Bạn đọc

Hầu hết tai nạn giao thông do nguyên nhân chủ quan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 9 tháng năm 2021, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh tăng cả số vụ và số người chết. Thực tế ấy đòi hỏi chính quyền các cấp và ngành chức năng cần nỗ lực rất nhiều để đạt mục tiêu kéo giảm 5-10% cả 3 chỉ số TNGT đã đề ra. 
Tai nạn giao thông diễn biến phức tạp
Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh-thông tin: Trong 9 tháng năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 231 vụ TNGT, làm chết 166 người, bị thương 179 người. So với cùng kỳ năm ngoái, TNGT tăng 3,13% số vụ, tăng 5,06% số người chết và giảm 12,68% số người bị thương.
Tại TP. Pleiku, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 44 vụ TNGT, làm 24 người chết, 34 người bị thương (giảm 2 vụ, giảm 14 người bị thương nhưng tăng 6 người chết so với cùng kỳ năm 2020). Thượng tá Lưu Đình Cảnh-Phó Trưởng Công an TP. Pleiku-cho biết: “Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhu cầu đi lại của người dân giảm. Nhưng cũng chính vì đường sá thưa vắng, nhiều người điều khiển phương tiện rất chủ quan nên khi xảy ra tai nạn, hậu quả thường nghiêm trọng”.
Trong 9 tháng năm 2021, huyện Chư Prông cũng để TNGT tăng cả số vụ và số người chết. Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông huyện Trần Đắc Lực cho hay: 9 tháng qua, trên địa bàn huyện xảy ra 15 vụ TNGT, làm chết 13 người, bị thương 10 người (tăng 3 vụ, tăng 3 người chết, giảm 3 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020). Trong số này có 8 vụ xảy ra trên tuyến quốc lộ 19 và quốc lộ 14, làm chết 8 người, bị thương 6 người (tăng 4 vụ, tăng 5 người chết và tăng 2 người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái). Phần lớn các trường hợp liên quan đến TNGT trên quốc lộ là công dân thuộc địa phương khác.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại ngã tư Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Lê Hòa
Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại ngã tư Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Lê Hòa
Nỗ lực kéo giảm TNGT
Ông Lê Văn Hạnh cho biết thêm: Hơn 90% số vụ TNGT có nguyên nhân chính do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Trong đó, lỗi không chú ý quan sát chiếm 30,81%, lấn đường chiếm 28,79%, vi phạm tốc độ chiếm 16,16%, tránh, vượt, dừng, chuyển hướng sai quy định chiếm 15,15%... “Chính hành vi không tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ đã dẫn đến các vụ TNGT đau lòng. Điển hình là vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 14-2 tại huyện Chư Păh làm 4 người chết, 1 người bị thương. Người điều khiển phương tiện gây tai nạn trong trường hợp này không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm và có sử dụng rượu bia”-ông Hạnh cho hay.
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan từ người tham gia giao thông, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh cho rằng: Thời gian qua, lực lượng chức năng phải đảm đương thêm nhiệm vụ phòng-chống dịch Covid-19. Do đó, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ít nhiều bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, một số ngành, địa phương, nhất là cấp xã chưa sâu sát, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chưa kết hợp tốt giữa nhiệm vụ phòng-chống dịch với nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Công tác tuyên truyền cũng chưa được quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên, nhất là trong thanh-thiếu niên. Một bộ phận phụ huynh vẫn giao xe cho con em khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện là nguy cơ tiềm ẩn TNGT.
“Để thực hiện mục tiêu giảm từ 5% trở lên ở cả 3 tiêu chí, trong 3 tháng cuối năm, các ngành và địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, trọng tâm là tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ gắn với nhiệm vụ phòng-chống dịch Covid-19. Các xã, phường, thị trấn cần huy động lực lượng Công an và phát huy vai trò tổ tự quản an toàn giao thông cấp xã, tập trung kéo giảm TNGT vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong thanh-thiếu niên điều khiển xe mô tô”-ông Hạnh nhấn mạnh.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm