Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Hai bàn tay trắng làm nên đống nợ, 9X quyết vực dậy, mỗi năm doanh thu 4-5 tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từng thất bại khi khởi nghiệp với nông nghiệp, dẫn đến việc phải gánh khoản nợ lên tới 3 tỷ đồng khi vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Văn Đạt vẫn quyết tâm làm lại từ đầu với tâm niệm “ngã ở đâu thì đứng lên ở đấy.”

Từng thất bại khi khởi nghiệp với nông nghiệp, dẫn đến việc phải gánh khoản nợ lên tới 3 tỷ đồng khi vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Văn Đạt vẫn quyết tâm làm lại từ đầu với tâm niệm “ngã ở đâu thì đứng lên ở đấy.”

Thất bại không nản chí

Sinh năm 1998 tại Kinh Môn, Hải Dương, mồ côi cha từ nhỏ, gánh nặng cơm áo, Nguyễn Văn Đạt quyết định không thi vào đại học. Năm 2016, chàng trai trẻ thuyết phục mẹ dốc hết tiền tiết kiệm, đồng thời vay mượn thêm để mua 7 sào đất làm trang trại trồng rau sạch kết hợp chăn nuôi.

Quy mô trang trại lên tới hàng nghìn con lợn và gà thịt, cùng hàng nghìn con gà và chim cút đẻ trứng và 3 ao nuôi cá rô đồng, cá trắm cỏ,...

Do thiếu kinh nghiệm cộng với việc giá lợn hơi lao dốc vào năm 2018, Đạt phải đón nhận thất bại, ôm đống nợ lên đến 3 tỷ đồng, một cú sốc đầu đời với chàng trai vừa mới 20 tuổi.

Tuy nhiên, ước mơ làm nông nghiệp vẫn luôn lấn át nỗi sợ hãi, giúp anh vượt qua áp lực nợ nần. Đến nay, dù con đường khởi nghiệp còn nhiều gian nan nhưng chàng trai 9X đã có được một số thành tựu nhất định nhờ sự “lì đòn” sau những lần bị “bầm dập”.

Anh Nguyễn Văn Đạt bên vườn cây ăn trái của mình. Ảnh: NVCC

Anh Nguyễn Văn Đạt bên vườn cây ăn trái của mình. Ảnh: NVCC

Từ những trải nghiệm đã qua, Nguyễn Văn Đạt quyết tâm làm lại từ đầu với mô hình nông nghiệp - du lịch - giáo dục. Anh thuê lại một resort bỏ hoang tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Trong đó, Đạt làm mô hình nông nghiệp sinh thái tuần hoàn: nuôi bò - phân bò nuôi giun quế. Giun quế để nuôi gà và nuôi lợn. Phân giun được dùng để trồng rau và chăm bón cho cây dược liệu.

Ngoài ra, anh còn nuôi cà cuống, chế biến nước mắm cà cuống, trồng rau mầm, nuôi ốc nhồi và cá để ăn các phụ phẩm nông nghiệp sau chế biến,...

Từ nền tảng nông nghiệp, Nguyễn Văn Đạt mở thêm mảng du lịch, bao gồm hoạt động trải nghiệm tại trang trại với hệ thống lưu trú gồm 20 phòng nghỉ, cùng khu cắm trại trải nghiệm sinh thái với diện tích 15ha nằm cạnh Vườn quốc gia Cúc Phương.

Với sự góp sức cùng một số cổ đông góp vốn, tháng 8/2021, Nguyễn Văn Đạt đã thành lập hợp tác xã nông nghiệp sinh thái Nho Quan (Sơn Trang ATE).

“Mô hình của Sơn Trang ATE hiện vận hành gồm 2 khu chính: khu homestay nhà sàn 18 phòng nghỉ và nhà sàn cộng đồng; 1.500m2 khu sản xuất rau và khu vực trồng cây ăn trái kết hợp nuôi ong lấy mật, diện tích 1ha và khu làng du lịch kết hợp trải nghiệm 12ha”, Đạt cho biết.

Anh Nguyễn Văn Đạt với mô hình nuôi ong tại trang trại. Ảnh: NVCC

Anh Nguyễn Văn Đạt với mô hình nuôi ong tại trang trại. Ảnh: NVCC

Nhận thấy thực tế khi nông sản an toàn giá quá cao rất khó cạnh tranh hay tiếp cận tới nhiều khách hàng, Sơn Trang ATE chuyển giao kỹ thuật tới các hộ nông dân sản xuất theo hướng sinh thái. Từ đó, trang trại có nguồn sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ bởi hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ, đưa giá thành sản xuất xuống thấp và triển khai phân phối tại thị trường Hà Nội với giá cả hợp lý.

