Điểm đến Gia Lai

Harold Moore và 2 cuộc "gột rửa" ở Ia Drăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng 11-1997, trong một chuyến công tác về huyện Chư Prông, tình cờ tôi được tin tướng Mỹ Harold Moore thêm một lần xin phép được trở lại thung lũng Ia Drăng. Một cơ hội tưởng không còn gì hơn với người làm báo, tôi chạy vội về trụ sở UBND huyện Chư Prông xin được đi cùng.
Năm 1965, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, để cứu nguy cho quân đội Sài Gòn ngày càng lục đục, khốn quẫn, Mỹ đã ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Tại Tây Nguyên, Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 được đổ xuống An Khê để sẵn sàng ứng phó cho quân ngụy. Đây là sư đoàn từng nổi tiếng tại chiến trường Thái Bình Dương trong thế chiến thứ 2 và chiến tranh Triều Tiên. Là đơn vị cơ động đầu tiên của quân lực Hoa Kỳ được trang bị hỏa lực tối tân, đặc biệt là máy bay trực thăng-kỵ binh bay số 1 được coi là “con cưng”, “bất khả chiến bại” của quân đội Mỹ. Để thử sức với đội quân thiện chiến nhà nghề, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định mở Chiến dịch Plei Me lịch sử. Đúng như dự đoán, để cứu nguy cho quân ngụy, sư đoàn này đã phải nhảy vào vòng chiến. Ngày 17-11-1965, chúng đổ xuống thung lũng Ia Drăng 2 tiểu đoàn do Thiếu tá Harold Moore trực tiếp chỉ huy. Vừa đặt chân xuống đất, chúng đã bị quân ta chia cắt, vây đánh tơi bời. Kết cục là Tiểu đoàn 2 của Lữ đoàn 3 “kỵ binh bay” bị xóa sổ. Tiểu đoàn 1 của Moore bị thiệt hại nặng, chỉ một số may mắn lên được trực thăng tháo chạy khỏi vùng tử địa. Đài BBC đưa tin: “Thiếu tá Moore thoát chết, về đến Sài Gòn còn khóc sướt mướt trước các nhà báo…”. Dù vậy, sau trận thua cay đắng này, Moore vẫn phải tiếp tục cái “nghiệp” của mình; sau đó ông trở về Mỹ, được phong hàm Trung tướng rồi nghỉ hưu.
 Tướng Harold Moore (người cúi đầu) cùng các cựu chiến binh Mỹ chụp ảnh lưu niệm với cán bộ huyện Chư Prông tại thung lũng Ia Drăng năm 1997. Ảnh: N.T
Tướng Harold Moore (người cúi đầu) cùng các cựu chiến binh Mỹ chụp ảnh lưu niệm với cán bộ huyện Chư Prông tại thung lũng Ia Drăng năm 1997. Ảnh: N.T
Đây không phải là lần đầu Harold Moore được trở lại chiến trường xưa để “gột rửa”. Tháng 11-1993, ông ta đã xin phép Nhà nước ta thăm lại thung lũng Ia Drăng. Cùng đi có Thượng tướng Nguyễn Hữu An-người chỉ huy Chiến dịch Plei Me giai đoạn 2; Đại tá Vũ Đình Thước và Trần Minh Hảo-nguyên chiến sĩ Trung đoàn 66; nhà báo Joseph Lee Galloway của US News. Tôi không được dự chuyến thăm nhưng nghe kể thì đó là một cuộc chuẩn bị khá vất vả với huyện Chư Prông. Từ hôm trước do mùa mưa chưa dứt, đường quá lầy lội, đoàn tiền trạm đã phải đi bằng máy cày, ngủ lại giữa rừng lạnh giá để hôm sau dọn bãi cho trực thăng đổ xuống. Sau khi lần tìm từng công sự, từng đoạn chiến hào lở lói trên chiến trường xưa, Moore đã hỏi Thượng tướng Nguyễn Hữu An nhiều điều về việc bố trí lực lượng, phương tiện liên lạc, do đâu mà ta nhận định Mỹ sẽ đổ quân xuống Ia Drăng. Thượng tướng Nguyễn Hữu An vui vẻ trả lời và ông ta đã lắng nghe tất cả với một tâm trạng đầy ưu tư. Lần này cùng đi với Moore, ngoài một số cựu  binh Mỹ còn có cậu con trai của ông. Sau khi đến chào và tặng UBND tỉnh Gia Lai cuốn hồi ký “Đã một thời chúng tôi là lính”, Moore xuống huyện Chư Prông bằng ô tô. Cuộc gặp gỡ với UBND huyện được tổ chức tại phòng họp lớn. Sau những lời xã giao và thông báo mục đích chuyến đi, Moore đặt vấn đề xin được dựng tấm bia tại Ia Drăng để tưởng niệm những lính Mỹ tử trận. Tất nhiên là không được chấp nhận nhưng cuộc viếng thăm “dối già” của ông ta (năm đó Moore đã 75 tuổi) vẫn được bố trí chu đáo.
Năm ấy mùa mưa dứt sớm. Một sắc vàng buồn bã bắt đầu nhuốm lên những cánh rừng khộp. Đường 663 gập ghềnh như chao võng. Các cựu binh Mỹ nhìn cảnh vật bằng đôi mắt đăm chiêu, chỉ thỉnh thoảng họ mới trao đổi với nhau một vài câu ngắn gọn. Có lẽ cõi lòng đã được “gột rửa” khá nhiều từ chuyến đi trước nên tâm trạng Moore bớt ưu tư. Ông nhanh nhẹn dẫn con trai luồn qua những vạt cỏ cao lút đầu để tìm vết tích của cuộc chiến đẫm máu năm nào. Chẳng còn gì ngoài những mảnh thép, những mẩu nhựa rỉ nát bởi thời gian. Tất cả đều được Moore nâng niu bỏ vào chiếc túi bên mình. Chợt nghe Moore “ô la la” mừng rỡ, tưởng ông phát hiện được báu vật gì, mọi người đổ xô lại thì hóa ra là một ụ mối. Một ụ mối to như đụn rơm bên cạnh gốc cây dầu cổ thụ. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Moore xúc động kể: Trong những giờ phút khủng khiếp của cuộc chiến đẫm máu năm ấy, khi Moore vừa rời vị trí chỉ huy để cùng số lính Mỹ sống sót tháo chạy khỏi Ia Drăng, vừa tới đây thì bị Quân giải phóng vây chặt. Xung quanh ông đâu cũng vang lên tiếng kêu hãi hùng của quân Mỹ. Nhiều lính Mỹ phải tháo bỏ ba lô, túi quân dụng để cố chạy đến bìa rừng nhưng vẫn không thoát. Trong lúc hoảng loạn, rất may Moore đã gặp được ụ mối. Có cảm giác như mình bị vây giữa một bức tường đạn nhưng ụ mối rắn cấc như một khối bê tông đã giúp ông thoát chết.
Câu chuyện của Moore đã khiến các cựu chiến binh Mỹ xúc động, nhất là cậu con trai. Phóng cái nhìn đăm chiêu về những dãy núi xa mờ, có lẽ anh đang tự hỏi: Vì lẽ gì mà những người Mỹ như cha anh đã phải bỏ mạng một cách vô nghĩa ở cái thung lũng hiu hắt và buồn bã này?
Ánh chiều đã buông sắc tím sau rặng Chư Prông. Đã đến giờ về. Moore đề nghị các thành viên trong đoàn chụp ảnh lưu niệm. Tôi để ý dường như không bức nào có nụ cười của ông. Thế nhưng, trên đường về, Moore lại cười rất tươi và luôn tay vẫy chào những tốp đồng bào đi rẫy về khi họ chỉ vào ông và thân thiện nói: “Hello Mỹ, Mỹ”.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm