Thời sự - Bình luận

Giải ngân vốn đầu tư công bài toán cần lời giải sớm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổ công tác của Chính phủ vừa có buổi làm việc, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Tổ công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với bình quân cả nước.

Thông tin từ cuộc họp cho thấy tổng số vốn đầu tư công ước giải ngân đến ngày 30-9 của 6 địa phương vùng Đông Nam Bộ - gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước - chỉ hơn 45.594 tỉ đồng, đạt 35,46% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân cả nước là 47,29%. Ba địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình cả nước là TP HCM, Bình Phước và Đồng Nai.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ nay tới cuối năm là bài toán cần sớm tìm ra lời giải đối với các địa phương nêu trên. Vậy làm sao để đẩy nhanh tỉ lệ giải ngân?

Đầu tiên là vấn đề quy hoạch. Giữa quy hoạch tổng thể của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương đang có độ vênh. Từng địa phương lập quy hoạch riêng nhưng chưa khớp với quy hoạch tổng thể cả nước, thường phải điều chỉnh. Do quá trình điều chỉnh chậm nên không bố trí kịp thời việc chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất để sử dụng cho các công trình giao thông trọng điểm. Hệ quả là đến lúc có dự án thì quy hoạch chưa theo kịp và chậm tiến độ; kể cả chậm trong quy hoạch các nguồn lực đầu vào.

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ký chỉ thị yêu cầu cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong đầu tư công để thúc đẩy tiến độ giải ngân. Theo chúng tôi, riêng lĩnh vực quy hoạch và khâu giải phóng mặt bằng cần có sự đột phá hơn; thủ tục bổ sung quy hoạch phải nhanh hơn - không cần lấy ý kiến tham mưu của quá nhiều sở, ngành liên quan mà cơ quan đầu mối, chủ dự án đầu tư và địa phương có dự án đi qua có thể thống nhất bổ sung.

Nếu TP HCM đề xuất được một cơ chế cụ thể về quy hoạch, sau khi có thống kê là khâu này đang mất bao nhiêu thời gian, từ đó thành phố phấn đấu giảm 50% thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian. Trong đó, có thể điều chỉnh linh hoạt, mở rộng thí điểm quy hoạch các mỏ vật liệu để phục vụ công trình xây dựng, giao thông.

Điều quan trọng nữa là Đông Nam Bộ phải có cơ chế liên vùng. TP HCM dù đã có cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội nhưng chỉ được quyết trong phạm vi những vấn đề được phân quyền ở thành phố; còn riêng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì vẫn cần cơ chế liên vùng. Cơ chế liên vùng sẽ thúc đẩy dự án liên vùng, như các tuyến cao tốc, đường vành đai…, từ đó tạo động lực cho cả khu vực phát triển.

Do vậy, cần xây dựng một cơ chế điều phối vùng, trong đó có cả quỹ đầu tư phát triển hạ tầng vùng. Khi đó, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ có những bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ hơn.

TS NGUYỄN QUỐC VIỆT - Phó Viện trưởng phụ trách
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách

Theo Thái Phương ghi (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm