Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Google ra mắt công cụ Bard để cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Động thái của Google được xem như đòn đáp trả Microsoft trong cuộc cạnh tranh nhằm giành vị trí dẫn đầu cuộc đua trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo.
Bard của Google sẽ cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT. Nguồn: Reuters

Bard của Google sẽ cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT. Nguồn: Reuters

Hãng tin Reuters cho biết ngày 6/2, Tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google, tiết lộ rằng họ sẽ ra mắt dịch vụ chatbot và tăng thêm nhiều trí tuệ nhân tạo (AI) hơn cho công cụ tìm kiếm của mình.

Động thái của Google được xem như đòn đáp trả Microsoft trong cuộc cạnh tranh nhằm giành vị trí dẫn đầu cuộc đua AI. Về phần mình, Microsoft cho biết công ty đã lên kế hoạch giới thiệu AI riêng vào ngày 7/2.

Các tin tức xuất hiện dồn dập gần đây đã cho thấy Thung lũng Silicon đang chờ đón những thay đổi lớn từ cái gọi là “AI có năng lực sản xuất”. Đây là công nghệ sử dụng AI để tạo ra những đoạn văn xuôi, hoặc các nội dung khác, chỉ dựa trên một vài từ khoá mà người dùng nhập vào, qua đó giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian cho đội ngũ lao động “cổ cồn trắng”.

Sự trỗi dậy của ChatGPT, một chatbot của công ty OpenAI do Microsoft hậu thuẫn, có thể đảo lộn cách người dùng tìm kiếm thông tin. ChatGPT cũng là một trong những thách thức lớn nhất mà Google phải đối mặt.

Trong một bài viết đăng trên blog cá nhân, Giám đốc điều hành Alphabet Sundar Pichai cho biết công ty đang triển khai từng bước một dịch vụ trò chuyện với AI mang tên Bard để kiểm tra phản hồi của người dùng, trước khi chính thức cho công chúng sử dụng trong vài tuần tới.

Pichai cũng tiết lộ thêm rằng Google có kế hoạch bổ sung các tính năng AI cho công cụ tìm kiếm Google, để tổng hợp tài liệu cho các câu hỏi phức tạp, chẳng hạn như “học guitar hay piano dễ hơn”. Hiện tại, Google chỉ hiển thị các đoạn văn bản đã tồn tại đâu đó trên Internet, để trả lời cho các câu hỏi với đáp án rõ ràng.

Việc Google cập nhật công cụ tìm kiếm, với thời gian phát hành chưa được công bố, cho thấy công ty đang tăng cường dịch vụ, giống như cách thức Microsoft làm điều tương tự với công cụ Bing, thông qua việc gắn các tính năng của OpenAI vào nó.

Hiện chưa rõ Google sẽ làm gì để tạo ra sự khác biệt giữa Bard và ChatGPT của OpenAI. Theo ông Pichai, Bard sẽ sử dụng thông tin từ toàn bộ mạng Internet. Để so sánh, kho kiến thức của ChatGPT được cập nhật cho tới năm 2021. “Bard sẽ là sự kết hợp giữa bề rộng kiến thức của thế giới với sức mạnh, trí tuệ và sự sáng tạo của hệ thống AI do chúng tôi tạo ra,” Pichai nói.

Đằng sau chatbot mới của Google là LaMDA, một hệ thống AI với khả năng tạo ra văn bản có nội dung cực kỳ ấn tượng, tới mức vào năm ngoái, một kỹ sư của công ty từng cáo buộc nó có tri giác. Tuy nhiên tuyên bố này đã bị chính Google, cũng như nhiều kỹ sư công nghệ khác, lên tiếng bác bỏ.

Ở bản demo, Bard khá giống với ChatGPT khi đề nghị người dùng nhập dữ liệu đầu vào. Bard cũng cảnh báo người dùng rằng nội dung phản hồi nó tạo ra có thể không chính xác hoặc không phù hợp. Sau đó, bản demo cho thấy Bard đưa ra ba câu trả lời cho một câu hỏi về những khám phá của kính viễn vọng không gian.

Theo lời Pichai, Google đang dựa vào một phiên bản LaMDA có năng lực tính toán thấp hơn để phục vụ nhiều người dùng hơn và phản hồi thông tin tốt hơn. Cần biết rằng ChatGPT đôi khi đã từ chối người dùng, vì số lượng cá nhân sử dụng dịch vụ tăng quá cao. Các nhà phân tích của công ty UBS cho biết ChatGPT đã có 57 triệu lượt người truy cập duy nhất (unique visitor) vào tháng 12/2022, vượt xa khả năng đón nhận người dùng của mạng xã hội TikTok.

Được biết trong tháng tới, Alphabet sẽ công bố kế hoạch của Google trong việc cung cấp các công cụ, công nghệ được hỗ trợ bởi LaMDA và các AI khác cho cộng đồng sáng tạo và doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm