Tạp chí kiến trúc Dezeen lựa chọn một số ngôi nhà có khu thông tầng bố trí phù hợp, đem lại nhiều ánh sáng, thông gió cho các phòng.
Ngôi nhà ở quận Bình Thạnh (TP HCM) có diện tích 42 m2 nằm giữa một khu dân cư có nhà cửa san sát. Nhà chỉ có một mặt thoáng khá hẹp (3,5m). Bởi vậy, các kiến trúc sư của công ty Kientruc O đưa ra giải pháp lấy sáng cho nhà từ khoảng giếng trời lớn, khơi gợi cảm giác rộng mở từ tầng một lên cao. (Xem cả nhà).
Ngôi nhà ở quận 2 (TP HCM) luôn tràn ngập bóng nắng lung linh nhờ có mặt tiền gạch lỗ và khoảng thông tầng thoáng rộng. Các kiến trúc sư của Vaco Design đã đem tới một không gian sống kín đáo, tiện nghi với bể bơi nhìn ra bên ngoài, bàn chơi billiard, vườn cây.
Khoảng sân trong giúp cho các căn phòng trong ngôi nhà ở Brooklyn (New York, Mỹ) trở nên thoáng rộng hơn, có tầm nhìn đẹp ra vườn rải sỏi.
Các kiến trúc sư bố trí mọi phòng của căn nhà ở London (Anh) xung quanh sân trong. Tầng một là không gian mở khiến trong và ngoài nhà dường như không có khoảng cách.
Ngôi nhà ở Anh do các kiến trúc sư của Coffey Architects thiết kế có cách bố trí giếng trời khá lạ mắt. Các ô lấy sáng nằm xen kẽ giữa những phần mái bê tông giống các ô đen-trắng trên bàn cờ.
Khi mở rộng ngôi nhà ở Bồ Đào Nha, các kiến trúc sư làm một giếng trời hình tam giác để tạo sự hài hòa với các hình khối kiến trúc xung quanh.
Cách bố trí thang, giếng trời của ngôi nhà ở Sydney (Australia) khiến sân vườn và nơi sinh hoạt của gia đình không bị phân tách.
Với người qua đường, ngôi nhà ở Tokyo (Nhật) gần như không có cửa sổ. Nhưng trong nhà vẫn ngập ánh sáng nhờ bố trí giếng trời hợp lý.
Ngôi nhà ở Leiden (Hà Lan) có thiết kế tối giản với tông màu trắng, ghi xám. Ngay cả ở khu vực thông tầng cũng chỉ có những mảng tường sáng, rải sỏi trắng.
An Yên/VNE