Bên cạnh việc trực tiếp sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch tại Ninh Bình, Đạt còn triển khai mô hình thuần sản xuất sinh thái và chế biến tại Kinh Môn (Hải Dương) với diện tích trồng nấm sò trắng và rau mầm lên tới 3.000m2, mỗi ngày cho thu hoạch từ 100-150kg nấm và từ 50-100kg rau mầm.

Để tiêu thụ được lượng nấm và rau mầm sản xuất ra, Nguyễn Văn Đạt tham gia chế biến sâu sản phẩm thông qua việc phát triển chuỗi sản phẩm thực phẩm chay. Đây cũng sẽ là một trong những nguồn thu chính của anh trong năm 2024.

Đến nay, sau hơn 2 năm dồn tâm sức cho Sơn Trang ATE, Đạt tiếp tục chuyển giao mô hình sản xuất hướng sinh thái sau khi rút ra bài học muốn tồn tại thì phải liên kết với nông dân.

Nguồn thu chính của Sơn Trang ATE đến từ sản xuất và liên kết sản xuất cũng như chế biến, với doanh thu năm 2023 hơn 4 tỷ đồng. Dự kiến doanh thu năm 2024 sẽ tăng thêm khoảng 20% nhờ nguồn thu theo hướng sinh thái đang liên kết với nông dân.

Dù năm 2023 với rất nhiều khó khăn nhưng sản phẩm làm ra vẫn được khách hàng tin yêu và ủng hộ. Đó là sự động viên không chỉ cá nhân Đạt mà là sự động viên tới tất cả người nông dân, những bạn trẻ đang khởi nghiệp trên con đường nông nghiệp an toàn.

“Kết quả này là thành quả lao động cả tập thể. Dù lợi nhuận chưa cao nhưng sự hài lòng của khách hàng như tiếp thêm động lực cho chúng tôi để tự tin có những bước đi thật chậm nhưng vững chắc”, Đạt chia sẻ.

Khởi nghiệp nông nghiệp chưa bao giờ dễ dàng

Sau những lần vấp ngã, Đạt rút ra bài học kinh nghiệm về khởi nghiệp trong nông nghiệp: “Cần quan tâm nhất là đầu ra sản phẩm. Không mơ mộng, không nên nghĩ thị trường luôn cần sản phẩm của mình.”

Theo anh Đạt, khởi nghiệp nông nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Khởi nghiệp trong nông nghiệp sinh thái, an toàn lại càng khó khăn hơn.

Việc tiếp cận khách hàng, tưởng chừng như ai cũng quan tâm đến sản phẩm nông nghiệp sạch và sẵn sàng bỏ tiền ra mua, nhưng thực tế không dễ để thuyết phục họ đồng ý mua sản phẩm của mình. Hơn nữa, làm nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chi phí vận chuyển cao nếu mô hình nhỏ, rủi ro tồn kho với nông sản tươi. Do vậy, cần phải tối ưu hoá chi phí sản xuất, giảm thiểu rủi ro khi đầu tư.

Ngoài ra, với những người khởi nghiệp nhỏ lẻ như Đạt, không dễ để có thể đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, nhà hàng dù sản phẩm làm ra thực sự an toàn.

Bên cạnh đó, việc có nhiều công nợ cũng mang lại rủi ro khi mô hình của anh còn nhỏ, làm ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền, cũng như kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Nói như vậy không có nghĩa là việc khởi nghiệp trong lĩnh vực này chỉ toàn là khó khăn. Bản thân Đạt cũng nhận ra những thuận lợi như: Khi sản xuất nông nghiệp sinh thái, việc đa dạng hoá sản phẩm sẽ dễ dàng hơn khi một khách hàng có thể mua nhiều hơn một sản phẩm.

Ngoài ra, có thể tối ưu chi phí sản xuất bằng cách tận dụng phụ phẩm như trái cây hỏng để ủ phân. Phân gà sau chăn nuôi cũng là nguồn dinh dưỡng tại chỗ cho cây trồng.

Việc cân bằng đa dạng sinh học cũng đến từ trang trại nuôi ong giúp cây trái thụ phấn, đồng thời hoa trái cũng là nguồn thức ăn ổn định cho đàn ong.

“Dù nông nghiệp còn nhiều khó khăn, bản thân tôi cũng còn gặp vô vàn khó khăn trên con đường xây dựng và phát triển thực phẩm an toàn. Nhưng tôi mong được trở thành một phần nhỏ bé trên hành trình đưa nông sản Việt, sản phẩm Việt an toàn đến với mọi người như rất nhiều doanh nghiệp khác đang hướng tới”, anh Đạt nói.

Có thể bạn quan tâm