Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Hành động kép - Tàu Liêu Ninh và HD8 vào Biển Đông: Không chấp nhận chuyện đã rồi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 13-4, hải quân Trung Quốc xác nhận nhóm tàu tác chiến sân bay Liêu Ninh sẽ tập trận ở Biển Đông. Một ngày sau đó, tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 (HD8) cùng với tàu hộ tống xuất hiện trở lại ở khu đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

 

Đường đi của tàu Hải Dương địa chất 8 ở Biển Đông cập nhật lúc 18h ngày 15-4 - Ảnh: Tuổi Trẻ/Marine Traffic
Đường đi của tàu Hải Dương địa chất 8 ở Biển Đông cập nhật lúc 18h ngày 15-4 - Ảnh: Tuổi Trẻ/Marine Traffic



Hành động kép với sự xuất hiện của đôi tàu này không chỉ là hành động diễu võ giương oai của Trung Quốc. Có lẽ Bắc Kinh muốn thế giới sẽ phải dần chấp nhận hình ảnh việc các tàu khảo sát địa chất Trung Quốc hoạt động trong khu đặc quyền của quốc gia khác hay tàu sân bay Trung Quốc sẽ tập trận thường niên ở Biển Đông.

Đó là mục tiêu cuối cùng của nước này từ từ biến Biển Đông trở thành ao nhà.


 


Chỉ một lần thì có thể coi là sự ngẫu nhiên, nhưng lặp lại tới lần thứ hai thì đây thật sự là một thông điệp (của Trung Quốc), không chỉ dành cho Mỹ, mà còn cho cả thế giới.
 

Đô đốc Philip Davidson (tư lệnh Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ) phát biểu về việc Trung Quốc bắn thử tên lửa đạn đạo vào khu vực Biển Đông tháng 7-2019.
 


Núp bóng dân sự

Học giả Singapore Koh Swee Lean Collin cho rằng đây là cách tiếp cận Trung Quốc đạt được mục tiêu của mình ở Biển Đông mà không cần nổ 1 viên đạn. Để làm được điều này, Trung Quốc thường sử dụng chiêu bài "phục vụ dân sinh", "nghiên cứu khoa học" hay "phúc lợi chung" để che giấu mục tiêu "khống chế" Biển Đông.

Trên thực tế, Trung Quốc đang muốn biến hành động tự tiện nghiên cứu tài nguyên dầu khí và địa chất ở khu vực Biển Đông thành một chuyện thường lệ mà các quốc gia khác trong khu vực không thể làm gì, ngoài các phản đối ngoại giao.

Sau khi tuyên bố kết thúc nhiệm vụ của tàu HD8 vào tháng 10-2019, Trung Quốc tự tin tiếp tục đưa con tàu này quay trở lại Biển Đông năm nay. Dù cho mục tiêu của con tàu này là khảo sát hay thăm dò địa chất ở khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay của quốc gia khác trong khu vực Biển Đông, thì cũng là hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

Trung Quốc tin rằng thế giới rồi sẽ quen với việc Trung Quốc đơn phương thực hiện các hành động xác định chủ quyền ở khu vực Biển Đông như chính sách đơn phương cấm đánh bắt cá hằng năm mà Trung Quốc bắt đầu triển khai vào năm 1999, rồi chấp nhận việc cải tạo đảo nhân tạo của Trung Quốc từ năm 2012 - 2015.

Biến không tranh chấp thành tranh chấp

Bằng chiến thuật cắt lớp salami theo từng bước nhỏ tịnh tiến, Trung Quốc biến khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia ven biển ở Biển Đông thành khu vực tranh chấp và sau đó đề nghị hợp tác như một cử chỉ mang tính xây dựng giải quyết xung đột.

Bắt đầu từ khai thác ngư nghiệp, Trung Quốc chuyển sang khai thác dầu khí. Bằng cách sử dụng các tàu bán quân sự cỡ lớn để đe dọa ngư dân các quốc gia ven biển khác từ bỏ ngư trường truyền thống, Trung Quốc ngang nhiên hỗ trợ ngư dân của mình đánh bắt cá trong đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác rồi sau đó chủ động đề xuất hợp tác khai thác chung.

Trong mặt trận truyền thông, tờ Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo mang khuynh hướng diều hâu thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng thường xuyên đăng các bài báo kêu gọi các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông hãy vượt qua các tranh chấp để cùng khai thác nghề cá.

Khi Tổng thống Philippines Duterte thăm Trung Quốc vào tháng 8-2019, ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi Manila bỏ qua tranh chấp và tránh bị ảnh hưởng bởi thế lực bên ngoài (ám chỉ Mỹ) để cùng hợp tác khai thác dầu khí.

Tất nhiên ông Tập nhắc lại chuyện Trung Quốc không công nhận phán quyết bất lợi đối với Trung Quốc của Tòa trọng tài thường trực theo phụ lục VII của UNCLOS 1982 vào năm 2016 như là điều kiện cho việc hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc.

Vai trò ASEAN: câu chuyện bó đũa

Elbridge Colby - từng là phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ - cho rằng để ngăn chặn mục tiêu tạo chuyện đã rồi của Trung Quốc ở Biển Đông cần phải ngăn chặn kế hoạch của Bắc Kinh từ ngay khi mới bắt đầu.

Phải có cách tiếp cận khác

Việc chấp nhận chuyện đã rồi của Trung Quốc đã tạo sức mạnh cho nước này thực hiện các mục tiêu lớn hơn. Đảo Chữ Thập sau khi Trung Quốc cải tạo đã trở thành một căn cứ quan trọng cho Trung Quốc trong tiếp liệu cho tàu HD8 liên tục xâm phạm khu đặc quyền kinh tế Việt Nam trong nhiều tháng liền năm ngoái.

Lần này có lẽ không là ngoại lệ. Các quốc gia trong khu vực cần phải có cách tiếp cận khác hơn.


Đã đến lúc các quốc gia ASEAN phải đoàn kết như bó đũa thông qua việc thiết lập thiết chế tuần tra hàng hải chung. Đây cũng là câu chuyện "bây giờ hay không bao giờ" trước khi mọi thứ quá trễ.

Thiết chế này là sự hợp tác đa phương cảnh sát biển của các quốc gia trong khu vực. Để tránh gây căng thẳng quá mức, cơ chế hợp tác đa phương tuần tra chung này mang tính dân sự hay bán quân sự giữa các lực lượng tuần duyên hay cảnh sát biển, thay vì giữa các lực lượng hải quân các nước.

Nếu cần thiết có sự hỗ trợ thì cơ chế đa phương này cần có mô hình mở rộng với các quốc gia đối tác như các thể chế khác của ASEAN như ASEAN+3, ADMM+ để thúc đẩy việc tuần tra có hiệu quả như đào tạo nhân lực, cơ sở hạ tầng, tập huấn năng lực hoạt động và kỹ thuật, cũng như cung cấp thông tin tình báo từ vệ tinh cũng như từ các máy bay giám sát.

Việc tuần tra chung không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên biển của các quốc gia trong khu vực mà còn cung cấp các dịch vụ cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai (bão lụt).

Các quốc gia trong khu vực đã đến lúc nhận thức những xung đột có thể bùng phát ở khu vực Biển Đông không chỉ là chuyện riêng của một quốc gia tranh chấp nào mà là câu chuyện chung của toàn khu vực và đòi hỏi sự đoàn kết thống nhất trong khối.



 


TS Zach Abuza (giáo sư tại Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ):

Trung Quốc đang lợi dụng dịch bệnh

Với việc chính phủ khu vực và các nước khác toàn tâm cho nhiệm vụ ứng phó dịch COVID-19, bên cạnh đó là rất nhiều chính phủ đang chịu ơn sự viện trợ của Trung Quốc, Bắc Kinh rõ ràng đang lợi dụng sự lơi lỏng trong ánh mắt giám sát của quốc tế.

Tàu khảo sát Trung Quốc được hộ tống bằng 5 tàu hải cảnh. Tuy nhiên Trung Quốc cũng đang triển khai tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu hải quân khác. Sẽ rất đáng chú ý nếu họ sử dụng nghiên cứu địa chất như một bài diễn tập về khả năng tương tác, phối hợp giữa các bộ phận khác nhau trên biển.



Gregory Poling (giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải AMTI, CSIS):

Hàng loạt điểm nhấn xấu xí

Trung Quốc đang chắc chắn tạo ra hàng loạt điểm nhấn xấu xí trên Biển Đông gần đây, như điều tàu HD8 quay lại vùng nước của Việt Nam, đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa, tiếp tục đánh bắt trong các vùng nước do Indonesia tuyên bố chủ quyền, và quấy rối các hoạt động khai thác dầu khí của Malaysia. Nhưng toàn bộ những điều này là kết quả của chính sách mà Trung Quốc theo đuổi trong vài năm qua.

Những hành động tương tự như vậy cũng đã xảy ra vào năm ngoái. Chúng ta dù sao cũng đều sốc khi thấy Bắc Kinh không thuyên giảm việc gây áp lực chút nào giữa bối cảnh đại dịch do virus corona gây ra.

Với rất nhiều những nhân tố đã gầy dựng cho quyết tâm kiểm soát Biển Đông, các vụ việc như đâm chìm tàu Việt Nam hay Philippines ở Bãi Cỏ rong hồi tháng 6 năm ngoái là điều không thể tránh khỏi. Nó sẽ cứ diễn ra liên tục, sớm muộn gì cũng gây ra thiệt hại nhân mạng.


 

NHẬT ĐĂNG ghi




Theo TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

(Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, ĐH KHXH&NV ĐHQG TP.HCM)
 

(Dẫn nguồn TTO)



 

Có thể bạn quan tâm