Kinh tế

Doanh nghiệp

Gỡ khó cho doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Trà Đa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hạ tầng xuống cấp, vướng mắc về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), thời gian làm thủ tục thuê đất kéo dài, an ninh trật tự chưa đảm bảo... là những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp (KCN) Trà Đa (TP. Pleiku) gặp phải. Các đơn vị quản lý cũng như các ngành chức năng đang nỗ lực tháo gỡ những khó khăn này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Theo quy định, khi nhà đầu tư triển khai dự án tại các KCN, đối với việc thuê đất, thông thường phải thực hiện quy trình 5 bước gồm: ký hợp đồng đặt cọc (giữ đất), xin cấp phép đầu tư, ký kết hợp đồng thuê đất chính thức, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng nhà máy.

Tuy nhiên, theo ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp: “Để thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình thuê đất phải mất gần 1 năm. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Tôi đề nghị đơn vị quản lý cho phép ký hợp đồng thuê đất trước rồi thực hiện các bước hợp đồng thuê đất sau. Vì khi doanh nghiệp đã có chứng nhận đầu tư, đồng thời đã thực hiện ký quỹ thì không có lý do gì mà không thực hiện dự án. Trong khi đó, phải có hợp đồng thuê đất thì các ngân hàng mới cho doanh nghiệp vay vốn. Tôi mong các ngành xem xét nới lỏng quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động”.

Một góc khu công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Một góc khu công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Hệ thống cấp nước tại KCN Trà Đa được đầu tư đã lâu năm nên không đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại đây. Ông Hồ Sỹ Sáu-Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood Cao Nguyên-kiến nghị: “Mỗi ngày, nhà máy chế biến sữa của chúng tôi sử dụng khoảng 400 m3 nước. Khối lượng nước được cấp hiện nay có thể tạm gọi là ổn định, nhưng cũng có thời điểm, chúng tôi bị thiếu nước. Sắp tới, nhà máy dự kiến nâng công suất chế biến lên khoảng 30%. Bởi vậy, tôi mong đơn vị quản lý nâng năng lực cấp nước lên khoảng 800 m3 mỗi ngày để có thể đáp ứng được kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhà máy”.

Liên quan đến vấn đề tay nghề lao động, ông Nguyễn Quang Trị-Giám đốc Công ty TNHH Tân Gia Băng-đề xuất: “Hiện nay, lao động tại KCN chủ yếu là lao động phổ thông, tay nghề còn rất yếu. Nguồn cung cấp lao động có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh cũng chưa nhiều. Trong khi hiện tại, các doanh nghiệp đều phải đưa công nghệ mới vào sản xuất. Với đa số tay nghề lao động như hiện tại là không thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Tôi đề nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh làm việc với các cơ sở đào tạo nghề và các sở, ngành liên quan về việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động”.

Còn ông Nguyễn Văn Hải-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chiến Thắng-phản ánh: “Tôi đề nghị những quy định liên quan đến công tác PCCC phải nhất quán để các doanh nghiệp dễ dàng triển khai thực hiện. Một vấn đề nữa là tình hình an ninh trật tự tại KCN đang có những phức tạp cần chú ý. Vừa rồi, Công ty chúng tôi đã xảy ra tình trạng trộm cắp. Tôi mong địa phương cũng như đơn vị quản lý KCN chú ý hơn để hạn chế tình trạng này, tạo sự an tâm cho các nhà đầu tư”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong muốn chính quyền quan tâm nâng cấp hệ thống giao thông, đèn đường chiếu sáng, hệ thống thoát nước... tại KCN Trà Đa để tạo thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh và bảo đảm an ninh trật tự.

Cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Như Trình-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-cho biết: Khu Công nghiệp Trà Đa có 63 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.590 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2023, tổng doanh thu thuần của các doanh nghiệp đạt 3.350 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022; nộp ngân sách nhà nước 131 tỷ đồng; kim ngạch xuất-nhập khẩu đạt 230 triệu USD, tăng 26%. Hiện có gần 1.900 lao động đang làm việc tại đây với thu nhập bình quân 6,3 triệu đồng/người/tháng.

Các dự án tại KCN Trà Đa đã góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nhiều vướng mắc, khó khăn đã nảy sinh đối với các doanh nghiệp tại đây.

“Hiện có 3 nhóm khó khăn, vướng mắc chủ yếu. Thứ nhất, một số dự án đang hoạt động sản xuất, có sản phẩm và phát sinh doanh thu nhưng vẫn chưa hoàn thành thủ tục nghiệm thu công trình xây dựng, đa số là chưa hoàn thành nghiệm thu các hạng mục về PCCC hoặc vướng các quy định về PCCC, bảo vệ môi trường, do đó không đảm bảo điều kiện nhận lại tiền ký quỹ thực hiện dự án. Nhiều dự án chưa đầu tư hết công suất đăng ký do không đủ nguồn nguyên liệu đầu vào hoặc không có đầu ra ổn định. Không ít dự án đang hoạt động cầm chừng hoặc không đưa đất vào sử dụng”-ông Trình nêu rõ.

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh gặp mặt, đối thoại với 50 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: H.D

Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh gặp mặt, đối thoại với 50 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: H.D

Liên quan đến công tác PCCC, Đại tá Nguyễn Văn Minh-Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) thông tin: “Hầu như không có vướng mắc liên quan đến quy chuẩn PCCC mà chủ yếu là về kinh phí thực hiện các công tác PCCC. Đa số phương tiện phục vụ công tác PCCC đáp ứng được yêu cầu thì có giá khá cao, có nhiều loại không bán rộng rãi trên thị trường, trong khi nhiều doanh nghiệp trong quá trình đầu tư chưa tính toán đủ phần này nên khi triển khai không đảm bảo nguồn tài chính. Nhiều doanh nghiệp lựa chọn các đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công PCCC không đảm bảo chất lượng, trong khi tại KCN Trà Đa có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ở lĩnh vực nguy hiểm như: chiết nạp khí gas, chế biến gỗ, giấy, bao bì... cần đảm bảo những yêu cầu nghiêm ngặt về PCCC”.

Cũng theo Đại tá Minh, KCN Trà Đa thuộc diện phải thành lập đội PCCC chuyên ngành. “Ban Quản lý Khu Kinh tế nên tham mưu cho tỉnh để thành lập lực lượng này. Chúng tôi luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có khó khăn, cần tư vấn thì liên hệ trực tiếp, đơn vị luôn sẵn sàng cử cán bộ xuống khảo sát, tư vấn sao cho đảm bảo theo quy định và có lợi nhất cho doanh nghiệp. Đồng thời cũng mong những đợt huấn luyện về an toàn PCCC, các doanh nghiệp nên tham gia đầy đủ. Đây là quy định của Nhà nước, đồng thời cũng đảm bảo an toàn cho chính doanh nghiệp nên rất cần sự đồng thuận, hợp tác của doanh nghiệp”-Đại tá Minh đề nghị.

Đối với đề nghị của ông Thái Như Hiệp về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp được ký hợp đồng thuê đất trước, đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cho biết: Đối với quy trình cho thuê đất vẫn có thể linh động rút ngắn thời gian thực hiện. Doanh nghiệp nào có nhu cầu ký hợp đồng sớm thì có thể liên hệ trực tiếp đến Ban Quản lý để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể.

Tập kết chanh dây tại Nhà máy chế biến chanh dây Quicornac. Ảnh: Hà Duy

Tập kết chanh dây tại Nhà máy chế biến chanh dây Quicornac. Ảnh: Hà Duy

Về việc nâng cấp hệ thống cấp nước, ông Nguyễn Tự Quyết-Phó Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng Khu Kinh tế tỉnh-cho hay: “Hiện tại, hệ thống cấp nước cho các doanh nghiệp tại KCN Trà Đa là từ khai thác nước ngầm. Vì vậy sẽ có những thời điểm việc cấp nước bị gián đoạn, chủ yếu do cúp điện hoặc máy bơm bị cháy. Tuy nhiên, hầu hết đều được khắc phục trong ngày. Sắp tới, KCN Trà Đa sẽ chuyển sang dùng nước của Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku chứ không dùng nước giếng khoan nữa. Do được đầu tư từ khá lâu nên hệ thống thoát nước hơi nhỏ. Tại khu trũng, khi mưa to, rác sẽ tập trung, gây dồn ứ. Sắp tới, chúng tôi sẽ sửa chữa, khắc phục những tồn tại này”.

Cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh cho biết: “Ban Quản lý đang phấn đấu giảm 30-70% thời gian giải quyết thủ tục hành chính; công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư trên website của đơn vị. Đồng thời, cố gắng nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để phối hợp với các đơn vị liên quan nhanh chóng tháo gỡ. Đối với các doanh nghiệp đã được đôn đốc, nhắc nhở nhưng không quan tâm thực hiện và tiếp tục vi phạm, Ban sẽ lập danh sách gửi cơ quan Thanh tra xử lý theo quy định. Sắp tới, Ban sẽ rà soát để đề xuất UBND tỉnh thu hồi các diện tích đất mà doanh nghiệp không triển khai xây dựng dự án, tránh trường hợp chiếm đất, hoạt động cầm chừng, lãng phí đất đai”.

Có thể bạn quan tâm