Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Hàng trăm dự án nhà ở được tháo gỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hai luật Đầu tư và Xây dựng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng đối với hàng trăm dự án nhà ở.
Hàng trăm dự án nhà ở sẽ được gỡ rối do các quy định của pháp luật được sửa đổi ẢNH: ĐÌNH SƠN

Hai luật này cũng sẽ chuẩn hóa quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở trong thời gian tới.

Gỡ vướng cho đất ở hợp pháp
Theo đó, luật Đầu tư thống nhất thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, gồm đất ở, đất nông nghiệp và các loại đất khác. Trong khi đó, luật Xây dựng (sửa đổi) quy định trường hợp dự án sử dụng các nguồn vốn đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân (dự án sử dụng vốn khác) phải lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, thì chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Như vậy, luật Đầu tư và luật Xây dựng (sửa đổi) kết hợp với việc sửa đổi đồng bộ một số điều của luật Nhà ở sẽ giải quyết được ách tắc về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng hiện nay. Đặc biệt, luật Xây dựng (sửa đổi) đã giảm bớt bước thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng và tích hợp hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở khi lập thủ tục cấp giấy phép xây dựng, khắc phục được bất cập của luật Xây dựng 2014.
Theo ông Đinh Duy Trinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn bất động sản Việt Nam, đối với trường hợp dự án nhà ở có công trình cấp 1 (trên 24 tầng) trước đây chủ đầu tư phải 2 lần ra Cục Quản lý hoạt động xây dựng của Bộ Xây dựng để thẩm định cả 2 bước là bước thẩm định thiết kế cơ sở và bước thẩm định thiết kế kỹ thuật. Khi hoàn thành 2 bước này mới được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 768 cho phép Cục Công tác phía nam của Bộ Xây dựng được thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công theo phân cấp và theo quy định của pháp luật đối với công trình cấp 1 là nhà hoặc kết cấu dạng nhà có quy mô đến 30 tầng hoặc chiều cao không quá 100 m. Như vậy, các chủ đầu tư dự án nhà ở có công trình cấp 1 là nhà hoặc kết cấu dạng nhà có quy mô đến 30 tầng hoặc chiều cao không quá 100 m trên địa bàn TP.HCM, Cần Thơ và 17 tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ không còn phải ra Bộ Xây dựng để thẩm định thiết kế như trước, mà chỉ thẩm định tại Sở Xây dựng hoặc Cục Công tác phía nam của Bộ Xây dựng.
Đề xuất chuẩn hóa quy trình
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Trường Phát, từ ngày 10.12.2015 (ngày Nghị định 99 quy định chi tiết thi hành luật Nhà ở 2014 có hiệu lực) đến tháng 10.2018, tại TP.HCM đã có 126 dự án nhà ở thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư bị ách tắc thủ tục đầu tư, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, làm sụt giảm nguồn cung dự án và sản phẩm cho thị trường bất động sản, người tiêu dùng phải mua nhà giá cao hơn, ngân sách nhà nước bị thất thu. Tuy nhiên, với việc quy định, thửa đất có đủ điều kiện tách thành dự án độc lập thì thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; nếu không đủ điều kiện tách thành dự án độc lập thì giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư và xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Như vậy, chỉ các thửa đất do nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án sản xuất kinh doanh mà có đủ điều kiện hình thành dự án độc lập mới phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Các thửa đất không đủ điều kiện hình thành dự án độc lập sẽ thực hiện giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng luật Đầu tư, luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 nên UBND TP.HCM cần xem xét vận dụng, để thực hiện quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở, hoàn toàn thuộc thẩm quyền của địa phương theo hướng “chuẩn hóa” quy trình thủ tục theo 4 bước cụ thể.

Quy trình thực hiện một dự án nhà ở (Theo đề nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM)

Đồ họa: Đông Xuân
Theo Đình Sơn (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm