Góc nhìn World Cup: Hàm răng, bàn tay và bóng đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đêm qua, làng túc cầu thế giới lại được chứng kiến một scandal khi Suarez cắn vào vai của Chiellini. Lật lại lịch sử của World Cup, đã không có ít sự việc oái ăm mà sau đó đã được hậu thế ghi lại như một kiểu tiểu xảo trứ danh.

1. Tứ kết World Cup 1986, Anh và Argentina đối đầu nhau trên mảnh đất Mexico. Phút 51, khi tỷ số đang là 1-1, trong một pha phá bóng của cầu thủ của xứ sở sương mù, Maradona nhảy lên tranh bóng bổng với thủ thành Peter Shilton. Với chiều cao 1m65 của Maradona, ai cũng có thể đoán được kết cục của pha tranh chấp này khi Shilton có thêm lợi thế của đôi tay.
 

Tình huống Suarez cắn Chiellini.

Nhưng không, Maradona chứng tỏ rằng mình cũng có đôi bàn tay chứ không chỉ có Shilton. “Cậu bé vàng” dùng tay đẩy bóng vào lưới trong sự ngỡ ngàng của tất cả. Của hơn 100.000 khán giả trên khán đài, của 11 cầu thủ đội khách và ngay cả 10 đồng đội của anh. Nhưng với trọng tài thì không. Ông lạnh lùng công nhận bàn thắng của Maradona dù các cầu thủ Anh vây ông lại và phân bua trong vô vọng.

Trận ấy, tuyển Anh thất thủ 1-2. Còn Maradona thì khôn khéo “thần thánh hóa” pha tiểu xảo của mình bằng một câu nói nổi tiếng: “Tôi đã ghi bàn bằng cái đầu của mình và bàn tay của Chúa”. Và thế, “bàn tay của Chúa” trở thành một trong những điển tích kinh điển nhất của lịch sử bóng đá kể từ ngày nó ra đời. Năm ấy, Argentina lên ngôi vô địch khi đánh bại Đức 3-2 trong trận chung kết. “Bàn tay của Chúa” lại được nhớ đến như một bước ngoặt giúp đội bóng xứ sở Tango lên ngôi. Để rồi sau đó, nó được lấy ra như một chuẩn mực mặc định cho tất cả những pha ghi bàn bằng tay.

 

2. 4 năm sau, cũng là người Argentina khi World Cup được tổ chức tại Italia. Argentina đối đầu với đại kình địch của mình là tuyển Brazil ở vòng 1/8. Trận đấu chứng tỏ sự vượt trội của Selecao khi họ áp đảo hoàn toàn và Argentina chỉ thoát thua nhờ may mắn với 3 lần bóng chạm điểm nối giữa xà ngang và cột dọc khung thành của họ. Nhưng rồi, họ vẫn bị Argentina đánh bại bởi bàn thắng duy nhất của Caniggia ở phút 80. Điểm nhấn của trận đấu sau đó không nằm ở bàn thắng của Caniggia, mà ở việc cầu thủ Brazil tố bác sĩ của Argentina đã “hạ độc”.
 

Pha bóng “Bàn tay chúa” của Maradona.

Khi vào sân chăm sóc cho Troglio, bác sĩ của Argentina mang theo hai chai nước, một xanh, một trắng. Khi hậu vệ Monzon của Argentina cầm chai màu xanh lên định uống thì vị bác sĩ này ra dấu ngăn lại rồi đưa cho Monzon chai nước màu trắng. Sau đó, chính hậu vệ Branco của Brazil là người tiến đến uống chai nước màu xanh kia. Branco sau đó cảm thấy choáng váng và rã rời chân tay. Và đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc anh bị Maradona qua mặt trước khi chuyền cho Caniggia ghi bàn. Nhiều năm sau đó, chính Maradona đã phát biểu với báo giới rằng có ai đó đã bỏ thuốc ngủ vào chai nước màu xanh ấy.

World Cup 2010 tại Nam Phi, Suarez bay người lấy tay như một thủ môn để cản phá cú đánh đầu của cầu thủ Ghana ở trận đấu tứ kết khi trận đấu chỉ được tính bằng giây. Suarez bị thẻ đỏ, Uruguay đứng trước một quả 11m. Nhưng Gyan đã thực hiện không thành công để rồi sau đó tuyển Ghana của anh thất thủ trên loạt đấu súng luân lưu. Sau đó, Uruguay lọt vào bán kết rồi đứng hạng 4 chung cuộc.

 

3. Họ: Maradona, vị bác sĩ, hay Suarez đã làm tiểu xảo bằng mọi cách. Nhưng kết quả chỉ có 1, họ mang về chiến thắng cho đội bóng của mình. Lịch sử chỉ ghi danh những kẻ giành chiến thắng. Maradona giúp Argentina đăng quang ở Mexico 1986. Vị bác sĩ góp công sức vào việc Argentina đánh bại đại kình địch hay Suarez giúp Uruguay lọt vào tốp 4 thế giới chứ có ai kể rằng Ghana xếp thứ mấy ở World Cup 2010. Phần đông cho rằng, đó đều là những hành động phi thể thao trong một môn thể thao.
 

Biếm họa Suarez giành danh hiệu “Bàn răng vàng”.

Nhưng bóng đá từ lâu đã vượt qua giới hạn của nó. Nó không đơn thuần chỉ là cuộc chơi của 22 con người và một trái bóng. Nó trở thành niềm kiêu hãnh của cả một dân tộc và như một tấm gương phản chiếu chân thực của cuộc sống. Suarez một lần nữa chứng minh cho cả thế giới thấy rằng, chiến thắng mới là tất cả. Họ sẽ là đội bóng đối đầu với Colombia ở vòng knock-out. Còn với Italia, họ đã nằm trong danh sách 16 kẻ chiến bại sau vòng bảng, cái danh sách mà người ta sẽ quên nhanh thôi khi các trận đấu ở vòng 1/8 khởi tranh.

Cuộc sống không mang màu hồng. Như bóng đá không chỉ đá hay, đá đẹp, fair-play thì mới là kẻ chiến thắng. Cuộc sống vẫn luôn tồn tại những “tiểu xảo”, dù bằng cách này, hay cách kia.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm