Giáo dục

Tuyển sinh

Hết mình vì sĩ tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 27-6, tại các địa phương trên cả nước, lực lượng tình nguyện viên và cán bộ, chiến sĩ CSGT đã nỗ lực hỗ trợ các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.
CSGT tỉnh Lai Châu dùng xe mô tô chuyên dụng chở các thí sinh khó khăn đến điểm thi ngày 27-6. Ảnh: VĂN PHÚC

CSGT tỉnh Lai Châu dùng xe mô tô chuyên dụng chở các thí sinh khó khăn đến điểm thi ngày 27-6. Ảnh: VĂN PHÚC

Hỗ trợ kịp thời

Tại TPHCM, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Phạm Duy Trang và Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM Trần Thu Hà đã đến các điểm thi để động viên tinh thần các sinh viên tình nguyện đang tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2024.

Năm nay, tại TPHCM có hơn 43.000 lượt sinh viên tình nguyện đăng ký tham gia Tiếp sức mùa thi. Trong ngày 27-6, các sinh viên tình nguyện đã đến các điểm thi để hỗ trợ, hướng dẫn thí sinh tham gia kỳ thi THPT năm 2024. Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Phạm Duy Trang cảm ơn các tình nguyện viên đã cống hiến hết sức mình để cùng tiếp sức các sĩ tử tham gia kỳ thi an toàn cũng như xử lý các tình huống khẩn cấp.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, 37 đội hình tiếp sức mùa thi với hơn 1.000 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ ở những điểm “đặc biệt”. Hai huyện miền núi Trà Bồng và Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) phát hàng trăm suất cơm trưa miễn phí cùng với sữa, nước, bút bi cho các thí sinh. Anh Dương Linh, Bí thư Huyện đoàn Sơn Tây, cho biết, trong 2 ngày, huyện đoàn sẽ phát 370 suất cơm trưa, 740 hộp sữa, 740 chai nước, 370 cây bút bi miễn phí cho các thí sinh. Huyện đoàn còn hỗ trợ 10 suất học bổng cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia kỳ thi, mỗi suất 500.000 đồng. Còn ở Lý Sơn, dù chỉ có 1 điểm thi với 276 thí sinh, huyện đoàn phối hợp lực lượng bộ đội biên phòng, công an tổ chức lực lượng túc trực tiếp sức; trao học bổng cho 5 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất 1 triệu đồng.

Sáng sớm 27-6, cán bộ, chiến sĩ Công an TPHCM đã túc trực tại các nút giao thông trọng điểm khắp các tuyến đường và điểm thi trên địa bàn thành phố để đảm bảo an toàn giao thông cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tại các điểm thi có khá đông bảo vệ dân phố, công an phường, CSGT… túc trực điều tiết giao thông, hướng dẫn thí sinh vào phòng thi; hướng dẫn phụ huynh sắp xếp xe khi chờ đón thí sinh.

Tại điểm thi Trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7, TPHCM), một thí sinh phát hiện quên giấy tờ khi đến điểm thi. Đội Cảnh sát giao thông và trật tự, Công an quận 7 sử dụng xe đặc chủng chở thí sinh quay về nhà lấy giấy tờ và trở lại điểm thi đúng giờ quy định.

Lúc 7 giờ 35 phút sáng 27-6, Đại úy La Minh Ty tuần tra bằng xe đặc chủng trên quốc lộ 49B qua huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến Km67+200, Đại úy La Minh Ty phát hiện một thí sinh nữ đi bộ, khả năng sẽ trễ giờ thi nên đã chở thí sinh này đến điểm thi Trường THPT Vinh Xuân kịp thời gian.

Cùng ngày, CSGT tỉnh Lai Châu nhận được thông tin có 4 thí sinh hoàn cảnh khó khăn, không có phương tiện đến điểm thi, trong đó có một em đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. Ngay lập tức, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự cử cán bộ sử dụng xe mô tô đặc chủng (chuyên dụng) đưa 4 thí sinh đến địa điểm thi đảm bảo an toàn, đúng giờ.

Tiếp sức những thí sinh “đặc biệt”

Ngày đầu diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Đà Nẵng có những học sinh đặc biệt như học sinh mồ côi do dịch Covid-19, học sinh là người đồng bào Cơ Tu… đã được động viên, tiếp sức từ thầy cô, bạn bè.

Sáng sớm 27-6, 9 học sinh mồ côi do Covid-19 đang học tại Trường nội trú Hy Vọng (quận Ngũ Hành Sơn) kiểm tra lại giấy báo dự thi cùng các đồ dùng được đem vào phòng thi. Dù có những phút giây nghẹn lòng nhớ ba, nhớ mẹ, em Nhã Trân cho biết, em quyết tâm thi đạt điểm cao để theo học ngành xét nghiệm của Trường ĐH Phan Châu Trinh (tỉnh Quảng Nam). Những ngày này, bên cạnh em luôn có thầy cô, bạn bè và cả những đứa em ở Trường nội trú Hy Vọng. Trước ngày thi, cô giáo rà soát lại xem em nào thiếu đồng hồ đeo tay, máy tính cầm tay có trục trặc gì không... Cô giáo cũng đưa luôn đồng hồ của mình cho học sinh mượn, để em có thể cân đối thời gian làm bài phù hợp.

Anh Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc dự án Trường Hy vọng, cho biết, nhà trường cử mỗi thầy, cô giáo phụ trách đưa 3 học sinh đi thi; có riêng xe đưa đón các em trong những ngày thi. “Vì là năm cuối cấp nên những học sinh lớp 12 được chăm chút hơn từ những việc nhỏ nhất”, anh Quyền thông tin.

Tại khu nội trú Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang), trong ngày thi đầu tiên, 7 học sinh là người đồng bào Cơ Tu (trong số 104 thí sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở Đà Nẵng) được thầy cô chăm lo đầy đủ. 6 giờ kém, các em được cô giáo gọi dậy và có bữa sáng dinh dưỡng. Em Đậu Thị Ngọc Hạnh (trú ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) cho biết, em có nguyện vọng trúng tuyển vào Khoa Sư phạm tiểu học, Trường ĐH Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nên em nỗ lực tối đa trong quá trình ôn tập, nhất là môn Ngữ văn.

Có thể bạn quan tâm