Du lịch

Hành trình chuyển đổi số mạnh mẽ của du lịch Việt hậu Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hậu đại dịch, cuộc cạnh tranh trong nền kinh tế xanh và đặc biệt với các doanh nghiệp du lịch đã không còn chỉ về giá, chất lượng dịch vụ, mà chính là tiện ích công nghệ, thanh toán online…
Thói quen tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ trực tiếp trên các nền tảng số đã trở nên phổ biến với khách du lịch. Ảnh minh họa: M.Mai/Vietnam+
Thói quen tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ trực tiếp trên các nền tảng số đã trở nên phổ biến với khách du lịch. Ảnh minh họa: M.Mai/Vietnam+
Hậu COVID-19, chuyển đổi số trở thành “cánh tay phải” đắc lực của ngành du lịch, không những hỗ trợ tối ưu hóa vận hành hệ thống quản lý mà còn giúp doanh nghiệp vừa giảm chi phí lại tăng hiệu suất và lượng khách hàng.
Chính vì thế, nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi, phát triển trong giai đoạn mới, cả nền kinh tế xanh đang gồng mình chạy đua công nghệ. Các đơn vị quản lý trong ngành cũng như doanh nghiệp du lịch sống sót sau đại dịch và có tiềm lực gấp rút chuyển đổi số để thích ứng nhanh và mạnh mẽ hơn.
Chuyển đổi số hay là “chết”
Từ năm 2015-2019, tại Việt Nam, việc tìm kiếm thông tin du lịch trên mạng tăng hơn 32 lần; có tới 88% du khách nội địa tra cứu thông tin qua mạng; trung bình mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về sản phẩm du lịch. Những con số này là thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Mặc dù vậy, hiệu quả từ hoạt động chuyển đổi số tại các đơn vị lữ hành Việt Nam trong giai đoạn này còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Bởi có tới 80% thị phần du lịch trực tuyến thuộc về các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) nước ngoài như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Expedia.com... Các OTA của Việt Nam như Vinabooking.vn, Chudu24.com, Ivivu.com, VNTrip, Mytour.vn, Gotadi... chỉ khiêm tốn nhận về 20% thị phần trong nước với lượng giao dịch khiêm tốn.
Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp kinh doanh khách sạn tại Việt Nam phải trả tới 30%, thậm chí tới 38% hoa hồng cho các OTA nước ngoài, thậm chí cao hơn. Đó là “nỗi đau” của các ông chủ Việt, vì lợi nhuận “rơi” hết vào túi các trang OTA nước ngoài.
 
Các đơn vị du lịch giờ phải cạnh tranh nhau bằng các tiện ích công nghệ. Ảnh: M.Mai/Vietnam+
Các đơn vị du lịch giờ phải cạnh tranh nhau bằng các tiện ích công nghệ. Ảnh: M.Mai/Vietnam+
Để có thể đứng vững, phát triển và không bị lấn lướt ngay trên “sân nhà,” ông Ngô Minh Đức, nhà sáng lập nền tảng Gotadi (chuyên cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến đa dạng, từ đặt vé máy bay, tour du lịch đến các gói combo phục vụ doanh nghiệp, du khách Việt Nam) cho rằng các doanh nghiệp phải làm chủ được công nghệ thông tin. Đây cũng là lý do ông Đức đầu tư nền tảng OTA.
Đặc biệt, trong bối cảnh hậu đại dịch, khi hầu hết mọi thói quen và tâm lý tiêu dùng đã thay đổi và được thực hiện chủ yếu trên internet cũng là lúc các doanh nghiệp du lịch buộc phải bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trên môi trường số, từ tiếp cận, đặt vé, đặt tour, đặt phòng… Vì thế, nếu không cạnh tranh chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ thì doanh nghiệp chỉ có hai lựa chọn: sống hay là chết.
“Đó không chỉ là xu thế, mà là hiệu quả kinh doanh. Khi khách hàng chuyển sang đặt dịch vụ qua mạng, mà đơn vị cung cấp không chuyển động theo, thì doanh nghiệp đang tự loại mình ra khỏi cuộc đua,” ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định.
Hành trình chuyển mình ấn tượng
Hậu đại dịch là giai đoạn đầy rẫy khó khăn và thử thách khiến nhiều doanh nghiệp phải gồng mình chuyển đổi số với mong muốn tối ưu hóa chi phí, tăng hiệu suất và tăng lượng khách hàng.
Thuận theo dòng chảy, công ty Travelogy Việt Nam đã trải qua một hành trình chuyển mình đầy dấu ấn. Trước khi chuyển đổi số, nhân viên bán tour của đơn vị này phải mở từng file văn bản để điền thông tin theo mẫu. Trường hợp khách thay đổi chương trình, nhân viên mất khoảng 30 phút để hoàn thiện sửa chữa trong mẫu lưu.
 
Chuyển đổi số nhanh chóng trong hoạt động xuất-nhập cảnh. Ảnh: CTV/Vietnam+
Chuyển đổi số nhanh chóng trong hoạt động xuất-nhập cảnh. Ảnh: CTV/Vietnam+
Song, khi ứng dụng số hóa, toàn bộ mẫu chuẩn được áp dụng thống nhất trên hệ thống quản trị cho cả nhân viên, quản lý và cần thay đổi gì chỉ mất 2 phút thay vì 30 phút. Nếu trước đây 100 booking cần 10 nhân viên xử lý trong ngày, thì nay với hệ thống xử lý số hóa tối ưu, 1 nhân viên có thể xử lý 50 booking trong ngày và có thể làm việc ở bất kỳ đâu miễn là có thiết bị nối mạng internet.
Mới đây nhất, nền tảng giao dịch dịch vụ du lịch trực tuyến Crystabaya Pte Ltd ra mắt đã đưa blockchain vào du lịch, giúp khách hàng có thể trực tiếp giám sát tình trạng phòng cùng các dịch vụ khác mà không cần bận tâm việc không được xác nhận khi đặt phòng hay dịch vụ.
Cũng nhờ đó, chủ các khách sạn, các khu nghỉ dưỡng có thể giảm chi phí vận hành do cơ sở dữ liệu được lưu trữ đầy đủ và an toàn trên blockchain. Trường hợp khách thay đổi kế hoạch du lịch hoặc không có nhu cầu sử dụng các đặt phòng bằng NFT (NFT’s bookings), có thể chia sẻ, tặng hoặc bán lại cho khách hàng khác trên sàn giao dịch Crystabaya vào bất kỳ thời điểm nào theo giá mong muốn.
Không chỉ doanh nghiệp mà các bộ, ngành, cơ quan quản lý địa phương cũng nhanh chóng đáp ứng nhu cầu “không chạm” bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ trong thực hiện các thủ tục xuất- nhập cảnh, quảng bá, đặt tour du lịch, đặt phòng, đặt xe, bán vé các điểm tham quan... qua phần mềm, internet. Bước chuyển mình mạnh mẽ này của toàn ngành đã đánh dấu một chặng đường phục hồi và phát triển mạnh mẽ hậu COVID.
Trước bức tranh chuyển đổi số sôi động của ngành du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: “Một trong 5 định hướng lớn của ngành du lịch trong thời gian tới là thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch. Từ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Do đó, khi hồi phục ngành du lịch, việc chuyển đổi số cần tiếp tục.”
Để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa trong ngành du lịch sau đại dịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết ngành du lịch sẽ tiếp tục xây dựng hệ sinh thái thông minh; kết nối cơ quan nhà nước, địa phương và doanh nghiệp theo thời gian thực... Bên cạnh đó, phát huy mạnh mẽ cơ chế hợp tác công-tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch…
Giờ đây, cuộc cạnh tranh trong du lịch đã không còn chỉ về giá, chất lượng dịch vụ, mà chính là tiện ích công nghệ, thanh toán online… Hy vọng với cú hích chuyển đổi số đã và đang lan tỏa rộng khắp sẽ giúp các doanh nghiệp cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Theo M.Mai (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm