh. Một vấn đề nữa là chúng tôi cần được hỗ trợ đầu ra cho nguồn hạt điều. Với nguồn nguyên liệu trên 100.000 tấn của Campuchia mà không tìm được đầu ra thì thực sự rất tiếc”.

Còn ông Bùi Thiên Ấn-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Minh Mẫn Cửa khẩu Lệ Thanh lại có đề xuất khác: “Theo quy định, khi có mấy trăm tấn sản phẩm thì mới có thể mở một bộ tờ khai hải quan. Nhưng thực tế không phải khi nào cũng có thể gom được một lúc chừng ấy khối lượng sản phẩm. Khi chỉ mua được 1-2 xe tải thì không được giải quyết. Trong khi tôi tìm hiểu ở những cửa khẩu khác, chỉ cần có 5-10 tấn hàng và kiểm dịch thực vật đảm bảo là có thể ra vào cửa khẩu. Tất nhiên, quy định là phải tuân thủ, nhưng tôi đề nghị trong khả năng của mình, các đơn vị chức năng cần linh động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Còn nếu chờ tập hợp đủ khối lượng thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa”.

Các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) kiểm tra hàng hóa nhập khẩu vào Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) kiểm tra hàng hóa nhập khẩu vào Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên quan đến vấn đề hợp tác giữa 2 bên biên giới, ông Võ Văn Sung-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch thuật-Du lịch-Thương mại Hữu nghị Việt Nam-Campuchia nêu ý kiến khá tâm huyết: “Thường xuyên tiếp xúc với người ở phía nước bạn, tôi cho rằng các doanh nghiệp chúng ta nên quan tâm, chăm sóc bạn hàng Campuchia để giữ mối. Còn đối với các lực lượng chức năng, mặc dù chúng ta đã có ký kết những biên bản ghi nhớ hợp tác trên nhiều mặt với phía nước bạn, nhưng thời gian qua, việc đôn đốc hợp tác chưa có, chưa tốt. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường thúc đẩy hợp tác nhiều hơn. Hiện tại, ở phía Campuchia, lực lượng cán bộ trẻ mới lên rất nhiều, rất năng động, sáng tạo. Vì vậy, chúng ta cũng phải năng động theo để kịp thời hợp tác, nắm bắt cơ hội xây dựng mối quan hệ tốt hơn, giúp hàng hóa của doanh nghiệp qua lại thuận lợi hơn. Ngoài ra, nhu cầu tham quan, du lịch, khám-chữa bệnh… giữa 2 bên cũng rất lớn. Chúng ta nên nghiên cứu, tạo điều kiện phát triển các lĩnh vực này”.

Trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Nguyễn Xuân Thưởng cho hay: “Vấn đề sân bãi và kho, trong năm nay, chúng tôi sẽ cho đấu giá một số vị trí thương mại, dịch vụ, nhà ở để doanh nghiệp vào đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với UBND huyện Đức Cơ triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư. Cùng với đó, chúng tôi sẽ trao đổi, chia sẻ thông tin, tăng cường hợp tác giữa 2 Ban Quản lý để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp 2 bên hoạt động”.

Liên quan đến lực lượng lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp ở khu vực CKQT Lệ Thanh, Thiếu tá Vũ Ngọc Huy-Trưởng Công an xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) đề nghị: “Các doanh nghiệp nên có sự phối hợp tích cực hơn với địa phương trong công tác quản lý về con người, bởi đây là vấn đề quan trọng nhằm phòng ngừa các loại tội phạm: trộm cắp, đánh nhau, ma túy, mại dâm... Nếu các doanh nghiệp thuê người lao động thì liên hệ với cơ quan Công an để đăng ký lưu trú. Khoảng cuối tháng 8 này, casino ở Campuchia khai trương hoạt động, khi đó sẽ tập trung rất nhiều người từ khắp nơi về. Vì vậy, chúng tôi đề xuất Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cũng như lực lượng chức năng cùng tăng cường quản lý chặt chẽ về con người”.

Có thể bạn quan tâm