Liên quan đến những tranh cãi quanh việc phát lộ 2 cổng vòm (cổng tò vò) ở Đông Thành Thủy quan thuộc Kinh thành Huế khi giải tỏa dân khỏi khu vực thượng thành, mới đây, Phòng Nghiên cứu khoa học - Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã công bố một số thông tin, tư liệu về vai trò, chức năng cụ thể liên quan đến hai cổng vòm này.
Bản đồ BAVH 1933, điểm 121: Cửa Tả và Cửa Hữu của Đông Thành Thủy Quan theo miêu tả của Cadièrre, chính là 2 pháo môn đã được trung tá Colonel Ardant du Picq khảo tả trong bài "Những đồn lũy của Kinh thành Huế" năm 1924. |
Sử liệu bằng Hán văn
Tài liệu đầu tiên được Phòng Nghiên cứu khoa học của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế trích dẫn là “Văn bia sông Ngự Hà” (Ngự chế ngự hà bi ký). Đây là văn bia Ngự chế, lập năm Minh Mạng thứ 17 (1836), do hoàng đế Minh Mạng biên soạn, nói về lịch sử dòng sông Ngự hà, trong văn bia có đoạn: “Đến tháng 4 năm Minh Mạng thứ 11 (1830), lại ở phía đông sông Ngự hà trong địa phận của kinh thành, vốn có chiếc cầu gỗ tên là cầu Thanh Long, (trẫm cũng) mệnh sai đổi làm cầu đá, phía dưới cầu thì đặt cửa áp (cánh cửa ngăn nước trong sông, lúc nào thuyền bè đi qua lại mở ra, chỉ vừa một chiếc thuyền đi, cứ nối đuôi nhau) làm chỗ đóng mở, đối với phía trên thì làm lan can bảo vệ, mở ra 13 cửa pháo, đổi tên là Đông Thành Thủy quan.
Đông Thành Thủy quan cũng được ghi chép trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Hội điển) của Nội các triều Nguyễn (quyển 223, mục Cầu Đường) rằng: “... Cầu cửa cống Đông thành ở phía đông thành (trước là cầu Thanh Long) xây bằng đá (dưới cũng thế) dài 16 trượng, rộng 1 trượng 3 thước”. Và đoạn: “Năm (Minh Mạng) thứ 11 (1830), chỉ dụ rằng: Cửa cống cầu Thanh Long ở mặt tả kinh thành, xây lại bằng gạch đá, ra lệnh giao cho Thống chế Phạm Văn Điển coi làm, do viên giám thành chỉ bảo qui thức, việc xong tâu lên”. Tiếp đến là “Đại Nam nhất thống chí” viết về Đông thành thủy quan: “Cửa cống Đông Thành (Đông Thành Thủy quan): Thời đầu niên hiệu Gia Long, gác gỗ làm cầu, có tên là cầu Thanh Long. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), (cầu Thanh Long được) xếp đá, dưới cầu đặt cửa áp làm chỗ đóng mở cửa, trên cầu đặt lan can để bảo vệ, cùng cửa xưởng đại pháo, nhân đó đổi thành tên hiện nay. Cửa cống Tây thành (Tây Thành Thủy quan): Xếp đặt vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), cũng đặt cửa áp phía dưới cống, trên đặt xưởng đại pháo, (vua) ân ban cho tên như hiện nay.
Thông tin về Đông thành thủy quan ở Châu bản triều Nguyễn (Tự Đức thứ 22 - 1869). Bản tấu vào ngày 12 tháng 8 năm Tự Đức thứ 22 (1869) (thuộc quyển Tự Đức 208, tờ số 53) được lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 có đoạn như sau (bản dịch của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1):
Thần: Khoa đạo Phạm Tự Cường tâu: Ngày 8 tháng này, khâm phụng ngự giá thăm [hành cung] Thuận Trực, chiều ngày hôm qua hồi loan, thần có theo hầu, ước giờ Dậu về đến bến Bình Ổn. Trong khi đó, thấy vệ úy vệ Long Thuyền Đỗ Viết Để đến truyền báo Chánh sứ Hộ sứ Trần Văn Đạo, Phó sứ Nguyễn Hữu Thường cùng các viên biền thủ hộ rằng: Nay thuyền ngự về bến Bình ổn, vì vậy cửa Thủy quan phía Đông Thành (Đông Thành Thủy quan) hãy sức canh giữ cẩn thận, nhưng mở để đợi khi nào thuyền ngự đến sẽ bắn pháo. Hai viên đó theo lệ đóng cửa mới được 6 tấm, thì thấy Cung giám Trần Xứng đến truyền sắc, cũng như các điều Vệ úy Đỗ Viết Để đã nói. Lúc đó còn lại 3 tấm, bọn họ vẫn đem đóng lại. Cửa cấm là nơi cơ nghiêm, bọn họ có chức trách giữ gìn, lần đó không chịu nghe theo lời 1 phía do Đỗ Viết Để truyền bảo, cứ theo lệ đóng lại cũng là sự thận trọng. Nhưng tiếp đó, Cung giám Trần Xứng đến truyền Dụ, bọn họ cũng không tuân theo. Cứ đợi khi thuyền ngự đến mới bảo mở, dẫn đến phải chờ đợi rất lâu ở bên ngoài, thật là không hợp...
Một trong hai cổng vòm mới lộ diện ở gần Đông Thành Thuỷ quan sau đợt di dời dân cư đợt 1 khỏi khu vực thượng thành của Kinh thành Huế. |
Sử liệu bằng tiếng Pháp
Trong mục IV- Le Tracé (Án đồ) của bài viết “Những đồn lũy của Kinh thành Huế”, đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hue (BAVH), No3, 1924 của Ardant du Picq, tác giả cho biết: “Tuy nhiên, pháo đài lớn nhất và nhỏ nhất trong các pháo đài bao quanh phía bắc và phía nam của cầu Thanh Long đều có chín hay hai pháo nhãn mỗi mặt. Như vậy, trên một cạnh của Kinh thành gồm có 5 pháo đài và đài quan sát nhỏ, 4 nhóm châu mai (pháo nhãn), tương ứng với 24 phân đội, có 5 hay 3 đại bác (có khi đặc biệt 9 hay 2 khẩu pháo). Và các khẩu đội ấy tương xứng với 24 pháo đài (chỗ để che cho đại bác trên lũy thành). Ngài Võ Liêm đã cho rằng, chúng được dựng lên vào năm 1818 ở trên mỗi mặt trong bốn cạnh của Kinh thành.
Phải kể thêm có ba cái trong các lỗ châu mai ấy ở trong tường nối, ở trên cống Tây Thành Thủy quan và 15 cái để có thể phòng thủ ở chỗ nứt của cống Đông Thành Thủy quan. Lời ghi chú đặc biệt phải ghi thêm cho hai cây cầu do đặc điểm cấu trúc khác nhau. Tây Thành Thủy Quan là một công trình đẹp bằng gạch, hay một cửa trong lũy thành, đặt ngay trong lũy thành, nó không chắn mà chỉ đục một vòm nhỏ, nước chảy dưới ở trên của chỗ mở ấy; hai con đường đặt chéo nhưng ở hai độ cao khác nhau, tạo thành vòm trên của cầu; về phía trong Kinh thành, con đường ngang qua thấp hơn, bằng một sự uốn cong uyển chuyển, rẽ qua trục con đường của lũy thành đã chui vào khỏi lũy thành và băng qua con ngòi bằng một vòm cong; giữa vòm đó là dải đất để bộ binh bắn, có một con đường khác tiếp cận với con đường trước nhưng hơi vòng lên đến bám trên đường qua dưới, ngang chiều cao với lũy thành để đảm bảo đường đi tiếp.
Cống Đông Thành Thủy quan, trái lại, không đục trong lũy thành, nhưng xây ở sau, như một cầu bình thường, trong trục của lũy thành. Trước cống, lũy thành bị cắt ngang hoàn toàn bởi lỗ trống lớn rộng đến 84,20m để cho hai đường bờ hào (rộng 8,6m) và con ngòi Ngự Hà (rộng 67m) chảy qua. Hai đường bờ hào ấy bị tường chắn cao 4,20m đến 4,45m, bức tường trụ xây khoét trong mỗi vòm, ngày nay là cửa, xếp theo chiều dài của bờ ngòi cho đến cầu, trên một chiều dài 21m tương ứng với toàn chiều dài của lũy thành. Trong mỗi một tường cụt hình chữ nhật hình thành trên bờ hào ở chữ cắt của lũy thành giữa nó và con ngòi, một mảnh đất bằng có thể đặt một khẩu đại bác bắn qua lỗ vòm. Mười lăm khẩu đại bác - 2 ở trên hào và 13 trên cầu - có thể phòng thủ chỗ hổng của lũy thành. Một tầng cấp để leo lên lũy thành ở hai bên lỗ hổng đó...”.
Đó là hai cửa đặt pháo?
Như vậy, qua các dẫn liệu trên, đặc biệt là tài liệu “Những đồn lũy của Kinh thành Huế) năm 1924 của trung tá Colonel Ardant du Picq, Phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho rằng: Chúng ta đủ cứ liệu để khẳng định các cửa pháo (Pháo môn/ Đại pháo xưởng môn) ở Đông Thành Thủy quan gồm 15 chiếc, trong đó có 13 pháo môn hình tròn ở trên thành cống và 2 pháo môn - cửa đặt đại pháo ở hai bên mặt thành của Đông Thành Thủy Quan hiện nay. Đến năm 1933, Léopold Michel Cadière trong bài “Kinh thành Huế, Địa danh học” (BAVH, 1933), khi mô tả về các địa danh trên bản đồ Kinh thành Huế, tác giả đã chỉ rõ chỉ số 121 trên bản đồ là: “121. Cửa Hửu và cửa Tả của Đông Thành Thủy quan (số 122). Ngày nay đã bít lại”.
Kết hợp với ảnh bản đồ, chúng tôi qua đó xin khẳng định đấy (hai cổng vòm vừa phát lộ) chính là hai Pháo môn (cửa đặt pháo) của Đông Thành Thủy quan. Hai pháo môn, mà Cadière gọi tên là Cửa Tả và Cửa Hữu của Đông Thành Thủy quan này cùng 13 pháo môn trên cầu/cống Đông Thành Thủy quan đã tạo thành 15 pháo môn - lá chắn quân sự bảo vệ khu vực này.
Tuy vậy, nhận định này của Phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế vẫn chưa thuyết phục được nhiều nhà nghiên cứu. Theo TS Trần Đình Hằng - Phân Viện trưởng Phân Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, “đây là một nhận định có phần vội vàng” và “lẽ ra Phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chỉ nên đưa ra giả thuyết bởi kết luận như vậy (hai cổng vòm vừa phát lộ chính là hai Pháo môn) là chưa thuyết phục”. TS Trần Đình Hằng nói rằng, thực tế chúng ta còn thiếu rất nhiều thông tin liên quan đến hai cổng vòm này. Và khi chưa đầy đủ thông tin thì cần phải đặt ra nhiều giả thiết, hướng tiếp cận, trong tổng thể tường thành - hệ thống cổng thành, đặc biệt ở đây là không thể tách rời việc kiểm soát an ninh cũng như xuất nhập hàng hóa, vật hạng vào ra bằng đường thủy rất quan trọng của Đông Thành Thủy quan. Một cái chốt, hay đồn, hay trạm kiểm soát, là hoàn toàn có thể nghĩ đến, để rồi cần được chứng minh bằng công năng, sử liệu... “Cuối cùng, cách thuyết phục nhất là cần còn một cuộc tọa đàm hay hội thảo để kết luận chính thức về vấn đề này” - TS Trần Đình Hằng nói.
Theo Hoàng Văn Minh (LĐO)