Pháp luật

Hà Nội: Bắt giữ nhóm đối tượng lừa thu đổi ngoại tệ gần nửa tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi chị N.T.T chuyển tiền theo yêu cầu, các đối tượng lấy lý do tài khoản ngân hàng Trung Quốc chưa nhận được tiền nên không trả tiền mặt cho chị N.N.T, sau đó bỏ trốn, chiếm đoạt 430 triệu đồng.

Ngày 6/3, Công an thành phố Hà Nội cho biết liên quan đến vụ việc một nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả là khách hàng cần thu đổi và thanh toán đồng nhân dân tệ xảy ra tại phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với 4 đối tượng.

Các đối tượng bị bắt giữ bao gồm Phan Hà Hải (sinh năm 1995, hộ khẩu thường trú tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội); Vũ Văn Việt (sinh năm 1992, hộ khẩu thường trú tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình); Trần Minh Hải (sinh năm 1997, hộ khẩu thường trú tại huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội); Hoàng Tiến Dũng (sinh năm 1987, hộ khẩu thường trú tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).

Tại cơ quan Công an, các đối tượng đã thành khẩn khai báo, do không có việc làm ổn định, cần tiền tiêu xài nên đã nảy sinh ý định giả làm khách hàng cần thanh toán tiền mua hàng hóa tại Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ.

Sau khi bàn bạc thống nhất, các đối tượng đã đến gặp chị N.T.T (sinh năm 1989, hộ khẩu thường trú tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) để nhờ chuyển tiền nhân dân tệ vào tài khoản tại ngân hàng Trung Quốc do các đối tượng chỉ định.

Các đối tượng trong vụ án. (Nguồn: Báo Hà Nội mới)

Các đối tượng trong vụ án. (Nguồn: Báo Hà Nội mới)

Tuy nhiên, sau khi chị N.T.T chuyển tiền theo yêu cầu, các đối tượng lấy lý do tài khoản ngân hàng Trung Quốc chưa nhận được tiền nên không trả tiền mặt cho chị N.N.T, sau đó bỏ trốn, chiếm đoạt số tiền 430 triệu đồng của bị hại.

Trước đó, ngày 1/3, Công an quận Tây Hồ nhận được đơn trình báo của chị N.T.T về việc bị một nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả là khách hàng cần thu đổi và thanh toán đồng nhân dân tệ xảy ra tại phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội).

Ngay khi nhận được tin báo, Công an quận Tây Hồ đã khẩn trương tổ chức xác minh, điều tra. Hiện Công an quận Tây Hồ đang khẩn trương điều tra, làm rõ, tiếp tục truy bắt các đối tượng có liên quan, để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cũng trong ngày, Công an thành phố Hà Nội cho biết Công an thị trấn Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) vừa kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo chiếm đoạt của người dân, bằng hình thức giả danh Công an gọi điện thoại đe dọa tống tiền.

Cụ thể, ngày 1/3, Công an thị trấn Tây Đằng nhận được tin báo của chị P.N.V (sinh năm 1992, hộ khẩu thường trú tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) về việc bố chị là ông P.V.T (sinh năm 1970, hộ khẩu thường trú tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) đang có đối tượng tự xưng công an, gọi điện thoại yêu cầu ông chuyển 11 triệu đồng.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, lực lượng Công an thị trấn Tây Đằng cùng chị P.N.V đã khẩn trương có mặt tại nhà ông P.V.T để xác minh vụ việc.

Theo tường trình của ông P.V.T cho biết, từ ngày 28/2, ông liên tục nhận được cuộc gọi đến tự giới thiệu là cán bộ công an. Người này nói ông liên quan tới một vụ án có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy hàng tỷ đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu ông chuẩn bị 2 triệu đồng, sau đó là 9 triệu đồng nếu không sẽ bị bắt giữ.

Đến sáng 1/3, ông P.V.T có chuẩn bị giấy tờ và tiền theo yêu cầu đến Quỹ Tín dụng thị trấn Tây Đằng để chuyển tiền cho đối tượng trên.

Biết được thông tin, chị P.N.V nhanh chóng thông báo sự việc cho Công an thị trấn Tây Đằng nhờ hỗ trợ. Sau khi nắm tình hình, Công an thị trấn Tây Đằng đã giải thích rõ cho ông P.V.T về thủ đoạn lừa đảo này cũng như phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông gây án và nhắc nhở ông P.V.T không nghe, không làm theo những yêu cầu của đối tượng.

Trước phương thức và thủ đoạn như trên, Công an huyện Ba Vì đã chỉ đạo các Đội nghiệp vụ phối hợp với Công an các xã, thị trấn khuyến cáo người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an xã, thị trấn và tuyệt đối không có việc gọi điện thoại để yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.

Có thể bạn quan tâm