Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Góc khuất của nghề sáng tạo nội dung số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bên cạnh là “mảnh đất màu mỡ" để kiếm tiền, thể hiện bản thân, nhiều người trẻ theo đuổi nghề sáng tạo nội dung chịu không ít áp lực.

Chịu sự giám sát trực tuyến

Có 31 triệu người yêu thích và gần 1 triệu người theo dõi trên tài khoản mạng xã hội TikTok, bạn Nguyễn Thị Lan Anh (SN 2000, quê ở Nghệ An) dần mất đi sự riêng tư. Bởi, những sự kiện, vấn đề xảy ra trong cuộc sống của Lan Anh đều trở thành một nội dung đăng tải trên mạng xã hội để thu hút tương tác. Vì vậy, cô gái này phải chấp nhận gia tăng giới hạn chịu đựng trước sự bình phẩm của cộng đồng mạng và không giữ được sự riêng tư trong đời sống cá nhân.

Chị Nguyễn Hồng Nhung (thứ hai từ trái sang) - Giám đốc sáng tạo, Cty truyền thông Cready Creative cùng ekip sáng tạo nội dung.

Chị Nguyễn Hồng Nhung (thứ hai từ trái sang) - Giám đốc sáng tạo, Cty truyền thông Cready Creative cùng ekip sáng tạo nội dung.

“Muốn nội dung của mình được lên xu hướng, được nhiều người đón nhận, tôi cần kể được những câu chuyện mang tính cá thể hoá nhằm tạo nét riêng. Khi lượng theo dõi lên đến hàng nghìn, hàng triệu người sẽ tương ứng với chừng đó camera online (giám sát trực tuyến)”, Lan Anh nói.

Để tạo được những không gian sáng tạo nhiều cảm hứng, Lan Anh cũng tốn nhiều chi phí. Trong đó, cô hay đầu tư trang trí không gian ở mỗi góc nhỏ trong nhà và thường xuyên chuyển nhà để luôn luôn có bối cảnh mới. Ngoài ra, Lan Anh cũng đầu tư cho những chuyến đi trải nghiệm để đa dạng nội dung trên kênh của mình.

Theo Lan Anh, điều quan trọng nhất mà cô phải đánh đổi là phải làm việc lệch múi giờ, để “chiều” theo cảm xúc sáng tạo. “Có những thời điểm trong ngày không nghĩ ra ý tưởng, hay video bị hạn chế tương tác, mình cũng phải tận dụng thời gian vàng sáng tạo để cải thiện nó”, nữ TikToker cho biết.

Đặc biệt, sau mỗi video đăng tải, Lan Anh đều thấy bất an. Bởi nếu muốn “nuôi” kênh, nền tảng, cô phải có nội dung hấp dẫn. Một khi bị hạn chế tương tác, thuật toán của nền tảng sẽ “trừng phạt” bằng cách ẩn hoàn toàn bài viết hoặc hiển thị bài đăng ở mức độ rất thấp trên kết quả tìm kiếm. “Khi ấy, sự chú ý trên kênh của mình sẽ xuống dốc và dần chìm vào quên lãng...”, Lan Anh phân tích.

Sống chung với những bình phẩm trái chiều

Với chị Nguyễn Hồng Nhung (Rose Ng) - Giám đốc sáng tạo, Cty truyền thông Cready Creative, công việc sáng tạo cần cân bằng với nhiều yếu tố khác nhau, như nhu cầu khách hàng, thị hiếu thị trường nếu làm trong ngành quảng cáo, hay thoải mái với những lời bình phẩm trái chiều, nếu thực hiện những dự án cá nhân.

Trong xu hướng ngày càng nhiều bạn trẻ trở thành TikToker, YouTuber…, họ một mặt muốn thể hiện bản sắc cá nhân nhưng cũng dễ bị “vạ miệng”. Hệ quả, họ trở thành tâm điểm của làn sóng chỉ trích, dẫn đến bị tẩy chay. Thậm chí, họ có thể đứng trước nguy cơ bị lạm dụng, trở thành một nhân vật cho ý tưởng sáng tạo nội dung của người khác và gia tăng mức độ bị tấn công trực tuyến.

Bên cạnh đó, Lan Anh cũng thừa nhận đã gặp phải nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” với phía nhãn hàng. Đó là sự thiếu cam kết về hợp đồng quyền lợi giữa hai bên, một số nhãn hàng tìm mọi cách để không trả chi phí sau khi đã review sản phẩm hoặc có thể “bùng” giữa chừng mà không có sự bồi thường.

Mất cân bằng cuộc sống

Bỏ phố về vườn để làm sáng tạo nội dung trên TikTok từ năm 2020, Nguyễn H.Y. (sống ở Thái Nguyên) năm qua vừa xây được nhà, xưởng và mua được xe. Thế nhưng, cô và gia đình nhỏ đã bị mất cân bằng cuộc sống, nhập viện vì quá sức.

Sau khi có nhiều lượt theo dõi và tương tác, Y. và chồng đã khởi nghiệp bằng kẹo lạc trà xanh và những sản phẩm đặc trưng từ chè. Tham việc, cả hai vợ chồng vừa cùng sáng tạo nên những thước phim bình dị quê nhà để giữ lượng tương tác ổn định, vừa tự làm tất cả các khâu chế biến, đóng gói, quảng bá, bán hàng… Y. kể, lúc nào cô cũng trong tình trạng làm việc đến khản tiếng và kiệt sức. Hai lần nhập viện vì dây thanh quản bị tổn thương nặng nề, bị trào ngược dạ dày, cơ thể suy nhược, làn da vừa nổi mụn lại thiếu sức sống, có khi khô đến bong tróc.

“Ngày nào tôi cũng bị suy nghĩ tiêu cực so với thời điểm trước đây. Có rất nhiều người đến, xem, ủng hộ tôi và cũng có người rời đi. Những người rời đi đã khiến cho tôi cảm thấy mất mát và không ngừng tự trách mình”. Y. nói.

Hậu quả của chuỗi mất cân bằng đã khiến Y. phải nhập viện thời gian dài và mất không ít tiền bạc. “Lúc nằm chờ phẫu thuật, tôi đã nghĩ số tiền vất vả kiếm được lại để chi trả tiền chữa bệnh… thật sự ngu ngốc”, Y. bộc bạch.

Nghiêm trọng hơn, Y. và chồng có lúc không hòa thuận, nảy sinh nhiều cuộc tranh cãi. Cô tâm sự: “Chúng tôi đã từng nghĩ có nên dừng lại cuộc hôn nhân này. Nhưng khi tỉnh ra, tôi mới biết mình bị lạc lối vào một cuộc sống mất cân bằng. Tôi tự hỏi mình có cần nhiều tiền đến thế?”.

Có thể bạn quan tâm