TN - Đất & Người

Hàng chục mét khối gỗ tang vật … biến mất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 6-3, thông tin từ cơ quan điều tra Công an huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc tố giác có dấu hiệu trục lợi từ gỗ tang vật.
Theo đơn tố giác của ông Trần Thế Tôn (cán bộ xã đã nghỉ việc), trong thời gian công tác ở xã, ông phát hiện nhiều lần các lực lượng của xã bắt gỗ lậu nhưng sau đó đã tự ý xử lý tang vật, không theo đúng pháp luật. 
“Thay vì bắt được gỗ lậu phải bàn giao cho kiểm lâm hay Công an thì ông Nguyễn Văn Trung-Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm đã tự ý cho thanh lý mà không báo cáo với đơn vị hay cơ quan chức năng”, ông Tôn viết.
Để làm rõ vụ việc, chúng tôi đã tìm một số người dân bị bắt gỗ lậu theo đơn tố giác mà ông Tôn cung cấp. Ông Từ Đức Tám (trú tại xã Cư Đrăm) cho biết, cuối tháng 8-2018, ông có mua 3 tấm phản gỗ pơ-mu (nhóm IIA) của một người dân trong vùng với giá 50 triệu đồng.
 
Những hình ảnh bắt gỗ được ông Tôn chụp lại trong trụ sở UBND xã Cư Đrăm.
“Khoảng 22h ngày 26-8-2018, tôi dùng ôtô chở 3 tấm phản đi gia công để mang về sử dụng thì bị ông Nguyễn Văn Trung và một cán bộ chặn bắt đưa về cơ quan. Khoảng 5 ngày sau, có người gọi tôi ra quán cà phê nói chuyện, bảo nộp 3 triệu đồng rồi lấy xe về. Do không có tiền nên tôi bị yêu cầu lùi xe vào phía sau trụ sở UBND xã, cho đổ 3 tấm phản xuống, không bị xử phạt gì cả. Tuy nhiên, sau một thời gian thì số gỗ này bỗng dưng biến mất khỏi trụ sở UBND xã và tôi cũng không hề nhận được bất kỳ thông báo nào về số gỗ của mình”, ông Tám khẳng định…
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Trung cho rằng lực lượng của xã không liên quan. Tuy nhiên, khi chúng tôi cung cấp những hình ảnh xe chở 3 tấm phản của ông Tám bị bắt cũng như một số gỗ bị bắt trong trụ sở UBND xã thì ông Trung thừa nhận chiếc xe và số gỗ này được chụp trong trụ sở UBND xã nhưng thời điểm nào thì ông không rõ(?).
“Những năm qua, lực lượng của xã phát hiện hoặc phối hợp với cơ quan chức năng bắt nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu. Tuy nhiên, sau khi bắt, xã thường bàn giao tang vật cho Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông để xử lý”, ông Trung khẳng định.
Trong khi đó, làm việc với ông Y Te Bkrông, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông khẳng định: “Tôi về đây gần 10 năm nhưng đến nay chưa tiếp nhận xử lý vụ vận chuyển trụ tiêu nào. Đối với vụ vận chuyển 3 tấm phản cũng không có. Trong khi đó, nếu xử lý đúng quy định thì 2 vụ việc này đã vượt quá thẩm quyền của xã, phải bàn giao cho chúng tôi”, ông Y Te Bkrông khẳng định thêm.
Còn ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, UBND huyện cũng đã nhận được đơn tố giác của anh Tôn về vụ việc. Hiện vụ việc đang được giao cho cơ quan điều tra Công an huyện Krông Bông điều tra, làm rõ.
Văn Thành (Công an nhân dân)

Có thể bạn quan tâm