Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Google khuyến cáo tắt sóng 2G để chặn lừa đảo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tắt sóng 2G giúp "đóng" lỗ hổng của công nghệ cũ này khiến kẻ gian không thể tận dụng cho hành vi lừa đảo qua hình thức phát tán tin nhắn SMS.

Lừa đảo qua SMS không còn là điều xa lạ ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Với hình thức tấn công từ xa có phần "sơ khai" này, kẻ gian chỉ việc mạo danh các tổ chức, doanh nghiệp uy tín, thường thấy như ngân hàng, cơ quan nhà nước... để gửi tin nhắn có chứa đường link (dẫn) tới một website hoặc phần mềm độc hại. Sau khi nạn nhân bấm vào, tùy cơ chế thực thi mà kẻ gian có thể lén cài mã độc lên điện thoại để từ đó đánh cắp dữ liệu cá nhân hoặc phát tán virus cho nhiều thiết bị khác. Theo Google, hình thức này có thể bị ngăn chặn khi người dùng tắt sóng 2G trên máy di động cá nhân.

Tắt sóng 2G giúp ngăn chặn khả năng tấn công qua SMS lợi dụng lỗ hổng trên công nghệ đã cũ này.

Tắt sóng 2G giúp ngăn chặn khả năng tấn công qua SMS lợi dụng lỗ hổng trên công nghệ đã cũ này.

Bắt đầu thương mại hóa từ năm 1991, đến nay mạng 2G đã trở nên lỗi thời và ẩn chứa các lỗ hổng an ninh không còn được vá, do đó thường bị tin tặc lợi dụng. Theo trang GizChina, sóng 2G có hạn chế trong quy trình xác thực giữa thiết bị di động và mạng. Từ đây, tin tặc dễ dàng "chen vào" giữa quá trình thông tin liên lạc (gửi, nhận tin nhắn), can thiệp để gửi tin nhắn lừa đảo, thực thi chiến dịch mà người dùng không biết.

Trên thị trường, ngoài những thiết bị chỉ hỗ trợ sóng 2G (2G Only), các điện thoại hiện đại vẫn hỗ trợ kết nối này. Đây cũng chính là lý do tin tặc tiếp tục lợi dụng lỗ hổng để tạo trạm phát sóng giả, ngụy trang tín hiệu. Mỗi khi có thiết bị ở gần muốn kết nối, trạm gốc sẽ buộc điện thoại hạ xuống nhận tín hiệu 2G, "mở cổng" cho hàng loạt tin nhắn SMS chứa đường link tới website, mã độc gửi tới máy người dùng.

Mới đây, Google xác nhận mối đe dọa này đang gia tăng và vấn đề yếu kém trong bảo mật của sóng 2G đang bị nhiều nhóm tội phạm lợi dụng. Hãng khuyến cáo người dùng smartphone Android tắt kết nối này trên điện thoại, đồng thời cho biết đang nghiên cứu khả năng chống các trạm phát sóng giả mạo.

Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu (GSMA) cũng đồng tình với khuyến cáo từ Google, nhưng cho biết thêm trường hợp người dùng vẫn cần 2G để liên lạc với các dịch vụ khẩn cấp thì vẫn nên mở kết nối trên điện thoại.

Hiện có nhiều mẫu điện thoại cơ bản tương thích với 4G, giá dưới 1 triệu đồng trên thị trường.

Hiện có nhiều mẫu điện thoại cơ bản tương thích với 4G, giá dưới 1 triệu đồng trên thị trường.

Tuy nhiên, thao tác tắt sóng 2G trên smartphone Android chỉ được mở tùy từng thị trường và cách thực hiện có sự khác nhau giữa điện thoại của các nhà sản xuất. Người dùng có thể chủ động kiểm tra trên điện thoại của mình theo cách truy cập vào ứng dụng Cài đặt -> Mạng & Internet -> Thẻ SIM -> Gạt nút "Cho phép kết nối 2G" về màu xám. Thao tác tắt thường nằm trong phần quản lý kết nối di động của thẻ SIM.

Hiện iPhone chưa cung cấp tùy chọn này tới người dùng ở mọi thị trường.

Tắt sóng 2G cũng là chủ trương của Việt Nam khi công nghệ này sẽ chính thức dừng hoạt động từ ngày 15.9.2024. Người dùng đang sử dụng các loại điện thoại 2G Only sẽ không thể tiếp tục kết nối trên thiết bị cũ mà cần nâng cấp lên máy mới có hỗ trợ các công nghệ cao hơn như 3G, 4G hoặc 5G.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại smartphone hỗ trợ 4G với giá rẻ, dao động từ khoảng 2 tới 5 triệu đồng mỗi máy. Bên cạnh đó, người dùng không có nhu cầu với điện thoại thông minh có thể tiếp tục sử dụng điện thoại cơ bản (feature phone) hỗ trợ 4G, thường có mức giá từ vài trăm tới dưới 1 triệu đồng. Những model này vẫn đáp ứng đầy đủ tính năng quan trọng như có phím số lớn, thời lượng pin bền (một lần sạc dùng nhiều ngày liên tiếp), nghe gọi rõ ràng... bổ sung nâng cấp về lưu trữ danh bạ, màn hình màu, một số mẫu có thể thêm camera...

Theo Anh Quân (TNO)

Có thể bạn quan tâm