Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Hàng trăm dự án treo có cơ hội hồi sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ tên từng dự án, phân công cho từng lãnh đạo giải quyết, đưa thời hạn cụ thể...; với sự quyết tâm và quyết liệt của chính quyền TP.HCM, hàng trăm dự án treo đang đứng trước cơ hội hồi sinh.

Lãnh đạo quyết liệt, doanh nghiệp, người dân phấn khởi

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có văn bản chỉ đạo phân công Thường trực UBND TP theo dõi và giải quyết các dự án tồn đọng, dừng thi công, nhằm khẩn trương triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần giảm thiểu tình trạng lãng phí và thất thoát tài sản công. Trong đó, ông Mãi trực tiếp theo dõi các dự án quan trọng như cầu Thủ Thiêm 2, các tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, dự án giải quyết ngập do triều cường với yếu tố biến đổi khí hậu (dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng)... khiến người dân và doanh nghiệp (DN) kỳ vọng hàng trăm dự án bất động trên địa bàn TP bao năm qua sẽ được hồi sinh.

Nhiều dự án "trùm mền" hàng thập niên như Bình Quới - Thanh Đa kỳ vọng sớm được hồi sinh

Ông Trần Việt Anh, Phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM), nhận xét: "Không như lần trước TP chỉ lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án, lần này UBND TP.HCM đã phân công cho Thường trực UBND là Chủ tịch UBND TP và các Phó chủ tịch trực tiếp theo dõi, chỉ đạo giải quyết khó khăn cho từng dự án cụ thể. Những dự án được giao đều được "chỉ mặt, đặt tên" và phải báo cáo tiến độ giải quyết cụ thể. Cách làm này giúp các DN có đầu mối để phối hợp thúc đẩy công việc cũng như có thêm niềm tin vào quyết tâm của lãnh đạo TP. Đã đến lúc TP cũng phải tổ chức thực hiện, hành động mạnh mẽ hơn thôi vì dự án chậm trễ, kéo dài quá lâu, gây lãng phí rất lớn cho ngân sách TP cũng như nguồn lực của DN".

Chuyên gia Huỳnh Phước Nghĩa cũng nhận xét, cách làm của TP cho thấy quyết tâm, đường lối đã có, đã rõ ràng. Nhưng tiến độ và thành công, theo ông Nghĩa, phải hết năm 2025 hy vọng mới có kết quả. Bởi những vướng mắc đều liên quan đến quy định pháp luật. Thậm chí trong số này có nhiều dự án đang "dính" đến các kết luận thanh tra, kiểm tra, các vụ án, bản án... Điều này trước đây khiến DN loay hoay, còn cán bộ địa phương phải đối mặt với rủi ro pháp lý nên thiếu tự tin trong phê duyệt, tháo gỡ.

"Hoạt động đầu tư bất động sản (BĐS) tại VN đang đối mặt với nhiều rào cản, từ thủ tục pháp lý phức tạp, quy trình hành chính chậm trễ, tới sự không nhất quán trong một số quy định giữa các địa phương, mỗi nơi làm mỗi kiểu. Với khoảng 38 - 40 con dấu cần phải có với mỗi dự án, từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá cho tới khi hoàn thành dự án với đủ ý kiến của các sở, ban, ngành, thủ tục hành chính… là những vướng mắc lớn nhất DN đang gặp phải. Ngoài ra, mỗi lần điều chỉnh quy hoạch, thiết kế là một lần phải xin lại từng ấy con dấu. Vì thế, một dự án triển khai nhanh thì mất không dưới 3 năm, chậm thì 5 - 10 năm. Đó là chưa kể ở nhiều dự án, vì lý do nào đó bị rơi vào diện vi phạm, bị thanh tra, kiểm tra thì nguy cơ "đứng hình" vô thời hạn hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy những động thái quyết tâm của lãnh đạo TP gần đây, không chỉ nhà đầu tư mà người dân cũng vui vì nguồn cung dự án nhiều thì giá nhà ổn định, có cơ hội tiếp cận", ông Huỳnh Phước Nghĩa phân tích.

Một nguồn lực khổng lồ "bất động" sắp được đánh thức

Nhìn lại hàng trăm dự án vướng mắc, đình đốn trên địa bàn TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, chỉ rõ nguyên nhân khiến các dự án bị đình trệ vì thiếu giấy phép xây dựng, không hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc tranh chấp pháp lý. Nhiều dự án không thể triển khai do quy định pháp luật thay đổi liên tục không kịp thích ứng. Ngoài ra, dự án chậm triển khai do nhiều chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính để thực hiện dự án. Một số dự án bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao, thị trường BĐS đóng băng. Cũng có trường hợp do có những khu vực bị điều chỉnh quy hoạch liên tục, dẫn đến tình trạng "treo" kéo dài... Các dự án bị treo không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai mà còn ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển đô thị và nhu cầu nhà ở của người dân. Do vậy, với những động thái mạnh mẽ của UBND TP.HCM lần này sẽ giúp hàng trăm dự án "treo", dự án vướng pháp lý... đứng trước cơ hội hồi sinh.

Siêu dự án One Central HCM tại khu tứ giác Bến Thành (Q.1) cũng nằm trong danh sách được chỉ đạo giải quyết khó khăn

"Đến nay, cơ hội hồi sinh đã rõ ràng hơn bao giờ hết khi Chính phủ và TP.HCM đang tích cực rà soát, điều chỉnh để giải quyết các vướng mắc pháp lý, đặc biệt là quy định liên quan đến đất đai, xây dựng và đấu giá đất. Luật pháp và các quy định rõ ràng hơn về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, định giá đất, cấp phép dự án. Trong khi đó TP cũng đang khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tham gia tái cấu trúc các dự án bị treo nhiều năm", ông Lê Hoàng Châu nói và cho biết thêm, hiện nay tinh thần các địa phương, trong đó có TP.HCM, là những người lãnh đạo phải làm đúng vai, tròn vai vì để lãng phí là tội rất lớn như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra. Mục tiêu cấp bách của TP lúc này là tháo gỡ các dự án nhiều năm chưa "nhúc nhích", những dự án mang lại giá trị, tác động to lớn đến nền kinh tế, đến người dân.

Theo ông Lê Hoàng Châu, trong 10 dự án mà Chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách gỡ vướng, ông "ấn tượng" nhất là khu đô thị Bình Quới -Thanh Đa. Nếu dự án tháo gỡ được sẽ tạo một động lực phát triển mới, dư địa phát triển mới, vì dự án này sát cạnh khu vực trung tâm 930 ha TP.HCM, khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thậm chí có thể gom dự án này vào khu trung tâm mới của TP.HCM. Nơi đây sẽ là động lực phát triển đô thị hiện đại, độc đáo, thậm chí là độc nhất vô nhị khi các mặt đều là sông nước.

Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa hồi sinh sẽ giúp người dân khu vực dự án có cơ hội đổi đời, được tái định cư ở một nơi tốt hơn. Dự án khi triển khai sẽ có 3 cây cầu kết nối đi các hướng, trong đó có kết nối khu trung tâm hành chính mới Trường Thọ của TP.Thủ Đức sẽ dời về đây. Khi khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa kết nối với trung tâm hành chính mới của TP.Thủ Đức sẽ giúp nơi đây phát triển rực rỡ.

Ngoài ra, dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng trùm mền lâu nay dù đã gần như hoàn tất khối lượng công việc cũng được đích thân Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo xử lý. Dự án này hồi sinh sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ngập lụt của TP mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường. Nhiều lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đấu giá thành công, khi được tháo gỡ các vướng mắc, đưa vào khởi công cũng giúp cả khu Đông bừng sáng.

Ngày 6.12 lại có thêm một tin vui là Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi sẽ đảm nhiệm thêm nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo cùng với Liên đoàn Lao động TP.HCM phát triển nhà ở xã hội chỉ dùng để cho thuê. Chủ tịch UBND TP cam kết rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội không quá 6 tháng. Khi phân khúc nhà ở xã hội hồi sinh sẽ kéo các phân khúc khác phục hồi. Những chuyển biến này cùng với việc nhà nước đưa ra các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sẽ giúp DN vượt qua khó khăn và kỳ vọng mọi thứ sẽ tươi đẹp hơn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

Có thể bạn quan tâm