Thể thao

Thể thao cộng đồng

Hà Nội FC: Đế chế đang lung lay?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với 5 chức vô địch (các năm 2010, 2013, 2016, 2018, 2019) và 4 lần giành danh hiệu á quân (các năm 2011, 2012, 2014, 2015) trong 10 năm tham dự V.League, cùng việc thâu tóm trọn bộ Siêu Cúp QG và Cúp QG, Hà Nội FC xứng đáng là đội bóng giàu thành tích nhất trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Không chỉ có vậy, ở sân chơi dành cho các cầu thủ trẻ, Hà Nội FC cũng là một thế lực với 5 chức vô địch giải U21 QG (các năm 2013, 2015, 2016, 2018, 2019) và cũng chừng ấy số lần về nhất ở giải U19 QG (các năm 2011, 2014, 2016, 2017, 2019).
Hiện tại, các cầu thủ Hà Nội FC đang là linh hồn của ĐTQG với gần như ¾ vị trí chủ chốt trong đội hình xuất phát, và cầu thủ quan trọng nhất của ĐTQG hiện nay là Quang Hải cũng thuộc sở hữu của Hà Nội FC.
Việt Anh (phải) còn rất non nớt nhưng vẫn phải vào sân vì Hà Nội FC thiếu người
Việt Anh (phải) còn rất non nớt nhưng vẫn phải vào sân vì Hà Nội FC thiếu người
Với tầm ảnh hưởng như vậy, nếu nói Hà Nội FC đang là đế chế của bóng đá Việt Nam cũng chẳng phải quá lời, nhất là ai cũng biết sau lưng Hà Nội FC là bầu Hiển với tiềm lực tài chính hùng mạnh, giúp đội bóng Thủ đô có thể đưa về những ngoại binh xuất sắc nhất nhì V.League như Omar, Moses hay Rimario .
Thế nhưng, với những gì đã diễn ra kể từ ngày khai màn LS V.League 2020 cho tới nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy đế chế mang tên Hà Nội FC đang dần lung lay, hoặc ít nhất là họ không còn duy trì được sức mạnh tuyệt đối, áp đảo như 2 mùa giải gần đây nhất.
Sau 7 vòng đấu của LS V.League 2020, Hà Nội FC đã thua tới 3 trận và đang trượt dần xuống nửa dưới của bảng xếp hạng.
Đến đây sẽ có người lý giải rằng với một đội bóng mất tới 3/4 vị trí chính thức ở hàng thủ như Hà Nội FC thì kết quả như vậy không phải bất ngờ. Chỉ cần xiết lại đội ngũ, Hà Nội FC sẽ dễ dàng lấy lại những gì đã mất.
Hà Nội FC đang gặp nhiều khó khăn
Hà Nội FC đang gặp nhiều khó khăn
Thế nhưng, mọi sự không đơn giản như vậy, vì thực tế là Hà Nội FC hiện tại mong manh và dễ bị tổn thương hơn nhiều so với những gì người ta từng nghĩ về đội bóng này.
Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu đúng là những vị trí rất khó thay thế, Thành Chung đang có sự tiến bộ đáng kể. Nhưng ngoài 4 cái tên này, hàng hậu vệ của Hà Nội FC không còn gương mặt nào tin cậy để đảm đương vai trò trung tâm của hàng phòng ngự.
Bùi Hoàng Việt Anh tuy có lợi thế về thể hình, nhưng còn rất non ở vị trí trung vệ. Người đá cặp với Việt Anh ở trận thua 0-1 trước Sài Gòn FC vừa qua là Đặng Văn Tới thậm chí còn non nớt hơn nữa, khi trung vệ này bị Pedro và Geovane của Sài Gòn FC xoay như chong chóng.
Việc đưa Việt Anh và Đặng Văn Tới vào sân ở thời điểm này với HLV Chu Đình Nghiêm là điều bất đắc dĩ, nhưng nhà cầm quân này cũng không còn lựa chọn nào khác. Không chỉ ở vị trí trung vệ, Hà Nội FC còn đang gặp khó ở lực lượng kế thừa tại nhiều chỗ khác.
Đến đây, người ta mới chợt nhớ ra rằng sau lứa Hùng Dũng rồi Duy Mạnh, Quang Hải, Đình Trọng, Hà Nội FC không còn trình làng được một tài năng trẻ triển vọng nào nữa.
Khi còn ở tuổi 20, những Quang Hải, Duy Mạnh hay Đình Trọng đều đã có chỗ đứng vững chắc tại V.League cũng như Hà Nội FC, còn bây giờ, cũng ở tuổi 20 nhưng Việt Anh, Văn Tới vẫn còn rất non, và những gương mặt trẻ còn lại trên ghế dự bị của Hà Nội FC cũng không xuất sắc hơn bao nhiêu.
Ở cấp độ trẻ thì vấn đề của Hà Nội FC cũng không thật sự khả quan, vì lứa U21 vừa vô địch năm ngoái đã được chuyển giao cho Phú Thọ để thi đấu ở giải hạng Nhì QG, còn đội U19 trong vai trò ĐKVĐ thì đã bị loại ngay từ vòng loại giải U19 QG năm 2020.
Nói thế để thấy vấn đề nhân sự bây giờ đang là một thách thức rất lớn của Hà Nội FC, và đội bóng Thủ đô không giống với SLNA, khi mà đội bóng xứ Nghệ tuy năm nào cũng phải đối mặt với cảnh chảy máu lực lượng song vẫn biết cách duy trì quân số để chiến đấu ở V-League.
Khác biệt lớn nhất giữa Hà Nội FC và SLNA là việc đội bóng xứ Nghệ hơn hẳn về yếu tố màu cờ sắc áo địa phương và tinh thần nhà nghèo vượt khó, nên dù hoàn cảnh thế nào thì SLNA cũng chưa bao giờ phải đối mặt với bài toán thiếu hụt nhân sự, còn với Hà Nội FC, với việc cầu thủ xuất thân từ nhiều nguồn khác nhau, như chuyển giao của PVF (Minh Dĩ, Thái Quý), chuyển giao của hệ thống vệ tinh (Văn Công, Văn Kiên) hay chuyển giao từ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội thuộc Trung tâm huấn luyện thi đấu TDTT – Sở VHTT Hà Nội, thì rất không thích hợp để nói tới chuyện đồng tâm hiệp lực kiểu con nhà nghèo vượt khó.
Mà nói tới Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội thuộc Trung tâm huấn luyện thi đấu TDTT – Sở VHTT Hà Nội mới nhớ rằng những cái tên được gọi là niềm tự hào “cây nhà lá vườn” của Hà Nội FC như Duy Mạnh, Quang Hải (Đông Anh), Đình Trọng (Gia Lâm), Hùng Dũng (Gia Lâm), Đức Huy (Hải Dương), Thành Chung (Tuyên Quang) đều được phát hiện và đào tạo tại đây rồi mới chuyển giao cho Hà Nội FC khi họ đã trưởng thành, mới thấy hoá ra hệ thống đào tạo trẻ của Hà Nội FC không phải quá mức xuất sắc như nhiều người vẫn tưởng.
Với một khoảng trống mênh mông như vậy phía sau thế hệ Duy Mạnh, Quang Hải, Đình Trọng..., có lý do để lo lắng cho tương lai của Hà Nội FC, nhất là khi họ bắt đầu phải làm quen trở lại với việc mua nội binh từ CLB khác. Đến nay, Văn Quyết và Thành Lương vẫn là những hợp đồng thành công hiếm hoi của họ, còn Bùi Tiến Dũng, Đinh Tiến Thành (mùa giải 2019) hay Bùi Tấn Trường (mùa giải 2020) thì khó có thể coi là xứng đáng với đồng tiền bát gạo.
Thời gian luôn là thử thách khắc nghiệt nhất với mọi đế chế bóng đá, và có lẽ Hà Nội FC cũng không thể là ngoại lệ.
Đỗ Đỗ (Thể thao TPHCM/Dân Việt)
https://danviet.vn/ha-noi-fc-de-che-dang-lung-lay-2020070308073083.htm

Có thể bạn quan tâm