Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Hệ thống trồng nấm thông minh  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chứng kiến trại nấm của người hàng xóm bị chết hàng loạt do thiếu độ ẩm, 2 học sinh lớp 8 đã nảy ra ý tưởng chế tạo hệ thống trồng nấm thông minh.

Hệ thống này thay thế sức lao động, kiểm soát độ ẩm giúp nấm dễ dàng sinh trưởng và phát triển.

Đó là sản phẩm của Phạm Ngọc Bảo Ngân và Lê Ngọc Thu Thảo, cùng học lớp 8A Trường TH-THCS Ia Chim (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Thảo cho biết qua tìm hiểu thì biết được các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng là hết sức quan trọng, quyết định sự phát triển của nấm. Để đảm bảo được các yếu tố này, người nông dân phải tốn rất nhiều công sức để theo dõi, điều chỉnh cho phù hợp.

 

Ngân và Thảo giới thiệu hệ thống trồng nấm thông minh. Ảnh: Đức Nhật
Ngân và Thảo giới thiệu hệ thống trồng nấm thông minh. Ảnh: Đức Nhật


“Từ trước đến nay người nông dân chỉ dựa vào kinh nghiệm thực tiễn để trồng và chăm sóc cây nấm. Do đó, hiệu quả canh tác sẽ thấp hoặc có thể thất bại nếu chăm sóc không khoa học. Vì vậy chúng em muốn chế tạo một hệ thống tự động hỗ trợ người dân trong việc nuôi trồng và chăm sóc nấm”, Thảo nói.

Từ suy nghĩ đó, Thảo đã cùng Ngân bắt tay vào thiết kế hệ thống trồng nấm thông minh, có thể điều khiển trên điện thoại di động. Hệ thống gồm các thiết bị quạt gió, bóng đèn sưởi, vòi phun sương, máy bơm mini, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm cùng phần mềm được lập trình để kích hoạt các thiết bị. Thiết bị cảm biến nhiệt độ, độ ẩm sẽ được đặt bên trong khu vực trồng nấm.

Vì cây nấm phát triển tốt nhất ở độ ẩm từ 70 - 80% nên khi bộ phận cảm biến phát hiện độ ẩm dưới 70% sẽ kích hoạt máy bơm mini để phun sương toàn bộ khu trồng nấm. Khi độ ẩm đã đạt mức phù hợp, cảm biến sẽ thực hiện ngắt rơ le để máy bơm dừng hoạt động. Thiết bị cảm biến này cũng thực hiện nhiệm vụ tương tự với hệ thống bóng đèn sưởi để đảm bảo nhiệt độ phù hợp nhất. Khi nhiệt độ tăng quá cao, thiết bị cảm biến sẽ kích hoạt quạt gió để giảm nhiệt độ xuống ngưỡng thích hợp nhất.

Sau 2 tháng, với nhiều lần thất bại, trục trặc do lỗi phần mềm, hệ thống trồng nấm thông minh của Thảo và Ngân đã hoàn thiện. “Hệ thống trồng nấm thông minh của chúng em không chỉ thay thế sức lao động của con người mà còn đảm bảo việc trồng, chăm sóc nấm, rau, củ, quả một cách khoa học, đúng kỹ thuật. Em mong rằng sản phẩm này sẽ được áp dụng vào thực tiễn để hỗ trợ người nông dân”, Ngân chia sẻ.

Cô Mai Thị Thu, giáo viên bộ môn Công nghệ, Trường TH-THCS Ia Chim, cũng là giáo viên hướng dẫn trong quá trình Thảo và Ngân nghiên cứu, chế tạo hệ thống, cho biết khi thử nghiệm hệ thống này đã hoạt động ổn định và tạo ra môi trường thuận lợi cho nấm phát triển. Thực tiễn cho thấy các phôi nấm được trồng trong hệ thống đã sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu hoạch sau 14 ngày trồng.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Ia Chim, Ngân và Thảo là học sinh giỏi của trường. Ngoài việc học, các em còn rất đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật. “Dự án hệ thống trồng nấm thông minh của Thảo và Ngân vừa đoạt giải 3 cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh THCS năm học 2022 - 2023”, ông Hoàng cho biết.

Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm