Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Hé mở bí ẩn về một tiểu quốc Champa xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngay từ năm 1901, trong tập kỷ yếu đầu của Trường Viễn Đông Bác cổ, những đền tháp Chăm trên vùng đất Ayun Pa ngày nay đã được nhắc tên. Hơn một thế kỷ qua, phát hiện về văn hóa Champa trên đất Gia Lai ngày càng dày dặn, con đường để người Chăm lên Tây Nguyên cũng nhờ vậy mà hiện ra rõ ràng hơn. Cùng với thời gian, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nền văn minh Champa trên vùng đất Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung đã được các nhà khoa học dày công kết nối, dệt thành bản trường ca kể về câu chuyện huyền bí đã diễn ra trên đất này cách đây nhiều thế kỷ.
1. Những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, khi nói về văn hóa Champa trên đất Gia Lai, người ta còn dè dặt lắm. Công bố đầu tiên về di sản văn hóa Champa ở Gia Lai sau giải phóng là bức phù điêu Phật được lưu tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ). Năm 1999, bức phù điêu Phật thứ 2 đã được tìm thấy và giao lại cho Bảo tàng tỉnh, tương tự như bức phù điêu Phật trước đó. Qua minh văn khắc ở mặt sau của 2 bức phù điêu, GS. Hà Văn Tấn (Viện Khảo cổ học Việt Nam) xác định, 2 di vật này đều có niên đại khoảng thế kỷ thứ VI-VII. Nhưng nguồn gốc của những phù điêu quý này thì vẫn là điều bí ẩn, bởi tư liệu lưu tại Bảo tàng chỉ cho biết, chúng được sưu tầm tại huyện Ayun Pa (gồm thị xã Ayun Pa và các huyện Krông Pa, Phú Thiện, Ia Pa ngày nay).
Đến ngày 10-10-2006, ThS. Nguyễn Quang Tuệ và cử nhân Nguyễn Giác (lúc đó công tác tại Bảo tàng tỉnh) đã phát hiện phế tích tháp Bang Keng bên bờ sông Krông Năng (huyện Krông Pa). Ngày 19-10-2006, khi chúng tôi có mặt tại đây thì toàn bộ phần phía trên của tháp đã bị sụp đổ và bị bao phủ bởi nhiều cây, dây leo. Lòng di tích bị đào bới nghiêm trọng. Tháng 6-2010, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ (Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ) khai quật di tích kiến trúc này. Cuộc khai quật do ThS. Nguyễn Quốc Mạnh chủ trì đã làm xuất lộ toàn bộ phần còn lại của di tích. Đó là một công trình có bình đồ hình vuông, được xây bằng gạch, quay về hướng Đông (hướng sông Krông Năng), niên đại khoảng thế kỷ thứ VII-VIII. Những thông tin từ di tích, di vật cho phép chúng tôi suy đoán rằng, 2 bức phù điêu Phật mà Bảo tàng tỉnh lưu giữ trước đó có nguồn gốc từ Bang Keng. Đến nay, Bang Keng là di tích thuộc văn hóa Champa có niên đại sớm nhất, đánh dấu bước tiến của người Chăm từ vùng duyên hải Trung bộ lên Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng.
 Bia đá Chăm tại thôn Tư Lương (xã Tân An, huyện Đak Pơ) là văn bia đầu tiên được phát hiện ở khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai, có niên đại vào thế kỷ XV. Ảnh: Ngọc Minh
Bia đá Chăm tại thôn Tư Lương (xã Tân An, huyện Đak Pơ) là văn bia đầu tiên được phát hiện ở khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai, có niên đại vào thế kỷ XV. Ảnh: Ngọc Minh
2. Những chỉ dấu của các di tích được phát hiện trong hơn một thế kỷ qua giúp chúng ta nhận ra rằng, dòng sông Ba và các phụ lưu của nó là tuyến giao thông quan trọng nhất đưa người Chăm lên với Gia Lai và ngược lại. Nếu tính từ hướng Phú Yên lên, ở bậc thềm thứ nhất, ngã ba sông Ba-Krông Năng, người Chăm đã để lại di tích tháp Bang Keng. Vượt qua dòng thác Tông Á (khu vực đèo Tô Na), trên bậc thềm thứ 2, nơi gặp gỡ của con sông Ayun và sông Ba, dấu tích của cụm kiến trúc Champa hùng vĩ ở Cheo Reo (Ayun Pa ngày nay), gồm Yang Mum, Drang Lai và Kuai King đã được người Pháp biết và công bố từ đầu thế kỷ XX.
Năm 1996, khi chúng tôi khảo sát, cụm di tích này nằm ở phía Tây thị xã Ayun Pa ngày nay. Di tích Yang Mum chỉ còn lại dấu vết trên thửa đất trồng mì trên đồi 52 (lúc đó thuộc xóm 4, thị trấn Ayun Pa). Trên nền đất còn rải rác nhiều mảnh gạch Chăm xây tường, cùng nhiều mảnh đá ong được dùng xây chân tháp, nhưng không có viên gạch hay đoạn chân tháp nào nguyên vẹn. Kuai King lúc đó còn lại dấu vết rõ nét của một cái thành, nằm trong vùng đất thuộc khu phố 8, thị trấn Ayun Pa. Cả 4 phía đều còn dấu vết thành và hào bao bọc. Riêng Di tích tháp Drang Lai nằm ở khu vực buôn Đê (phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa), tiếp giáp phía Bắc quốc lộ 25, cách ngã ba Cây Xoài (đường rẽ vào Ia Pa khoảng 200 m về phía Đông). Tìm quanh đây, chúng tôi phát hiện 9 viên đá ong khá nguyên vẹn, có kích cỡ tương đương nhau (70x40x22 cm). Ngoài ra, còn thấy nhiều mảnh gạch Chăm và sành, sứ.
