Nga và Mỹ cho đến nay chỉ sử dụng đường dây nóng quân sự một lần trong chiến sự Ukraina.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (phải) và Tổng Tham mưu trưởng Valery Gerasimov tại Mátxcơva, ngày 27.2.2022. Ảnh: AFP |
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay, đường dây liên lạc giữa quân đội Mỹ và Nga mới được sử dụng đúng một lần kể từ khi Mátxcơva bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina.
Theo quan chức trên, Mỹ thực hiện cuộc gọi qua đường dây "giảm xung đột" để truyền đạt những lo ngại của mình về các hoạt động quân sự của Nga gần cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraina. Cuộc gọi được kết nối từ Bộ Tư lệnh Châu Âu của quân đội Mỹ tới Trung tâm Quản lý Quốc phòng của Nga.
Quan chức Mỹ từ chối giải thích chi tiết nhưng cho biết, đường dây nóng đã không được sử dụng khi một tên lửa rơi nhầm vào Ba Lan vào ngày 15.11 khiến hai người thiệt mạng. NATO nói vụ nổ có thể do một tên lửa phòng không của Ukraina gây ra nhưng Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng vì nước này đã bắt đầu cuộc chiến vào cuối tháng 2.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: AFP |
Mặc dù quan chức Mỹ từ chối nêu rõ hoạt động nào của Nga khiến Mỹ báo động, nhưng đã có những sự cố được thừa nhận công khai, liên quan đến các hoạt động của Nga xung quanh cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraina, như nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất Châu Âu, nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Ukraina cũng đã lên tiếng lo ngại rằng Nga có thể cho nổ đập Nova Kakhovka, nơi có hồ chứa khổng lồ ở miền nam Ukraina. Vỡ đập này sẽ gây ngập lụt nghiêm trọng ở các khu định cư bên dưới, bao gồm cả khu vực gần thủ phủ tỉnh chiến lược Kherson, nơi lực lượng Ukraina đã tái chiếm vào ngày 11.11.
Liên lạc giữa Nga và Mỹ đã được chú ý kể từ khi Mátxcơva bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina. Một tính toán sai lầm của cả hai bên có thể gây ra xung đột trực tiếp giữa hai quốc gia hạt nhân.
Đường dây giảm xung đột chỉ là một trong nhiều cách mà quân đội Mỹ và Nga vẫn phải liên lạc. Các kênh quân sự khác bao gồm các cuộc thảo luận cấp cao hiếm hoi giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Các tướng lĩnh hàng đầu của Mỹ và Nga như Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đại tướng Mark Milley và Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Đại tướng Valery Gerasimov cũng đã hai lần trao đổi kể từ khi xung đột bắt đầu.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đại tướng Mark Milley. Ảnh: AFP |
Ngoài ra, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan và Giám đốc CIA Bill Burns cũng đã tiếp xúc với các quan chức Nga.
Tuy nhiên, quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Ngày 28.11, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Nga đã hoãn các cuộc đàm phán ở Cairo (Ai Cập) nhằm nối lại các cuộc thanh sát vũ khí hạt nhân. Bộ Ngoại giao Nga xác nhận các cuộc đàm phán đã bị hoãn lại. Không bên nào đưa ra lý do.
Khi được yêu cầu bình luận về đường dây nóng giảm xung đột, Lầu Năm Góc chỉ nói rằng Mỹ giữ lại một số kênh để "thảo luận các vấn đề an ninh quan trọng với Nga trong trường hợp bất ngờ hoặc khẩn cấp nhằm mục đích ngăn chặn tính toán sai lầm, sự cố quân sự và leo thang".
"Chúng tôi được khuyến khích bởi các cuộc gọi cấp cao gần đây của Bộ Quốc phòng với các đối tác Nga và tin rằng việc tiếp tục đối thoại là rất quan trọng" - một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
Khi công bố vào tháng 3, Lầu Năm Góc nói rằng đường dây giảm xung đột được tạo ra để tránh bất kỳ cuộc đụng độ vô ý nào trong không phận NATO hoặc dưới mặt đất.
Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã duy trì đường dây nóng như vậy ở các cấp độ khác nhau.
Theo Ngọc Vân (LĐO)