Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gùi nhỏ thân thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi sống ở vùng đất Tây Nguyên này đã hơn 20 năm. Chừng ấy thời gian tôi đã hiểu phần nào những nét đẹp trong đời sống của người dân tộc thiểu số Jrai. Một trong những vật dụng sinh hoạt mang đậm nét văn hóa Tây Nguyên mà họ vẫn giữ gìn đến ngày nay là chiếc gùi. Đó dường như là vật bất ly thân mỗi khi họ đi rẫy hay đi chợ. Nhờ sự mang vác của đôi vai, chiếc gùi trở nên rất hữu dụng, có thể đựng được rất nhiều thứ.
Mùa khô Tây Nguyên cũng là mùa thuận lợi cho việc kiếm củi. Con đường bê tông như mềm mại hẳn với hình ảnh các cô gái mang trên vai những gùi củi nhấp nhô. Theo phong tục địa phương, con gái Jrai trước khi bắt chồng phải kiếm củi chất đầy gầm sàn. Với cây rựa trong tay, các thiếu nữ đi chặt những cành cây khô bên đường hay quanh rẫy thành những khúc ngắn xếp chặt trong gùi. Những cành cây lô nhô sau vai áo, tạo nên vẻ đẹp của gùi củi mùa đông. Nhìn ngắm những bước đi uyển chuyển với gùi củi trên lưng giữa tiết trời trong trẻo, nắng vàng nhẹ của buổi chiều Tây Nguyên, dường như tôi thấy cả tình yêu chất chứa trong từng chiếc gùi mơ về tương lai hạnh phúc.
 Thiếu nữ Jrai mang gùi đi gùi nước Ảnh: Đức thụy
Thiếu nữ Jrai mang gùi đi gùi nước Ảnh: Đức thụy
Trong cuộc sống thường ngày của người Jrai, việc đi lấy nước là công việc của phụ nữ. Những bến nước thường là con suối hay con sông cách nhà hàng cây số khiến cho chiếc gùi lại một lần nữa phát huy tác dụng. Các chị, các mẹ hay em gái bỏ vào gùi những chai nhựa có dung tích từ một lít đến năm lít để dễ bề vận chuyển. Để đi lấy nước, họ thường phải qua một con dốc lớn, xuống thì dễ mà lên thì khó. Lúc xuống nhẹ nhàng với chiếc gùi nhẹ tênh, lúc lên lại nặng trĩu với chiếc gùi đầy những chai nước. Bàn chân phải bấm chặt vào đất để giữ cho tư thế được thăng bằng. Khó khăn là vậy nhưng những người phụ nữ nơi đây vẫn ngày ngày cần mẫn gùi từng gùi nước đem về nhà dùng cho sinh hoạt. Về đến nhà, các chai nước được xếp đặt gọn gàng trên chạn. Chiếc gùi lại được nghỉ ngơi nơi góc nhà chờ công việc mới.
Có những hôm trên đường tôi đi dạy, qua cây cầu gỗ nhỏ bắc qua sông Ba thì gặp các em gái gùi những gùi cỏ sau lưng. Các em đi bộ qua cầu, sang tận cánh đồng bên kia sông để cắt cỏ cho bò. Để mang về được nhiều hơn, các em cuộn những bó cỏ to cột vào miệng gùi. Cỏ lòa xòa tứ phía che kín cả tấm lưng gầy ướt đẫm mồ hôi. Gùi cỏ xanh nhấp nhô theo nhịp bước của các em trong chiều hoàng hôn bóng đổ trên cây cầu gỗ, vẽ nên bức tranh quê hương rất đỗi nên thơ.
Cũng là chiếc gùi nhỏ trên vai, các em gái gùi nông sản ra chợ. Nào rau, nào bí, nào cà mướt rượt, tròn đầy. Có khi chưa ra đến chợ các em đã bán được hơn nửa số rau trong gùi. Tôi cũng thường mua rau quả của các em, vừa được ăn thực phẩm sạch, vừa là ủng hộ các em kiếm thêm chút thu nhập cho gia đình.
Quê tôi cũng là nơi có đàn bò nhiều nhất tỉnh nên ngoài một buổi đi học, buổi còn lại các em học sinh phải đi chăn bò giúp bố mẹ. Chiếc gùi nhỏ lại một lần nữa đung đưa trên những đôi vai nhỏ. Có khi chỉ để bỏ một chai nước uống, có khi là mớ lá giang vừa hái ven đường. Và có đôi lần, tôi còn thấy cả những quyển sách giáo khoa được các em mang theo để học bài lúc rảnh rỗi. Chiếc gùi như chứa cả tương lai rộng mở đưa các em đến với bến bờ tri thức. Gùi nhỏ đã trở nên vô cùng thân thương với những người dân quê tôi như vậy đó.
MAI HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm