Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Hai chàng trai Vàng của đặc sản xứ Nẫu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là Thái Mỹ Vàng và Dương Phi Thoàn (cùng sinh năm 1990, hiện ở Phú Yên). Cả hai đang tràn nhiệt huyết lập nghiệp bằng đặc sản xứ Nẫu quê nhà.
Vốn là bạn học, Vàng và Thoàn gặp nhau ở niềm đam mê du lịch. Trong khi Vàng là một hướng dẫn viên du lịch thì Thoàn là người chuyên cung cấp dịch vụ cho các tour tuyến, làm nhà hàng đặc sản ở biển Tuy Hòa. Vàng nói: “Tụi em đều là con nhà nông, đi học rồi trăn trở tìm việc để lập thân. Trong đà phát triển du lịch ở miền Trung, tụi em thấy có cơ hội, thế là bàn bạc cùng nhau làm. Tụi em muốn mình như là cái “gạch nối” nho nhỏ quảng bá nét đẹp quê mình đến với mọi người”.
 
Thái Mỹ Vàng tại một cửa hàng Hòa Yên chuyên bán đặc sản xứ Nẫu Phú Yên. Ảnh: H.P
Thái Mỹ Vàng tại một cửa hàng Hòa Yên chuyên bán đặc sản xứ Nẫu Phú Yên. Ảnh: H.P
Chính nghề hướng dẫn du lịch đã giúp Vàng nhận thấy một số tỉnh chưa có nhiều sản phẩm đặc sắc để phục vụ du khách. Trong khi, lượng du khách liên tục đổ về miền Trung và có nhu cầu rất cao về những tặng phẩm đặc sản mang đậm chất vùng miền sau mỗi chuyến đi xa.
Đầu năm 2016, Vàng cùng với bạn mở Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hoà Yên chuyên chế biến, cung cấp đặc sản với quy mô lớn; Vàng làm Giám đốc công ty này. Anh cho hay, Phú Yên là vùng sản xuất nông nghiệp trù phú, nhiều địa hình nên nông sản phẩm khá đa dạng. Ngoài những mặt hàng hải sản tươi sống nổi tiếng từ nghề biển Phú Yên, cách chế biến các món đồ khô nơi đây cũng đang được nhiều nơi săn đón. Có thể kể tên như khô mực, khô tôm, khô mép cá ngừ đại dương, hải sản một nắng, bò một nắng,… Phú Yên còn nổi tiếng với bánh tráng Hòa Đa, nước mắm Gành Đỏ, rượu Quán Đế, Yến Sào,… Vấn đề là làm sao để du khách chọn được sản phẩm tiêu biểu nhất.
Ông Huỳnh Đức Duân (chủ thương hiệu Bò một nắng Diệp An, Phú Yên) nhận xét: “Lợi thế một người làm du lịch chuyên nghiệp, anh Vàng hiểu được nhu cầu ẩm thực, quà tặng của du khách. Các sản phẩm đưa vào hệ thống Hòa Yên đều được chọn lọc khắt khe về chất lượng, mẫu mã. Chính anh Vàng luôn có những yêu cầu, trao đổi tận tình với nhà sản xuất về quy trình đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Trong số các mặt hàng đặc sản tại Hòa Yên, đáng chú ý có biệt phẩm nhân sâm Phú Yên. Đây là sản vật ghi đậm dấu ấn của Thái Mỹ Vàng và Dương Phi Thoàn của mình trong việc phát triển loại sâm quý xuất xứ Phú Yên đang có nguy cơ biến mất tên địa bàn. Đầu năm 2017, hai bạn trẻ đã chung tay thành lập Công ty TNHH Nhân sâm Phú Yên; Thoàn được “phân công” làm Giám đốc.
Miệt mài với vườn sâm, Dương Phi Thoàn và Thái Mỹ Vàng đã thành công khi 2 năm sau đó, số cây nhân sâm trên đã cho hơn 20kg củ, được các nhà thuốc Đông y mua với giá 300.000 - 400.000 đồng/kg. Từ đây, cả hai tiếp tục gầy lứa sâm mới trên diện tích hơn 1ha với gần 30.000 cây giống ở khu vực đất đồi huyện Tuy An và Tuy Hòa (Phú Yên). Không dừng lại ở đó, cả hai còn liên hệ đặt hàng, trang bị công nghệ chế biến ra các sản phẩm dạng bột và sấy khô từ rễ cây nhân sâm Phú Yên.
Ông Nguyễn Mạnh Thi - Chủ tịch UBND xã An Phú (TP.Tuy Hòa) nhìn nhận: “Hai anh Dương Phi Thoàn và Thái Mỹ Vàng đã năng động kết hợp với các nhà chuyên môn để nghiên cứu đầu tư, phát triển giống nhân sâm Phú Yên tại địa phương. Hiện tại, nhiều hộ dân ở An Phú đang trồng phát triển khá tốt cây sâm này. Cung cách làm việc bài bản của hai anh đã được các cơ quan chức năng và bà con địa phương đánh giá rất cao”.
Hùng Phiên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm