Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Hải quân Mỹ gặp sự cố hy hữu: Trực thăng đánh rơi 5 tên lửa xuống biển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hải quân Mỹ đang mở cuộc tìm kiếm hai thùng chứa 5 quả tên lửa “sát thủ” rơi từ trực thăng xuống Thái Bình Dương.

Sự cố hy hữu xảy ra trong quá trình chiếc trực thăng MH-60S Knighthawk chở những thùng tên lửa đến chiến hạm Essex hôm 17-6, theo Newsweek ngày 6-7 cho hay.

Do gặp lỗi kỹ thuật trong quá trình vận chuyển khiến hai thùng chứa 5 quả tên lửa "sát thủ" RIM-116 Rolling Airframe đã rơi khỏi trực thăng và chìm xuống Thái Bình Dương, gần bờ biển Nam California.

Phát ngôn viên Hải quân Mỹ Brian O'Rourke cho biết các tên lửa nói trên gần như không có khả năng phát nổ dưới nước. "Chúng tôi không đặt ra thời hạn cho cuộc tìm kiếm tên lửa rơi xuống biển. Tuy nhiên, chúng tôi cam kết tận dụng mọi nguồn lực, bao gồm cả hợp tác với các cơ quan địa phương, để xác định vị trí và thu hồi tên lửa" - phát ngôn viên Brian O'Rourke nhấn mạnh.

Phát ngôn viên Lực lượng Không quân Hải quân Mỹ Ensign Bryan Blair sau đó cũng nhắc lại với Navy Times rằng tên lửa không có khả năng phát nổ, "vì chúng được đóng gói để vận chuyển và thiếu các thành phần quan trọng để kích hoạt đầu đạn". Tuy nhiên, lực lượng Tuần duyên Mỹ cũng cảnh báo người dân tránh xa khu vực biển nói trên để Hải quân Mỹ tìm kiếm các tên lửa mất tích.

Cơ quan An toàn Hải quân Mỹ đã phân loại sự cố này là cấp độ A, tương đương vụ việc có thiệt hại về tài sản vượt quá 2,5 triệu USD, theo Navy Times. Ngoài việc mất 5 quả tên lửa, hiện chưa có báo cáo nào về việc có người bị thương vong hay trực thăng có bị thiệt hại gì hay không.

 

Hải quân Mỹ đang tìm kiếm 5 quả tên lửa rơi từ trực thăng xuống Thái Bình Dương. Ảnh: MARIO TAMA
Hải quân Mỹ đang tìm kiếm 5 quả tên lửa rơi từ trực thăng xuống Thái Bình Dương. Ảnh: MARIO TAMA



RIM-116 Rolling Airframe là tên lửa đánh chặn tầm ngắn dẫn đường bằng tia hồng ngoại. Loại tên lửa "sát thủ" này được xem như "khắc tinh" của các tên lửa chống hạm và tên lửa hành trình nhằm vào tàu chiến Mỹ.

Tên lửa RIM-116 Rolling Airframe được trang bị trên hầu hết các tàu chiến của Mỹ từ tàu sân bay, tàu tuần dương, đến tàu khu trục. Tên lửa có vận tốc gấp 2 lần tốc độ âm thanh và tầm bay khoảng 9 km. Với những thông số đó, tên lửa RIM-116 Rolling Airframe có thể tác chiến linh hoạt, hiệu suất đánh chặn rất cao.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên trong thời gian gần đây lực lượng Không quân Hải quân Mỹ gặp sự cố trong quá trình huấn luyện, thậm chí còn có thương vong.

Hồi đầu tháng 6, trung uý phi công Richard Bullock đã thiệt mạng khi chiếc F/A-18E Super Hornet do anh điều khiển rơi gần Trona, thuộc hạt San Bernardino.

Trong tháng 3, một máy bay khác cũng của Hải quân Mỹ đã rơi ngoài khơi bờ biển Virginia khiến một quân nhân thiệt mạng và hai người khác bị thương.

Theo Bằng Hưng (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm