Hàng ngàn phòng học tại các tỉnh Tây Nguyên đang bị bỏ hoang, lãng phí sau khi sáp nhập các điểm trường học chuyển học sinh đến học tại các điểm trường chính
Ngày 14-1, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Kon Tum cho biết đang tổ chức rà soát lại các điểm trường đang bỏ trống trên địa bàn tỉnh để có hướng giải quyết hợp lý.
Trường mới vẫn bỏ không
Từ nhiều năm trước, để nhanh chóng xóa bỏ mù chữ tại các thôn, buôn thuộc vùng sâu vùng xa, nhiều tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây dựng các điểm trường và bố trí giáo viên đến từng thôn, buôn để đưa học sinh ra lớp.
Đến năm 2017, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các tỉnh Tây Nguyên đã cho rà soát và thấy cần sắp xếp lại các cấp học cho phù hợp với nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục nên đã cho sáp nhập các điểm trường. Ngành giáo dục các tỉnh Tây Nguyên đã tiến hành dồn lớp, ghép lớp, đưa học sinh tại các thôn làng về điểm trường chính để học. Từ đó, nhiều phòng học tại điểm trường tại thôn, làng bỏ hoang.
Điểm trường mầm non xã Đắk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum hoang vắng |
Khảo sát thực tế tại điểm trường Tiểu học thôn Đắk Giá 2 (xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), chúng tôi không nghe tiếng ê a đọc bài quen thuộc mà thay vào đấy là tiếng bò ọ, tiếng reo cười của trẻ chăn bò. Điểm trường với 3 phòng học kiên cố này đã thành nơi vui chơi của trẻ em trong làng và là bãi chăn thả gia súc của người dân. Phân bò vương vãi khắp nơi, từ sân vào đến hành lang trường. Bên trong các phòng học giờ thành nơi tập kết rác thải. Cửa sổ, cửa chính đã bị tháo gỡ từ lâu nên trông rất hoang tàn. Một em nhỏ chăn bò thấy tôi bước vào, đã ngăn lại: "Chú đừng vào đó. Dơ lắm".
Trong khi đó, dù mới được xây năm 2015 với kinh phí hàng trăm triệu đồng nhưng 3 năm qua, điểm trường với 2 phòng học tại thôn 4, xã Đắk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy cũng không hoạt động. Theo nhiều người dân, nguyên nhân là sau khi xây dựng thì chỉ có rất ít học sinh tới học, không đủ mở lớp nên phụ huynh phải đưa con ra trường chính để học.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh có 160 điểm trường tiểu học và 19 điểm trường mầm non bị bỏ trống. Bà Phạm Thị Chung, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, cho rằng "tình trạng điểm trường bỏ trống là thực trạng đang diễn ra và nó nằm trong xu thế sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn toàn tỉnh".
Thừa nhưng vẫn... thiếu
Tại tỉnh Gia Lai, từ năm học 2018-2019, tại 17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có 55 trường học ở bậc mầm non, tiểu học và THCS được sáp nhập. Việc triển khai này bảo đảm theo lộ trình giảm đầu mối, giảm nhân sự nhưng từ đó nhiều phòng học bị bỏ trống.
Theo ông Hồ Văn Diệp, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai), toàn huyện có 20 phòng học dôi dư sau khi sắp xếp. Những phòng học này một phần đã giao về cho thôn, làng để làm nhà sinh hoạt cộng đồng, hội trường thôn, một số được Phòng GD-ĐT giữ lại để thực hiện chương trình giáo dục mới.
Sau khi dồn lớp, ghép lớp khiến cho phòng học tại điểm trường ở thôn, làng không sử dụng thì học sinh tại các điểm trường mới lại thiếu phòng học. Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa qua, ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, đã nêu lên một thực tế là toàn tỉnh còn thiếu 1.255 phòng học, chỉ mới đạt tỉ lệ 0,93 phòng/lớp. Tại nhiều trường chưa đủ 1 phòng/lớp để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và thiếu phòng chức năng, thiếu biên chế giáo viên nên phải dồn ghép lớp, nhiều trường có lớp học vượt quá định mức cho phép.
Đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử (!?)
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Phạm Thị Chung, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, cho rằng các điểm trường đã cơ bản hoàn thành "sứ mệnh lịch sử" là đưa học sinh ra lớp, xóa mù chữ. Trong xu thế phát triển, học sinh được chuyển ra các trường chính để được học tập trong môi trường tốt hơn. Với phòng học của các điểm trường sẽ rà soát lại, những điểm nào đã hết khấu hao sử dụng thì phá bỏ, những điểm trường nào chưa hết sẽ giao lại cho chính quyền cơ sở để quản lý, sử dụng. "Thực tế tại nhiều thôn làng còn thiếu nhà sinh hoạt, hội trường... phải đầu tư. Việc chuyển công năng là hoàn toàn phù hợp, không có sự lãng phí" - bà Chung nói.
Bài và ảnh: Hoàng Thanh (NLĐO)