Gần đây, thêm một số di tích Champa ở phía Đông tỉnh được phát hiện, như: dấu vết di tích Champa nằm trùng khớp với Khu di tích Nền nhà-Hồ nước ông Nhạc, mà bằng chứng là những viên gạch đá ong khổ lớn, tương tự như ở Ayun Pa và đầu rắn thần Naga vớt được trong hồ nước cận kề (huyện Kông Chro); bia đá Chăm ở thôn Tư Lương (xã Tân An, huyện Đak Pơ).
Những bi ký Champa trên đất Gia Lai đã được GS.Arlo Griffith đọc như bia Drang Lai, bia Tư Lương đều nằm trong khung niên đại 1435-1439 (dưới thời của vị vua hùng mạnh Vira Bhadravarman-Ba Đích Lai, 1401-1441).
Cùng với những di tích, di vật được phát hiện dọc sông Ba, trước đó, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện và công bố một số di tích, di vật trên cao nguyên Pleiku như: tháp Phú Thọ (xã An Phú), pho tượng nữ thần nhỏ, được thể hiện trong tư thế ngồi tọa thiền, lưu giữ tại chùa Bửu Minh (huyện Chư Pah). Ngoài những di sản văn hóa vật thể, những năm đầu thế kỷ XX, nhà dân tộc học người Pháp Henri Maitre còn ghi lại được ở cộng đồng người Jrai Bắc Gia Lai nhiều truyền thuyết liên quan đến người Chăm như: “Xưa, có rất nhiều người Chăm đến chiếm xứ sở của người Jrai và người Rơ Ngao, đuổi dân chúng ở đây đi. Họ đông đến mức, phát cho mỗi người trong bọn họ một hạt vừng, thì số vừng đựng trong một thúng đầy cũng không đủ...”. Họ còn kể về những tai họa lớn khiến người Chăm biến khỏi vùng này, gồm: tai họa xảy ra ở hồ Tơnueng (Biển Hồ); tai họa xảy ra ở Peto, một thềm đất gần plei Kbo, nằm giữa đường từ hồ Tơnueng đến thác Ia Ly; tai họa ở thác Ia Li trên sông Sê San…  
3. Chuyến trở lại Drang Lai ngày 25-9-2015, chúng tôi biết thêm, nơi có nền tháp Drang Lai trước kia là đất của một gia đình Jrai ở buôn Đê. Trước năm 1982, mỗi khi bị hạn hán, dân làng đều góp heo mang đến nền gạch đó cúng. Vì ở trên nền đất này hay bị đau yếu, nghĩ rằng Yàng không cho người Jrai ở nên gia đình đã bán lại đám đất có nền gạch này cho người Kinh. Những cứ liệu trên cho thấy, sau khi người Chăm rút đi, người Jrai đã tiếp nhận các di tích Hindu của họ và tiến hành thờ cúng tại đây trong nhiều thế kỷ. Nhưng, điều đó không có nghĩa là người Jrai đã tiếp nhận Hindu giáo, mà họ đã bản địa hóa các di tích Chăm theo tín ngưỡng Jrai.
Năm 1996, trong lần thứ 2 trở lại cụm tháp Ayun Pa cùng GS. Momoki Shiro (Đại học Osaka-Nhật Bản), khi tôi hỏi ông đánh giá thế nào về cụm tháp Yang Mum, Drang Lai và Kuai King này, GS. Momoki Shiro nói: “Nhận xét bước đầu của tôi là, trước đây đã có một cấp chính quyền của người Chăm trên vùng đất này”. Trong cuộc họp báo công bố nội dung Bia ký Champa Tư Lương tại huyện Đak Pơ ngày 4-10-2010, GS-TS. Andrew Hardy (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp) cũng khẳng định từng có một tiểu quốc Champa ở vùng thượng lưu sông Ba, mà trung tâm là khu vực các đền tháp ở Ayun Pa.
Nhiều học giả cho rằng, Vương quốc Champa được hình thành bởi một hệ thống gọi là mandala hay là một vương quốc bao gồm một liên minh của nhiều tiểu quốc, có địa bàn kề cận nhau và tương đồng về văn hóa tộc người. Những nghiên cứu trong thời gian qua đã hé mở nhiều bí ẩn về một tiểu quốc của Champa trên đất Gia Lai trong nửa đầu thiên niên kỷ II sau Công nguyên. Nhưng những vấn đề cụ thể về tiểu quốc ấy như quan hệ tộc người, kinh tế, xã hội, biên giới… thì vẫn cần rất nhiều thời gian, tư liệu mới mong được sáng tỏ.
 NGUYỄN THỊ KIM VÂN
 
Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:
 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy
 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

Có thể bạn quan tâm