Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Gỡ rào cản trong việc chuyển trường cho học sinh THPT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc chuyển trường đối với học sinh THPT đang theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh lẫn học sinh trong cả nước.

Khó khăn lớn nhất được đưa ra đó là mỗi trường sử dụng bộ sách giáo khoa không giống nhau, xây dựng những tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập cũng khác nhau dẫn đến nhiều vướng mắc, rào cản cho học sinh khi chuyển trường.

Trước những ý kiến xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn từng lưu ý các địa phương cần hỗ trợ tối đa người học và không đặt ra bất kỳ rào cản nào cho học sinh khi chuyển trường.

Mặt khác, Bộ GD-ĐT cũng quy định: Học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sau khi đã hoàn thành chương trình, đủ điều kiện lên lớp thì được chuyển trường. Học sinh hoàn toàn có thể thay đổi môn lựa chọn, cụm chuyên đề học tập khi có nhu cầu. Các đơn vị không lấy sách giáo khoa làm căn cứ, gây khó khăn cho học sinh khi chuyển trường.

Em Phạm Bùi Triệu Phong (đứng)-lớp 10C10, Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) đã dần bắt nhịp với việc học tập ở ngôi trường mới. Ảnh: Mộc Trà

Em Phạm Bùi Triệu Phong (đứng)-lớp 10C10, Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) đã dần bắt nhịp với việc học tập ở ngôi trường mới. Ảnh: Mộc Trà

Cùng với cả nước, Gia Lai đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở khối THPT đối với lớp 10 và 11 theo lộ trình. Liên quan đến việc chuyển trường của học sinh, ngành Giáo dục tỉnh cũng không nằm ngoài những khó khăn trên.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định cho hay: Việc các trường tự xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập phù hợp với đơn vị đã gây ra nhiều vướng mắc cho học sinh khi có nhu cầu chuyển trường. Học sinh học theo chương trình mới ngoài điểm xét tuyển đầu vào thì phải xem xét kỹ tổ hợp môn học lựa chọn khi chuyển trường, bởi hầu hết các trường không giống nhau.

Thời gian qua, Sở cũng đã chỉ đạo các trường bám sát quy định và chủ động, linh hoạt trong câu chuyện chuyển trường của học sinh. Theo đó, đối với học sinh THPT chuyển trường trong tỉnh, nếu điểm tuyển sinh đầu vào của trường chuyển đến thấp hơn trường chuyển đi thì hiệu trưởng nhà trường nơi đến tiếp nhận hồ sơ và xem xét, quyết định; ngược lại thì phải có ý kiến của Giám đốc Sở GD-ĐT.

Trường hợp học sinh chuyển trường đến từ tỉnh/thành phố khác, Sở sẽ tiếp nhận, giới thiệu về trường theo nơi cư trú, kèm theo hồ sơ đã kiểm tra. Việc chuyển trường được thực hiện khi kết thúc học kỳ I của năm học hoặc trong thời gian nghỉ hè, trước khi khai giảng năm học mới.

Trong 2 năm học 2022-2023 và 2023-2024, Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) đã tiếp nhận nhiều học sinh lớp 10 và 11 từ các trường khác chuyển đến. Theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Uyên, phần lớn các em này đang theo học tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập không trùng khớp với các tổ hợp của nhà trường, ít nhất là lệch 1 môn.

Vì vậy, sau khi tiếp nhận, nhà trường đã bố trí các em vào những lớp có số môn học lựa chọn giống nhau nhiều nhất; đồng thời, xây dựng thời khóa biểu phù hợp, tạo điều kiện để học sinh tham gia học bổ sung môn bị thiếu còn lại tại lớp khác.

Ngoài ra, nếu sách giáo khoa đang học trước đây không trùng với bộ sách mà nhà trường đang sử dụng, học sinh sẽ được tư vấn để mua sách mới hoặc mượn tại thư viện trường.

“Bằng phương thức này, học sinh buộc phải chủ động, thường xuyên cập nhật thời khóa biểu để tham gia đầy đủ các tiết học. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh chuyển đến và giáo viên bộ môn liên quan cũng phải phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát sao để kịp thời hỗ trợ cho những học sinh này trong quá trình học tập. Qua theo dõi, đa số các em chuyển trường đều bắt nhịp nhanh với môi trường mới”-cô Uyên nhìn nhận.

Cuối năm học 2022-2023, căn cứ nhu cầu của phụ huynh và học sinh, Trường THPT Lê Lợi đã hỗ trợ các em ôn tập, củng cố kiến thức; tổ chức kỳ kiểm tra để chuyển đổi môn tổ hợp tự chọn cho 13 học sinh (1 em của trường và 12 em chuyển từ trường khác về). Kết quả, 12/13 em đã đạt yêu cầu và được chuyển đổi tổ hợp.

Ngoài tiếp nhận, Ban Giám hiệu nhà trường cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt hồ sơ, thủ tục đối với những học sinh lớp 10 và 11 của trường chuyển đi học tập nơi khác theo nguyện vọng.

Là một trong những học sinh vừa chuyển về Trường THPT Lê Lợi sau khi kết thúc học kỳ I năm học 2023-2024, em Phạm Bùi Triệu Phong (lớp 10C10) chia sẻ: Tổ hợp môn học lựa chọn ban đầu của em là Công nghệ-Vật lý-Tin học. Khi chuyển đến trường mới, em được bố trí vào lớp 10C10 với tổ hợp môn học tự chọn là Địa lý-Vật lý-Tin học. Đến tiết Địa lý, em sẽ không tham gia cùng các bạn trong lớp mà sang lớp 10C3 để học môn Công nghệ.

Ngoài ra, vì bộ sách giáo khoa giữa 2 trường sử dụng không giống nhau, vài nội dung kiến thức cũng lệch nhau nên khi chuyển đến đây em phải mua thêm một số sách giáo khoa và tự bổ khuyết kiến thức còn thiếu.

“Dù ban đầu có khó khăn, song nhờ sự quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ từ phía nhà trường, thầy-cô giáo và bạn bè, em đã dần bắt nhịp và thích nghi với môi trường học tập mới. Em cũng đang tích cực ôn tập và củng cố kiến thức môn Địa lý để tham gia đợt kiểm tra chuyển đổi môn tổ hợp sau khi kết thúc năm học lớp 10”-Phong cho biết.

Có thể nói, ngành Giáo dục đã dần khắc phục được những rào cản trong việc chuyển trường đối với học sinh THPT học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT, tới đây, Sở sẽ tổ chức hội nghị đánh giá việc xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập nhằm đảm bảo sự phù hợp, hạn chế đến mức tối đa tình trạng học sinh thay đổi tổ hợp môn học và tạo điều kiện thuận lợi cho các em khi chuyển trường.

Có thể bạn quan tâm