Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Hai cô gái… 'giải cứu nông sản'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước thực tế nhiều phế phẩm nông sản bị hoang phí, cũng như nhiều người đau đầu về bài toán đầu ra của nông sản, hai cô gái dưới đây đã thực hiện những nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề trên.

 Lê Việt Hoa giới thiệu sản phẩm tại cuộc thi
Lê Việt Hoa giới thiệu sản phẩm tại cuộc thi



Giúp nông sản bảo quản được lâu

Đó là một trong những cách mà theo Bùi Thị Khánh Linh, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, có thể giúp đầu ra nông sản của người dân được đảm bảo hơn, không phải “bán thốc bán tháo” hay lại vứt bỏ ngay đi khi chưa bán được.

Tuy nhiên cũng theo Linh, việc bảo quản nông sản cần phải đảm bảo nhiều tiêu chí để an toàn cho người tiêu dùng, trên hết là hạn chế tối thiểu thuốc bảo vệ thực vật để kéo dài thời gian tươi và khả năng chín của trái cây. Xu thế bảo quản hiện nay đang hướng tới việc dùng các hợp chất tự nhiên, giảm thiểu sử dụng chất bảo quản hóa học, hạn chế tối đa việc đưa các nguồn độc hại vào cơ thể qua đường ăn uống. Các sản phẩm được bảo quản bằng các hợp chất tự nhiên đảm bảo an toàn, lành tính cho người sử dụng.

“Chính vì thế, mình tiến hành nghiên cứu biến tính chitosan với dịch chiết polyphenols từ lá trà xanh tạo màng bảo quản nông sản, ngăn chặn xuất hiện nấm mốc, đốm thâm, giữ được độ xanh tươi của nông sản”, Linh chia sẻ.

Theo đó, Linh thu dịch chiết polyphenols từ lá trà xanh, tạo dung dịch chitosan 2%, và bắt đầu cho biến tính chitosan với dịch chiết thu được, kế đến là kiểm tra các tính chất dung dịch mới tạo thành, phun dung dịch sau biến tính lên mẫu bảo quản và quan sát sự thay đổi của mẫu bảo quản.
Linh thử nghiệm trên chuối và kết quả thu được cho thấy sự khác nhau rõ rệt giữa việc biến tính và chưa qua biến tính chitosan.

“Khi phun bảo quản lên chuối, sau 10 ngày quan sát các mẫu, mẫu được phun dung dịch biến tính có khả năng ức chế sự chín, giữ được vẻ ngoài tươi và xanh hơn, không bị nấm mốc và đốm nâu so với các mẫu còn lại…”, Linh tự hào.
Với những điểm cộng và tính sáng tạo của nghiên cứu, dự án của Linh đã đạt giải nhất tại cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM tổ chức.


 

Bùi Thị Khánh Linh giành giải nhất tại cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch
Bùi Thị Khánh Linh giành giải nhất tại cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch




Làm bao bì từ vỏ trái cây

Tận dụng những phần phụ phế phẩm của trái cây, Lê Việt Hoa, sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, đã nghiên cứu chế tạo bao bì trong đóng gói nhằm khai thác các giá trị của phế phụ phẩm và đặc biệt là tạo ra các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Trước thực trạng cả xã hội đang đau đầu với rác thải ni lông thì ý tưởng của cô sinh viên này được nhiều người chú ý. Hoa tận dụng vỏ quả họ cam như cam, chanh, bưởi… để nghiên cứu thực hiện sản phẩm.

“Theo nghiên cứu, mình thấy được vỏ quả phân hủy nhanh từ 6 tháng đến 1 năm, ngắn hơn rất nhiều so với thời gian phân hủy của ni lông, thủy tinh... Hơn nữa là khả năng chứa, đựng vì phần vỏ quả có bao bọc, ngăn cản sự xâm nhập của vi sinh vật và tác động của môi trường lên phần thịt quả. Từ đó, mình nảy ra ý tưởng dùng vỏ quả sản xuất bao bì thay thế ni lông”, Hoa nói.

Hoa phân tích kỹ hơn, để sản xuất được hộp nước cam chứa 1,89 lít, số lượng quả cam cần sử dụng là trên 24 trái, vì vậy số lượng các phụ phế phẩm của quả cam thải ra cực kỳ lớn. Đặc biệt, với nhóm quả này, khối lượng vỏ chiếm khoảng 40 - 60% tổng khối lượng của quả. Ngoài ra, chính các thành phần của vỏ quả giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của một số vi sinh vật nên ứng dụng trong sản xuất bao bì thay thế ni lông là hoàn toàn có khả năng.

Hoa tận dụng vỏ họ cam từ các nhà máy chế biến thải ra. Sau đó làm sạch bằng nước được chlorinate hóa, rồi sấy khô trong vòng 8 - 10 giờ với nhiệt độ dao động từ 70 - 80 độ C. Kế tiếp là nghiền nhỏ vỏ đã sấy khô thành dạng bột. Ở dạng bột, vỏ cam sẽ được trộn cùng các chất kết dính để tạo thành một hỗn hợp rồi sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra bao bì thực phẩm.

Hoa cho rằng công nghệ in 3D có nhiều ứng dụng và linh hoạt. Bằng công nghệ in 3D đơn vị sản xuất sẽ dễ dàng đáp ứng nhu cầu về mẫu mã của khách hàng. Hoặc chính người tiêu dùng cũng có thể tự thiết kế theo phong cách riêng, tự do sáng tạo ra các mẫu theo thương hiệu mà không cần chờ đợi sản phẩm từ các cơ sở sản xuất. Thế nhưng theo Hoa, công nghệ in 3D cũng tốn nhiều thời gian nên đang tiếp tục nghiên cứu để có được những giải pháp khác tối ưu hơn.

Bên cạnh đó, Hoa bật mí đang tiếp tục những hướng nghiên cứu mới nhằm hoàn thiện nghiên cứu của mình. Như nghiên cứu thêm về chất kết dính sinh học để tạo ra độ kín, độ cứng, độ đàn hồi tốt tùy theo mục đích sản xuất…

Nghiên cứu của Hoa cũng giành được giải khuyến khích tại cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch.

Nữ Vương (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm