Điểm đến Gia Lai

Hải sản ở Pleiku: Chuyện xưa, chuyện nay...

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Phố núi là tên gọi thân thương dành cho TP. Pleiku. Theo nghĩa đen, cái tên này cũng rất hợp bởi độ cao của thành phố so với mực nước biển (800 m). Tuy thế, đừng nhầm tưởng ở núi chắc khan hiếm mặt hàng hải sản. Ấy là ngày trước, xưa lắm. Bây giờ đã nhiều, phong phú, lại tươi sống nữa.
Trong thực đơn bữa cơm thường nhật người dân Phú núi thường xuyên có cá biển hấp, phơi khô, mắm các loại như: mắm cá cơm (mắm cái), mắm ruốc, mắm mực… Đó là tập quán ăn uống của những cư dân đồng bằng ven biển thuộc lớp người đầu tiên có mặt ở Pleiku từ thập niên 50 của thế kỷ trước khi đến định cư vùng đất mới đèo ngang cách trở, phương tiện đi lại khó khăn. Mặt hàng hải sản biển thời đó được bảo quản dưới dạng hấp, phơi khô và làm muối. Câu than thân “Miếng cơm xa miếng mắm” còn đúng theo nghĩa khan hiếm. Đời sống khó khăn, đến chợ cũng chỉ mua mắm là chính. Hàng ăn gánh rong, ngồi chợ có món bún mắm, thức chan là mắm cái gia vị ớt tỏi cay sè, vắt vài giọt chanh, điểm qua mấy miếng tóp mỡ ăn kèm với rau sống. Phụ nữ ra chợ ngồi chung một hàng bún mắm bình đẳng, vừa ăn vừa hít hà tấm tắc khen ngon.
 Hàng cá biển của chị Nhi ở chợ Bà Định lúc nào cũng đông người mua. Ảnh: Đ.P
Hàng cá biển của chị Nhi ở chợ Bà Định lúc nào cũng đông người mua. Ảnh: Đ.P
Những năm sau đó, hàng quân tiếp vụ của người Mỹ có món cá hộp rất chất lượng. Thời bao cấp thêm món cá tôm tươi ướp đá. Gọi là tươi để phân biệt với hải sản hấp, phơi khô, muối mặn chứ chúng được đánh bắt cũng không dưới một tuần trước khi đến với người tiêu dùng. Chỉ tính chặng đường di dời từ các cửa biển gần Pleiku nhất như: Cảng cá Quy Nhơn, Sa Huỳnh (tỉnh Nghĩa Bình, nay là tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi), Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) đến được Phố núi cũng mất cả ngày đường, đá lạnh tan đã chảy thành nước lã, cá tươi hóa cá ươn. Hải sản biển có chung đặc điểm là dễ ươn, bảo quản bằng cách ướp đá qua thời gian dài khiến chất lượng giảm hẳn. Nhưng người tiêu dùng không còn cách lựa chọn khác, đành tặc lưỡi: “Có còn hơn không”.
Bây giờ thì hoàn toàn khác, thị trường hải sản ở Pleiku tươi sống và rất phong phú.
Chúng sống theo đúng nghĩa còn trao đổi chất. Người ta cho cá mú, cá dìa, tôm, cua ghẹ, nghêu sò ốc hến từ nơi đánh bắt, nuôi trồng vào những túi ni lông lớn căng phồng dưỡng khí, trong môi trường nước biển trên xe chuyên dụng đến các quán nhậu, cơ sở bán sỉ. Tại các điểm tập kết, cá tôm được rộng trong bể kính, chậu nhựa và thay, chêm nước biển, sục khí liên tục. Thực khách được tận mắt thấy cá bơi, tôm lượn, cua ghẹ ngọ nguậy, ốc hến há mồm… để rồi lựa chọn, nhìn cân lượng, đề nghị cách chế biến theo sở thích.
Quán hải sản 61 Nguyễn Đình Chiểu (TP. Pleiku) có tuổi đời hơn 20 năm, chiều nào cũng đông nghịt khách. Ông Long-chủ quán-cho biết lý do: Quán có nhiều loài thủy-hải sản đặc trưng của từng vùng biển như mực Nha Trang; cua ghẹ Sông Cầu; cá mú, cá ốp, cá chẽm Quy Nhơn; cá thu Nghệ An; tôm Quảng Bình… Việc còn lại là tài chế biến của đầu bếp, gọi là bí quyết. Những quán chuyên hàng hải sản như quán 61 tiêu thụ số nhiều, mua tận gốc đã rẻ lại ngon, không phải thuê mặt bằng kinh doanh nên cạnh tranh giá thành, thu hút khách.
Các mặt hàng hải sản khác như cá ngừ đại dương, cá ốp, vi cá mập, bào ngư… đến Pleiku đều được bảo quản lạnh, tươi rói. Cách sấy khô hải sản bây giờ cũng khác trước, sử dụng công nghệ hiện đại, ép chân không từng túi nên các món sứa khô, tôm khô, mực một nắng… cho chất lượng tuyệt hảo.      
Sức mua tôm cá của cư dân ở Pleiku rất lớn. Điểm qua, như chị Nhi bán cá biển ở chợ Bà Định cho biết, doanh số bán ra trung bình không dưới 20 triệu đồng/buổi. Ngày Tết tăng gấp đôi. Ở Pleiku, ngoài Trung tâm Thương mại Pleiku hay các siêu thị thì vẫn còn bao nhiêu là chợ phường, chợ xổm, cơ sở bán sỉ lẻ hàng hải sản với phong phú các mặt hàng.
 NGUYỄN ĐÌNH

Có thể bạn quan tâm