Kinh tế

Nông nghiệp

Gỡ khó để giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh Gia Lai tìm hướng trợ giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vươn lên.

Động lực thoát nghèo

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT), thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 (hỗ trợ phát triển sản xuất) giai đoạn 2021-2025, các địa phương đã chủ động triển khai các bước như: lập dự án, chọn đối tượng, đề xuất nội dung cần hỗ trợ để cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, hầu hết người dân các địa phương lựa chọn hỗ trợ về phân bón, các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thực tế của gia đình. Hiện một số xã, thị trấn đã triển khai hỗ trợ phân bón, vật nuôi theo nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được thụ hưởng từ chương trình.

Ông Rơ Mah Núc-hộ nghèo ở làng Kép (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) phấn khởi nói: “Tôi có 300 cây cà phê kinh doanh từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên hàng năm phải mua nợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ các đại lý. Khoảng 2 năm nay, giá phân bón tăng cao nên việc đầu tư cho vườn cây giảm, dẫn đến nguồn thu nhập của gia đình không đáng kể. Vừa rồi, gia đình được Nhà nước hỗ trợ hơn 10 bao phân để bón cho vườn cà phê đang trong giai đoạn nuôi quả”.

Ông Rơ Mah Núc (hộ nghèo ở làng Kép, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) được hỗ trợ hơn 10 bao phân bón để chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: N.D

Ông Rơ Mah Núc (hộ nghèo ở làng Kép, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) được hỗ trợ hơn 10 bao phân bón để chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: N.D

Tương tự, ông Puih Si (cùng làng) cho hay: “Được Nhà nước hỗ trợ hơn 10 bao phân bón, tôi huy động con cháu tập trung bón cho 500 cây cà phê của gia đình. Hy vọng vườn cà phê đạt năng suất cao, gia đình có thêm nguồn thu để vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Bà Nguyễn Thị Phúc-Chủ tịch UBND xã Cửu An (thị xã An Khê) thông tin: Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND xã vừa hỗ trợ 3 con bò sinh sản cho 3 hộ nghèo chăm sóc, nuôi dưỡng giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Tiểu dự án 1-Dự án 3 của giai đoạn 2021-2025 nên các địa phương không khỏi lúng túng. Trong đó, có nhiều quy định mới so với giai đoạn 2016-2020 như: cán bộ tư vấn phải tìm hiểu nhu cầu thực tế của từng hộ gia đình; các tổ cộng đồng phân công 1 người làm nhóm trưởng có mô hình phát triển kinh tế tốt làm “đầu tàu” hướng dẫn, giúp hộ nghèo, cận nghèo học tập kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Đối với những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT ghi nhận, đồng thời đề xuất với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan sớm tháo gỡ để các hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hộ nghèo xã Chư Á (TP. Pleiku) được hỗ trợ bò sinh sản. Ảnh: Nguyễn Diệp

Hộ nghèo xã Chư Á (TP. Pleiku) được hỗ trợ bò sinh sản. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh-thông tin: Qua khảo sát thực tế cho thấy, các địa phương đang gặp khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nhất là định mức hỗ trợ cho một dự án. Ngày 24-6-2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19-4-2022 về quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó có nội dung HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về mức hỗ trợ các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất.

Trên cơ sở này, UBND tỉnh giao các ban, ngành tham mưu xây dựng định mức phân bổ kế hoạch vốn, cơ cấu nguồn vốn theo từng hoạt động... trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất các chương trình mục tiêu quốc gia. Riêng vấn đề quay vòng vốn, đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã có công văn gửi các sở, ngành, địa phương tham gia đóng góp ý kiến.

“Hiện nay, các ngành phối hợp cùng các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Một số huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành xây dựng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chọn hộ và chờ định mức được ban hành thì sẽ áp dụng đưa vào hỗ trợ. Hàng tháng, Chi cục thường xuyên đôn đốc các địa phương khẩn trương tháo gỡ khó khăn, sớm hỗ trợ cây trồng, vật nuôi giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được thụ hưởng để giảm nghèo bền vững”-ông Y Nguyên Ênuôl thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm