Kinh tế

Giá cả thị trường

Hàng giả, hàng nhái từ biên giới về nội địa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cận Tết chính là thời điểm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) nhập lậu nhiều vào trong nước qua các tỉnh biên giới do sức tiêu dùng tăng cao...
Bài 1: Hàng giả đội lốt hàng Việt vào biên giới
Hàng giả được sản xuất từ nước ngoài, đưa vào thị trường trong nước dán nhãn mác và đem đi tiêu thụ. Thậm chí, đối tượng người nước ngoài còn sang vùng biên Việt Nam, thuê nhà xưởng để sản xuất hàng giả. Đáng chú ý, không chỉ giả mạo nhãn hàng quốc tế nổi tiếng mà hàng Việt cũng bị làm giả từ bên kia biên giới, dán sẵn tem, nhãn và đưa vào trong nước tiêu thụ.
Muôn mặt hàng giả xâm nhập qua biên giới
Dạo một vòng quanh một số Trung tâm thương mại, chợ ở vùng biên Móng Cái, chúng tôi thấy vô số “hàng hiệu” được bày bán. Tuy nhiên, để biết đích xác đây là hàng hiệu hay hàng giả mạo thì bằng mắt thường, người tiêu dùng vô cùng khó phân biệt. Người mua chỉ có thể đoán bằng cách căn cứ vào giá cả.
Cách đây chưa lâu, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với cơ quan chức năng của TP Móng Cái và Cục QLTT Quảng Ninh kiểm tra 2 cửa hàng gần khu vực cửa khẩu Bắc Luân, tạm giữ lượng lớn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong đó có những chiếc đồng hồ, túi xách, nước hoa hàng hiệu giá trị xa xỉ.
 
Hàng nghìn sản phẩm hàng giả bị tỉnh Quảng Ninh tiêu hủy trong năm 2019.
Người tiêu dùng bức xúc bởi lâu nay họ đã bỏ ra vài trăm triệu để mua một chiếc đồng hồ hay vài chục triệu mua một chiếc túi xách “hàng hiệu” ở đây.
Tuy đã được tuyên truyền và ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT, nhưng khi kiểm tra, cơ quan chức năng vẫn phát hiện nhiều hộ kinh doanh tại Móng Cái vi phạm. Điển hình là Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Móng Cái kiểm tra cửa hàng lưu niệm Móng Cái Plaza tại Trung tâm thương mại Móng Cái Plaza, phát hiện tại 10 quầy kinh doanh do ông Chen Ming Heng (quốc tịch Trung Quốc) làm chủ, bày bán 27 chiếc đồng hồ Longines có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Longines được bảo hộ tại Việt Nam.
Cũng tại Trung tâm thương mại này, Đội QLTT số 4 kiểm tra hộ kinh doanh do bà Trần Thị Hồng làm chủ, phát hiện 150 đôi giày có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Converse. 
Theo lực lượng chống buôn lậu ở Quảng Ninh, hàng giả được các đối tượng đặt sản xuất từ bên kia biên giới, thậm chí sản xuất cả tem, nhãn, sau khi được lén lút vận chuyển vào trong nước, dán tem nhãn và mang ra thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, ngày càng có xu hướng các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái của các thương hiệu Việt bán chạy trên thị trường từ nước ngoài, sau đó tìm mọi cách vận chuyển vào trong nước tiêu thụ.
Nhìn con số bắt giữ hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm SHTT trong năm 2019 của lực lượng chống buôn lậu tỉnh Quảng Ninh mới thấy, người tiêu dùng dễ dàng bị “lừa đẹp” nếu những mặt hàng này tung ra thị trường. Đây chỉ là số bị phát hiện, bắt giữ, còn lại rất nhiều hàng giả được vận chuyển trót lọt vào nội địa bằng đường mòn, lối mở.
Theo ông Hoàng Văn Đông, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát liên ngành km15- Bến tàu Dân Tiến (Móng Cái), hàng giả, hàng vi phạm SHTT qua Trạm bị phát hiện nhiều nhất rơi vào nhóm mặt hàng giày dép, túi xách hàng hiệu, nồi cơm điện, bóng đèn Rạng Đông…
Năm 2019, qua kiểm tra, Trạm phát hiện 12 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa vi phạm quyền SHTT và hàng giả mạo nhãn mác, xuất xứ “Made in Vietnam”, thu giữ hơn 1.000 sản phẩm vi phạm. Điển hình, tại bãi kiểm tra hàng hóa của Trạm, phát hiện xe ôtô BKS 37B-02587 do ông Ngô Văn Hải điều khiển, chở 9 nồi cơm điện nhãn hiệu CUKCOO.
Hàng giả mạo xuất xứ “Made in Vietnam”
Hiện nay, nhiều mặt hàng trong nước bán chạy đã bị đối tượng sản xuất giả từ bên kia biên giới rồi đưa về trong nước tiêu thụ. Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2019 và cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán 2020, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ trên 1.000 vụ vận chuyển hàng hóa giả mạo, hàng vi phạm kiểu dáng công nghiệp.
Điển hình, Trạm Kiểm soát liên ngành km 15 – Bến tầu Dân Tiến đã phát hiện 192 chiếc bóng đèn huỳnh quang compact giả nhãn hiệu Rạng Đông từ Trung Quốc được vận chuyển trên xe ôtô khách về nội địa. Hay Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái trong quá trình kiểm tra hàng hóa tại địa điểm kiểm tra hàng hóa của Công ty CP quốc tế Tân Đại Dương, phát hiện Công ty TNHH sản xuất đầu tư điện tử Hiệp Hưng (Hà Nội) nhập khẩu 240 chiếc nồi cơm điện hiệu HIEP HUNG.
Chi cục đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty vì buôn bán hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, nơi sản xuất hàng hóa và buộc tái xuất toàn bộ số hàng trên ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Vụ việc buôn bán hàng giả mới đây nhất bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố ngày 26-12-2019 cho thấy, đây là đường dây, ổ nhóm có tổ chức liên quan đến nhiều tỉnh thành trên cả nước, nguồn gốc hàng hoá sản xuất tại Trung Quốc.
Đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam là Bùi Đắc Hùng (SN 1988, tạm trú tại phường Trưng Vương, TP Uông Bí, Quảng Ninh) về tội “Buôn bán hàng giả”. Trước đó, Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh đã khám khẩn cấp kho hàng thuộc khu Hợp Thành, phường Phương Nam, TP Uông Bí, thu giữ 24.450 tuýp keo mang nhãn hiệu Apollo Silicone do Công ty CP Quốc Huy Anh tại TP Hồ Chí Minh sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và có dấu hiệu giả mạo sản phẩm keo chính hãng Apollo Silicone của Công ty CP Quốc Huy Anh.
Hùng thuê 3 đối tượng thường xuyên nhận hàng keo Apollo Silicone từ các xe tải, xe khách vận chuyển từ Móng Cái về đưa vào kho giấu theo chỉ đạo của Hùng. Cơ quan Công an tổ chức khám khẩn cấp nơi Hùng ở, thu tiếp 1.449 tuýp keo nhãn hiệu Apollo Silicone, cùng nhiều giấy tờ, sổ sách ghi chép việc Hùng nhận, tiêu thụ keo Apollo Silicone giả mạo.
Quá trình đấu tranh Hùng khai nhận, đầu năm 2019, anh ta quen một người đàn ông Trung Quốc đến Móng Cái và Uông Bí giao, bán keo Apollo Silicone giả sản xuất tại Trung Quốc với giá 25.000đ - 28.000đ/tuýp. Hùng và Vỹ đã thỏa thuận “hợp tác” làm ăn. Vỹ nhập lậu “hàng” từ Trung Quốc về Móng Cái, rồi thuê phương tiện vận chuyển về Uông Bí giao cho Hùng.  Hùng thuê người nhận hàng và cất giấu tại kho chứa hàng thuộc khu Hợp Thành, phường Phương Nam, TP Uông Bí chờ đưa đi tiêu thụ.
Theo ông Phạm Quang Khuy, Đội trưởng Đội QLTT số 4 TP Móng Cái, việc buôn bán, vận chuyển hàng giả ngày càng tinh vi. Hàng giả cất giấu trong các hầm, vách ngăn tự tạo của xe khách, xe tải vào nội địa. Đặc biệt, hàng giả, hàng vi phạm SHTT bán trên các trang mạng xã hội hiện nay rất khó kiểm soát nguồn gốc.
“Nếu trang web bán hàng do Bộ Công Thương cấp phép thì còn quản lý được, còn là trang web có tên miền ở nước ngoài thì rất khó. Giao hàng chủ yếu qua chuyển phát nhanh, giá rẻ. Nhiều vụ việc khi tìm địa chỉ của người gửi đều không đúng, biến thành hàng vô chủ” – ông Khuy nói.
Trần Hằng-Lưu Hiệp (Công an nhân dân Online)

Có thể bạn quan tâm