Bạn đọc

Hạ tầng giao thông xuống cấp vì đâu ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu năm 2012, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho giao thông là 291,218 tỷ đồng (chiếm 20,06% cơ cấu vốn) thì năm 2013 lại giảm xuống còn 232,832 tỷ đồng (chiếm 15,53% cơ cấu vốn). Và tất nhiên, nguồn vốn đầu tư cho công tác duy tu bảo dưỡng giao thông cũng không ngoại lệ.

Năm 2012, nguồn vốn duy tu bảo dưỡng đường tỉnh được cấp về là 13,5 tỷ đồng, nhưng năm 2013 nguồn vốn cấp sau khi trừ đi % tiết kiệm thì chỉ còn 12,150 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu thực tế đòi hỏi các nguồn vốn này phải ngày càng tăng lên thì mới đáp ứng được thực trạng giao thông hiện nay và việc đảm bảo hạ tầng giao thông vẫn là câu chuyện dài cần bàn...

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Theo ông Trịnh Văn Thọ- Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông-Vận tải thì: Nguồn vốn được cấp dùng để duy tu bảo dưỡng hệ thống đường giao thông hết sức hạn chế và chỉ đáp ứng 40-50% yêu cầu thực tế. Chỉ riêng đối với đường tỉnh hiện có 537 km cần được duy tu bảo dưỡng thường xuyên nhưng với số tiền 12,150 tỷ đồng rất khó để đảm bảo định mức duy tu bảo dưỡng theo quy định là 210 triệu đồng/km đối với đường bê tông nhựa, 260 triệu đồng/km đường láng nhựa và 134 triệu đồng/km đường, nhất là với điều kiện vật giá hiện nay thì càng khó.

Điều đáng nói là sự thiếu hụt nguồn vốn duy tu bảo dưỡng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì chất lượng đường sá, công trình giao thông. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng xuống cấp ngày càng trầm trọng của hạ tầng giao thông. Theo phân tích của ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai thì 1 đồng duy tu bảo dưỡng bỏ ra sẽ tiết kiệm được 3 đồng vốn xây dựng cơ bản.

“Vấn đề này có thể khắc phục một khi quỹ bảo trì đường bộ của tỉnh đi vào hoạt động bởi đây là nguồn quỹ sẽ bù đắp một phần cho nguồn vốn duy tu bảo dưỡng. Trong đó nguồn thu từ xe ô tô sẽ nộp về trung ương, còn nguồn thu từ xe mô tô sẽ do tỉnh sử dụng. Tuy nhiên, việc thu phí bảo trì đường bộ đối với phương tiện là xe mô tô vẫn chưa được triển khai, phải đợi đến tháng 7-2013 họp Hội đồng Nhân dân tỉnh thì mức thu phí xe mô tô mới được thông qua”-ông Quế cho biết.

Cũng theo ông Thọ thì ngoài khó khăn về vốn, đơn vị cũng hết sức khó khăn trong việc tìm các mỏ đất dùng để đắp lề đường, hiện không có mỏ đất nào được quy hoạch nên đơn vị phải mua đất vườn của người dân rất tốn kém tiền bạc và công sức vận chuyển. Đó là chưa kể việc biến động thường xuyên của giá cả nguyên-vật liệu khiến cho việc thanh toán của các nhà thầu liên tục gặp khó khăn do phụ thuộc vào bảng thông báo giá của Sở Xây dựng...

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm