Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mạng lưới giao thông kết nối đang được tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường đến vùng khó đang dần hoàn thiện mang đến cơ hội phát triển, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cây cầu, tuyến đường kết nối

Đầu năm 2024, chiếc cầu bê tông cốt thép vững chãi bắc qua sông Ayun dẫn vào xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm phấn khởi của người dân nơi đây. Cây cầu rộng 8 m, dài 177,3 m có tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng đã thỏa niềm mong mỏi của người dân suốt hàng chục năm qua.

Ông Đinh Nhiêu (làng Kte Lớn) vui mừng nói: “Không chỉ người dân xã Ia Yeng mà bà con các xã Ia Sol, Ia Piar (huyện Phú Thiện) cũng như xã Ia Mrơn, Ia Trok (huyện Ia Pa) cũng vui lây vì điều này. Giờ có cầu mới, từ nay việc đi lại, mua bán dễ dàng hơn, trẻ nhỏ đến trường cha mẹ cũng đỡ lo hơn”.

Chiếc cầu bê tông cốt thép vững chãi bắc qua sông Ayun dẫn vào xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện) đã thỏa niềm mong mỏi của người dân suốt hàng chục năm qua. Ảnh: Minh Phương

Ông Lê Phương Lâm-Bí thư Chi bộ thôn Plei Kram-cũng chia sẻ niềm vui: "Giờ “đường thông, cầu thoáng”, quãng đường vận chuyển hàng hóa nông sản được rút ngắn, vừa giúp người dân giảm gánh nặng chi phí, vừa không sợ bị thương lái ép giá”. Theo ông Lâm, cầu cũ nhỏ hẹp, lại không có lan can bảo vệ nên đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao. Đến mùa thu hoạch, việc vận chuyển nông sản càng khó hơn, người dân không dám chở nhiều vì sợ sập cầu. Nếu không dùng xe công nông hoặc xe máy “tăng bo” qua cầu thì bà con buộc phải đi đường vòng gần 20 km; giá cả vật tư xây dựng theo đó cũng đội lên cao, ảnh hưởng lớn đến đời sống.

Ông Dương Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Yeng-khẳng định: Cây cầu chính là một trong những lợi thế giúp địa phương phát triển; đồng thời cũng là bước đệm giúp xã có 94% hộ đồng bào dân tộc thiểu số với tỷ lệ hộ nghèo còn trên 4% có thêm động lực vươn lên phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Từ giữa năm 2023, nhiều tuyến đường giao thông kết nối với các xã vùng khó của huyện Chư Păh cũng được hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp nhiều xã tháo gỡ nút thắt về giao thông, tạo bước đệm cho những nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Đáng chú ý là tuyến đường từ xã Đak Tơ Ver đi xã Hà Tây có chiều dài 10 km với tổng kinh phí xây dựng trên 20 tỷ đồng. “Tuyến giao thông này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi hoàn thành đã tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nâng cao đời sống người dân. Mặt khác, tuyến đường này còn kết nối trung tâm xã với quốc lộ 19D, giúp cho việc đi lại, giao thương của người dân với các xã lân cận cũng như với trung tâm huyện thuận lợi hơn”-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tây Trương Văn Toàn thông tin.

Cùng với đó, tuyến đường từ xã Ia Ka đi xã Ia Phí có chiều dài 4,6 km, kinh phí đầu tư xây dựng 15 tỷ đồng cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu tháng 3-2023. Ông Đặng Thái Huy-Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Păh-cho biết: "Cùng với 2 tuyến đường này, đường từ xã Ia Khươl đi xã Ia Phí, đường từ xã Ia Ka đi xã Ia Phí cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngoài việc giúp các địa phương này hoàn thiện tuyến đường kết nối giữa xã, huyện với thôn, làng, đây còn là tiền đề quan trọng để huyện Chư Păh xây dựng trục giao thông liên hoàn, mang tính kết nối, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.

Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông tạo tính kết nối liên vùng với nhiều địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương vùng sâu vùng xa phát triển. Ảnh: Minh Phương

Một tuyến đường huyết mạch khác cũng vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng là tỉnh lộ 665 có tổng chiều dài 65 km (điểm đầu nối quốc lộ 14, điểm cuối giao quốc lộ 14C) đi qua địa bàn 6 xã của huyện Chư Prông gồm: Ia Băng, Ia Tôr, Ia Pia, Ia Me, Ia Ga, Ia Mơr, kết nối với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia), tổng mức đầu tư hơn 508 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-nhận định: Tuyến đường đã gỡ bỏ được thế bế tắc về giao thông cho địa phương, việc đi lại, thông thương hàng hóa nông sản ra bên ngoài được thuận lợi, không lo bị các tiểu thương ép giá. Đặc biệt, người dân đưa con em đi học, khám-chữa bệnh, cấp cứu kịp thời, giải quyết được mọi vấn đề về phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr đặc biệt nhấn mạnh: “Xã hiện còn 97 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,28% và 90 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 14,17%. Chính vì vậy, tuyến đường hoàn thành sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây phát triển sản xuất, mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, vươn lên thoát nghèo. Một khi hàng hóa được thông thương 2 chiều thuận lợi, kinh tế-xã hội của địa phương sẽ dần ổn định và đi lên, an ninh khu vực biên giới được giữ vững”.

Nhiều cơ hội mới

Không lâu nữa, tuyến đường huyết mạch nối trung tâm huyện Mang Yang với các xã vùng căn cứ cách mạng phía Nam sông Ayun gồm: Lơ Pang, Kon Thụp, Đê Ar, Đak Trôi và Kon Chiêng sẽ hoàn thành. Dự án đường liên huyện Mang Yang-Ia Pa (tỉnh lộ 666) có tổng chiều dài 60,5 km, điểm đầu nối quốc lộ 19 và điểm cuối giao với đường Trường Sơn Đông có ý nghĩa quan trọng trong việc liên kết các xã, huyện vùng khó. Khởi công từ cuối năm 2023, gói thầu nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 666, nối trung tâm huyện Mang Yang với các xã: Kon Chiêng, Kon Thụp, Đê Ar, Lơ Pang, Đak Djrăng (huyện Mang Yang) và xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) có tổng mức đầu tư gần 196 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2026.

Tỉnh lộ 666 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giao thương, đi lại của người dân ở các xã đặc biệt khó khăn. Sau khi hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng, tỉnh lộ 666 sẽ nối quốc lộ 19 đi qua các xã của huyện Mang Yang nối với đường Trường Sơn Đông thuộc địa bàn huyện Ia Pa, tạo thành trục giao thông liên hoàn với quốc lộ 25, mở ra cơ hội bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội.

Tỉnh lộ 666 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giao thương, đi lại của người dân ở các xã đặc biệt khó khăn. Ảnh: Minh Phương

Trước mong mỏi, kỳ vọng của người dân về tuyến đường sớm hoàn thành trong thời gian ngắn nhất, ông Nguyễn Hữu Sơn-phụ trách Phòng Quản lý các dự án giao thông, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh-cho hay: “Chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu phải đảm bảo nhân lực, thiết bị, máy móc, vật tư nhằm đẩy nhanh tiến độ trên toàn công trường. Dự kiến phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt 70% khối lượng công trình và hoàn thành, đưa vào sử dụng đầu năm 2026”.

Trong khi đó, nhiều năm nay, tuyến đường huyết mạch từ đường Trường Sơn Đông đi Krong (huyện Kbang) bị hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng nhiều lần kiến nghị sớm sửa chữa, đầu tư nâng cấp tuyến đường. Ông Phạm Thành Nhân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kbang cho biết: Đường Trường Sơn Đông đi xã Krong (điểm đầu giao với quốc lộ Trường Sơn Đông, điểm cuối giáp đường vào Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong) có chiều dài nhánh tuyến 31,23 km, tổng mức đầu tư 135 tỷ đồng đang được huyện lựa chọn nhà thầu thi công theo quy định. Dự án sẽ được thi công giai đoạn 2024-2026 do UBND huyện Kbang làm chủ đầu tư.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Các trục quốc lộ, đường tỉnh được đầu tư, nâng cấp; các tuyến đường liên huyện, các đường vành đai đô thị, đường huyện, đường xã được mở mới nhằm từng bước xây dựng một hệ thống giao thông đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Trong đó, tỉnh xác định tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính đột phá và tạo được sự liên kết về mặt địa lý giữa tỉnh với các huyện, giữa thành phố với các thị xã, thị trấn.

Việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó các tuyến đường liên huyện mới như: Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông; Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông đã không chỉ hình thành các tuyến vận tải mới mà còn phát triển các đô thị mới, điểm dân cư mới, liên kết giữa các vùng được thuận lợi, đồng thời giảm tải đối với các tuyến vận tải cũ và giảm chi phí vận chuyển. “Hạ tầng giao thông đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới kết nối với các tuyến giao thông trọng điểm vùng thuận lợi hình thành trục giao thông liên hoàn, phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho người dân ở các địa phương”-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm