(GLO)- Khi đất trời Tây Nguyên chuyển sang mùa khô cũng là lúc những thảm lúa trồng trên đất tái canh cây cao su của Binh đoàn 15 ở vùng biên giới Gia Lai, Kon Tum và cả ở tỉnh Attapeu của nước bạn Lào khoe sắc vàng no ấm. Với bà con địa phương, những hạt thóc thu hoạch được từ chương trình “Trồng lúa trên đất tái canh cây cao su” là những hạt vàng.
Cây lúa trên đất xen canh
Trước thực trạng một số vườn cao su già cỗi, năng suất thấp, từ năm 2014, Binh đoàn 15 đã có chủ trương thanh lý, tái canh. Vì vậy, cùng với việc trồng mới, Binh đoàn đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho công nhân, người lao động và bà con đồng bào dân tộc thiểu số địa phương mượn trên 1.200 ha đất trồng cao su để trồng xen cây lúa.
Cán bộ Công ty 75 (Binh đoàn 15) cùng bà con địa phương gặt lúa trên đất cao su tái canh. Ảnh: Q.H |
Thiếu tướng Đặng Anh Dũng-Tư lệnh Binh đoàn 15 cho biết: Trong 3 năm gần đây, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Điều đó được thể hiện rõ nét trong việc bám dân, bám địa bàn, tích cực vận động bà con chuyển đổi phương thức canh tác, từ “phát-đốt-chọc-trỉa” sang trồng cây lúa trên đất tái canh cây cao su… Mục đích là mở rộng diện tích cây trồng, tăng thu nhập cho bà con.
Trước thực trạng giá mủ cao su xuống thấp, chủ trương cho dân mượn đất để trồng lúa trên vùng tái canh cây cao su ở Công ty 72, 74, 75, 715, 385 của Binh đoàn 15 không chỉ “tiếp sức” cho hàng ngàn hộ nghèo trên vùng biên giới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, mà còn giúp thắt chặt tình đoàn kết quân-dân, góp phần làm thất bại âm mưu kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. Hiệu quả thiết thực của chương trình này đã lan tỏa ra khắp các buôn làng của vùng biên giới.
Với chương trình “Trồng lúa trên đất tái canh cây cao su”, bà con địa phương được hưởng lợi khá lớn từ cây lúa, bắp, đậu... trên đất trồng tái canh cây cao su. Cây cao su còn được bổ sung nguồn phân bón, dinh dưỡng từ việc chăm sóc cây trồng xen canh. Với cách làm này, các đơn vị đã nâng giá trị sử dụng đất lên rất cao.
Tiếp sức cho người nghèo
Cùng đoàn cán bộ Công ty 74 (Binh đoàn 15) đến gặp một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ mô hình “Trồng lúa trên đất cao su tái canh”, chúng tôi mới thấy hết được ý nghĩa từ chương trình này đem lại. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hùng-Giám đốc Công ty 74, đến nay đơn vị đã cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số địa phương mượn trên 637 ha để trồng lúa nương. Theo đó, trong thời gian 3 năm, khi cây cao su đang trong giai đoạn bén rễ phát triển, người dân được trồng lúa, đậu phộng, bắp ở giữa luống đất trồng cao su giống.
Không giấu được niềm vui được mùa, ông Ksor Ba, già làng Mới (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) phấn khởi: “Năm nay, mưa thuận gió hòa nên cây lúa trồng trên đất tái canh cao su được mùa, nhiều hạt lắm. Nhà mình trồng 1 ha lúa, thu về 5 tấn. Nhà anh Thức, bà Thel thu được 6-7 tấn. Bà con không sợ đói giáp hạt như những năm trước. Ngoài việc cho dân mượn đất để trồng lúa xen canh, các công ty của Binh đoàn 15 còn hỗ trợ lúa giống, phân bón, hướng dẫn bà con cách làm đất, bón phân, chăm sóc, thu hoạch…”.
Gia đình anh Rơ Châm Đinh (ở làng Khop, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) có 7 nhân khẩu nhưng diện tích đất sản xuất ít, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Từ ngày được Công ty 75 nhận vào làm công nhân, cùng với khoản lương ổn định hàng tháng, anh còn có thêm thu nhập từ cây lúa xen canh. Bây giờ, gia đình anh đã trở thành hộ khá trong làng. Rơ Châm Đinh nói: “Trên diện tích đất của Công ty cho mượn, năm nay gia đình mình thu được hơn 5 tấn thóc. Cảm ơn bộ đội Cụ Hồ nhiều lắm”.
Quang Hồi-Việt Cường