Điểm đến Gia Lai

Hăng Ring-Sức sống di sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với dân làng Hăng Ring (thị trấn Chư Sê, Gia Lai), bao đời nay tiếng cồng chiêng như hàng ngàn sợi dây âm thanh gắn kết con người với trời đất, với cỏ cây và với cộng đồng một cách bền chặt. Bởi thế, sức sống của di sản văn hóa cồng chiêng tại làng Hăng Ring gần như vẫn còn vẹn nguyên theo năm tháng.
 “Ngọn lửa” cồng chiêng làng Hăng Ring được truyền từ đời này sang đời khác. Ảnh: T.D
“Ngọn lửa” cồng chiêng làng Hăng Ring được truyền từ đời này sang đời khác. Ảnh: T.D
Nhiều người già ở làng Hăng Ring kể rằng, từ khi họ sinh ra và lớn lên đã được hòa mình trong từng tiết tấu, giai điệu trầm bổng của cồng chiêng. Âm thanh của cồng chiêng như tiếng lòng của bao thế hệ làng Hăng Ring. Ngồi bên những chiếc chiêng cổ của làng được lưu giữ gần trăm năm nay, già làng Rơ Lan Hào (ngoài 70 tuổi) tâm sự: “Bộ chiêng này không biết có tự bao giờ. Nhưng nghe bố mình bảo, bộ chiêng này đã có mặt trong các lễ hội của làng từ nhiều đời trước. Và mình cũng đã gắn bó với nó từ nhỏ tới giờ”. Trải qua biết bao thăng trầm, nhưng đến nay, bộ chiêng này mỗi khi đánh lên âm vang vẫn vang vọng, ai nghe cũng thích thú. Theo quan niệm của người làng Hăng Ring, đằng sau mỗi chiếc chiêng đều thấp thoáng một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Bởi vậy, dù kinh tế còn khó khăn chật vật, nhưng người làng Hăng Ring không bao giờ nghĩ tới việc đem bán chiêng. Hiện dân làng còn lưu giữ khoảng 18 bộ chiêng lớn nhỏ.  

Ông Trương Văn An-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Chư Sê: “Hiện nay, đội cồng chiêng làng Hăng Ring được chọn là “hạt nhân” văn hóa cồng chiêng, từ đó làm cơ sở để nhân rộng mô hình bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng của huyện. Chúng tôi xem đây là nhiệm vụ quan trọng không chỉ để giữ gìn nét đẹp văn hóa của các dân tộc mà còn là điều kiện để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân”.

Đến thăm làng Hăng Ring những ngày này mới cảm nhận rõ sức sống của cồng chiêng trong tâm thức của người dân nơi đây. Đêm đêm, bên ánh lửa bập bùng, tiếng cồng chiêng được cất lên, vang vọng khắp một vùng. “Làng Hăng Ring hiện có 275 hộ, chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Người làng suốt ngày gắn bó với ruộng rẫy nhưng khi đêm về, bà con sẵn sàng gác lại những vất vả, lo toan để hòa mình vào từng tiếng chiêng, từng nhịp xoang. Đó chính là lúc mọi người trong làng gần gũi, gắn kết với nhau nhất. Ai cũng luôn ý thức được trách nhiệm về việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc mình”-ông Rơ Mah Vất-Phó Trưởng thôn Hăng Ring-cho biết.
Hiện nay, ngoài việc lưu giữ 18 bộ chiêng thì làng còn thành lập được 3 đội cồng chiêng theo từng lứa tuổi khác nhau để trình diễn trong những ngày hội làng và cả những ngày hội lớn của đất nước. Ông Rơ Lan Hun (70 tuổi) tự hào: “Ở làng mình, thế hệ trước có trách nhiệm truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ sau. Cồng chiêng phải luôn được giữ nhịp, không để bị đứt gãy. Năm 2011, đoàn nghệ nhân cồng chiêng làng Hăng Ring được chọn là đại diện của tỉnh tham gia “Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Hòa Bình lần thứ I” nhân kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh này. Mỗi lần có lễ hội lớn của tỉnh, cồng chiêng của làng cũng đều góp mặt. Chúng tôi rất tự hào vì điều này. Dù đã già yếu, không thể tham gia trong đoàn biểu diễn tại Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 nhưng tôi tin rằng con cháu mình sẽ đánh chiêng hay, múa xoang giỏi”.
Với sự truyền dạy tận tình của những người đi trước, làng Hăng Ring hiện có một lớp trẻ luôn tự hào, trân trọng các giá trị truyền thống và luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối mạch nguồn văn hóa. Em Rơ Lan Vinh (14 tuổi) chia sẻ: “Năm lên 10 tuổi em đã có thể biểu diễn cồng chiêng. Em yêu âm thanh của cồng chiêng và cố gắng tập luyện hàng ngày để đánh chiêng ngày càng giỏi. Có đánh chiêng thật hay thì mới có cơ hội đem những bài chiêng ý nghĩa của dân tộc mình đi trình diễn và giới thiệu ở nhiều nơi”.
Tham gia Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên lần này, đoàn nghệ nhân của huyện Chư Sê có 43 người. Ngoài biểu diễn cồng chiêng, đoàn còn tham gia các nội dung như: chỉnh chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, hát dân ca và tạc tượng… Anh Kpuih Dai (43 tuổi) bày tỏ: “Chúng tôi tham gia ngày hội Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên với mong muốn được giao lưu, học hỏi và thắt chặt tình đoàn kết. Qua ngày hội, mỗi nghệ nhân sẽ góp phần bảo tồn, khôi phục giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình, xây dựng hình ảnh đẹp về vùng đất, con người Gia Lai trong mắt bè bạn gần xa”.
 Trần Dung

Có thể bạn quan tâm