Chính trị

Gỡ khó để phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số-Kỳ 2: Còn nhiều “điểm nghẽn”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hiện toàn tỉnh Gia Lai còn 13/17 địa phương cấp huyện chưa đạt tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số (DTTS) theo quy định. Nhiều xã thiếu cán bộ, công chức là DTTS dù có 60-99% dân số là người DTTS. Từ cơ chế, chính sách, công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo đến bản thân mỗi cán bộ, công chức DTTS vẫn tồn tại những “điểm nghẽn” nhất định, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc.

Cử tuyển gặp khó

Báo cáo với đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh mới đây, bà Lê Thị Thủy-Trưởng phòng Nội vụ huyện Đak Pơ-cho biết: Giai đoạn 2010-2015, huyện có 10 sinh viên cử tuyển thì đã bố trí công tác cho 5 người. Từ năm 2021 đến nay, huyện không có sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển vào công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Mặt khác, hàng năm, học sinh người DTTS trên địa bàn huyện đi học đại học, cao đẳng rất ít; sau khi học xong về tiếp nhận, tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, ban ngành, địa phương cũng gặp khó khăn vì các em học ngành nghề không phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển.

Tại huyện Krông Pa, biên chế để bố trí, tuyển dụng sinh viên theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp cũng rất khó khăn. Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Thảo băn khoăn: “Trên địa bàn huyện còn một số trường hợp đi học cử tuyển nhưng huyện chưa thể bố trí, tuyển dụng do biên chế tỉnh giao hàng năm thấp, trình độ chuyên môn đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm. Trước thực tế này, trong năm 2023, huyện không đăng ký thêm nhu cầu sinh viên cử tuyển”.

Buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan về “Việc thực hiện quy định của pháp luật về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn”. Ảnh: P.V

Buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan về “Việc thực hiện quy định của pháp luật về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn”. Ảnh: P.V

Huyện biên giới Đức Cơ cũng gặp khó khăn tương tự. Phó Chủ tịch UBND huyện Siu Luynh trăn trở: Theo Nghị định số 141-NĐ/CP ngày 8-12-2020 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên DTTS (thay thế Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14-11-2006 và Nghị định số 49/2015/NĐ-CP ngày 15-5-2015 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP), thay vì được tiếp nhận vào làm việc theo quy định trước đây, người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp vẫn phải thi tuyển hoặc xét tuyển. Thêm nữa, năng lực, trình độ làm việc của nhiều sinh viên cử tuyển lại hạn chế. Trong khi đó, theo quy định thì khi thi tuyển hoặc xét tuyển, sinh viên cử tuyển khó có thể vượt qua được những sinh viên có năng lực chuyên môn tốt hơn, xếp loại tốt nghiệp cao hơn.

Mặt khác, những năm gần đây, chỉ tiêu biên chế không tăng, các ngành đang thực hiện tinh giản bộ máy và biên chế nên việc bố trí, sắp xếp công việc cho sinh viên người DTTS gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, sau khi cử đi đào tạo, những vị trí dự định bố trí đã có cán bộ tăng cường hoặc luân chuyển đến nên địa phương chưa bố trí được công việc cho sinh viên cử tuyển sau khi ra trường.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Tiến cho biết: Thực hiện Nghị định số 141/2020/NĐ-CP, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn các địa phương báo cáo thực trạng và rà soát, đăng ký nhu cầu đào tạo theo chế độ cử tuyển để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, tỉnh không có người được cử đi học theo chế độ cử tuyển do không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký chỉ tiêu theo quy định hiện hành.

Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ảnh: Đức Thụy

Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ảnh: Đức Thụy

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng thừa nhận một khó khăn trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức người DTTS là do ngành nghề đào tạo không phù hợp. Ông Lương Nam Xuất Thế-Trưởng phòng Nội vụ huyện Đak Đoa-cho hay: Các địa phương thiếu cán bộ, công chức ở các khối ngành kinh tế, kỹ thuật, môi trường, trong khi phần lớn sinh viên người DTTS lại chọn học các khối ngành xã hội. Một thực tế khác là dù có những sinh viên học đúng ngành nghề cần tuyển nhưng thay vì về địa phương làm việc thì họ lại tìm kiếm việc làm ở nơi khác có mức đãi ngộ tốt hơn.

Đối với cơ chế, chính sách cũng còn những “điểm nghẽn” nhất định. Một số quan điểm, kết luận của Đảng về công tác dân tộc chưa được luật hóa để đi vào thực tiễn, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, dẫn đến lúng túng, thiếu thống nhất trong việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức người DTTS ở một số địa phương.

Hạn chế về trình độ học vấn

Một nghịch lý cần nhìn nhận là ở các địa phương dù có người DTTS chiếm tỷ lệ cao song vẫn không đảm bảo tỷ lệ cán bộ, công chức người DTTS theo quy định. Xã Ya Ma (huyện Kông Chro) hiện có 451 hộ với 2.443 khẩu, người DTTS chiếm trên 90% dân số. Những năm qua, Đảng ủy xã luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách là người DTTS có trình độ chuyên môn, năng lực công tác cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Toàn xã hiện có 32 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách, trong đó có 21 người DTTS.

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Ngọc Hồ cho biết: Nguồn cán bộ, công chức người DTTS của xã vẫn còn ít do trình độ học vấn và chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu khiến công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ người DTTS tại chỗ gặp những khó khăn nhất định. Công tác quy hoạch cán bộ, công chức người DTTS của xã thời gian qua tuy đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn một số khó khăn như: thiếu nguồn để bố trí vào vị trí quy hoạch, một số chức danh chưa đủ điều kiện theo tiêu chuẩn quy định.

Đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS là cầu nối đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với người dân. Ảnh: Đức Thụy

Đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS là cầu nối đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với người dân. Ảnh: Đức Thụy

Kế hoạch số 280/KH-UBND ngày 19-1-2017 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ mới quy định: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh có tối thiểu 10% cán bộ, công chức, viên chức người DTTS so với tổng số biên chế được giao. Các địa phương có tỷ lệ người DTTS/tổng dân số chiếm từ 5% đến dưới 10% thì đảm bảo tối thiểu tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS/tổng biên chế được giao lần lượt là 5% đối với cấp huyện và 10% đối với cấp xã. Tỷ lệ này tăng dần lên mức cao nhất đối với các địa phương có tỷ lệ người DTTS/tổng dân số chiếm trên 70% thì đảm bảo tối thiểu tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS/tổng biên chế được giao lần lượt là 35% đối với cấp huyện và 50% đối với cấp xã.

Xã Lơ Ku (huyện Kbang) cũng có gần 85% dân số là người Bahnar. Trong những năm qua, trên cơ sở nguồn quy hoạch và thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, Đảng ủy xã đã quan tâm cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ để bố trí vào bộ máy của Đảng ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội.

Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng cán bộ, công chức người DTTS được quan tâm thường xuyên, đúng mức. Từ năm 2020 đến nay, xã đã tiếp nhận, đề nghị tuyển dụng 3 cán bộ, công chức người DTTS. Nhờ vậy, tỷ lệ cán bộ, công chức người DTTS nói chung và tỷ lệ cán bộ quản lý các cấp là người DTTS nói riêng đang từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị của xã vẫn chưa đạt tỷ lệ theo quy định. Tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác của một số cán bộ có mặt còn hạn chế, một số người chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Công tác tạo nguồn đội ngũ cán bộ, công chức còn gặp nhiều khó khăn.

Bà Dương Thị Thanh Xuân-Phó Bí thư Đảng ủy xã Lơ Ku-thông tin: Tuy là xã có đông đồng bào DTTS nhưng một số hộ dân chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho con em mình trong học tập. Do vậy, số lượng học sinh người DTTS tốt nghiệp THPT còn ít, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch đội ngũ cán bộ kế cận do không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Một số chế độ, chính sách trong tuyển dụng đối với cán bộ, công chức còn bất cập nên chưa thu hút được sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc tại địa phương. Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức chưa chủ động trong học tập, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ nên hiệu quả công việc chưa cao.

Đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS phải liên tục được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng công việc. Ảnh: Đức Thụy

Đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS phải liên tục được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng công việc. Ảnh: Đức Thụy

Đó cũng là khó khăn chung của các xã vùng sâu, vùng xa. Ông Nguyễn Hồng Việt-Chủ tịch UBND xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) nhìn nhận: Người DTTS chiếm 99,54% dân số của xã. Toàn xã hiện có 13/18 cán bộ, công chức là người DTTS. Thời gian qua, đội ngũ này luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc. Thông thạo ngôn ngữ, gần gũi, dễ tiếp cận và nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của bà con là những thuận lợi của họ trong công tác. Song một số cán bộ, công chức người DTTS vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định như khả năng nghiên cứu, vận dụng văn bản, các chỉ thị, nghị quyết vào thực tiễn cũng như việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc chưa nhạy bén.

Hạn chế về năng lực khiến không ít cán bộ, công chức người DTTS sinh ra tâm lý ỷ lại, trông chờ, không có sự sáng tạo, chủ động trong công việc cũng như ý thức tự học, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ông Thân Trọng Bình-Trưởng phòng Nội vụ huyện Ia Grai-nêu thực trạng: Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chưa thực sự gắn với nhu cầu thực tế, một bộ phận cán bộ người DTTS trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn; tuổi đời đã lớn nên ngại tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Một bộ phận khác thì ý thức trách nhiệm trong công việc chưa cao nên năng lực quản lý, lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn hạn chế.

Giám đốc Sở Nội vụ cũng chỉ ra nguyên nhân khiến công tác phát triển cán bộ, công chức còn hạn chế là do việc bố trí, sử dụng cán bộ có lúc, có nơi còn nặng về cơ cấu, chưa chú trọng về tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định. Công tác quy hoạch cán bộ ở các đơn vị còn lúng túng, nhất là trong lựa chọn cán bộ dự nguồn; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong diện quy hoạch chưa kịp thời…

Có thể bạn quan tâm