Để nước rửa tay khô trong xe ôtô dưới trời nắng nóng có thể gây cháy nổ xe. Vì thế, chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng nước rửa tay trên ôtô, không nên để ở khoang lái.
Dung dịch khử khuẩn tay hay còn gọi là nước rửa tay khô là vật dụng thiết yếu trong đại dịch COVID-19, nhưng nó có thể gây hại thậm chí còn nhiều hơn cả virus nếu để trong xe ôtô dưới điều kiện thời tiết có nền nhiệt độ cao.
Sở Cứu hỏa Wisconsin, Mỹ mới đây đã đăng một bức ảnh trên Facebook cho thấy một cánh cửa ôtô bị phá hủy. Nguyên nhân là do một chai thuốc sát khuẩn tay nhỏ tiếp xúc với nhiệt độ gây ra cháy.
Nước rửa tay khô phát nổ trong xe ôtô. Ảnh: Sở Cứu hoả Western Lakes |
Nước rửa tay khô trở thành một vấn đề thực sự nguy hiểm khi tiếp xúc với nắng nóng thiêu đốt của mặt trời mùa hè. Kỹ sư ôtô Lê Văn Tạch cho biết, thực tế, khi xảy ra dịch bệnh, rất nhiều người có thói quen để nước rửa tay khô trên ôtô để sử dụng, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, trong những ngày thời tiết nắng nóng, cồn trong nước rửa tay khô bay hơi (trong quá trình sử dụng) rất dễ xảy ra cháy.
"Thực tế, ở Việt Nam, có nhiều vụ bình chữa cháy, lon nước ngọt có ga hay bật lửa ga phát nổ trên ôtô. Đáng chú ý, bây giờ nước rửa tay khô là vật dụng thiết yếu trong dịch COVID-19 cũng có thể gây hại nếu để trong xe ôtô dưới điều kiện thời tiết có nền nhiệt độ cao.
Hầu hết dung dịch rửa tay khô chứa cồn và do đó dễ cháy. Hàm lượng cồn trong dung dịch sát khuẩn thường là từ 60 đến 80%", kỹ sư Lê Văn Tạch cho hay.
Để phòng tránh hiểm hoạ khi để nước rửa tay khô trong ôtô, theo kỹ sư Tạch - tài xế không nên để nước rửa tay khô ở khoang lái, không sử dụng khi ngồi trên ôtô, thay vào đó nên tập trung vào việc vệ sinh, khử trùng ôtô sạch sẽ và tuyệt đối không được hút thuốc trên ôtô - nhất là sau khi vừa sử dụng dung dịch này.
Trong khi đó một số chuyên gia y tế cho rằng, các dung dịch rửa tay khô hoạt động tốt trong môi trường lâm sàng như bệnh viện, nơi tay tiếp xúc với vi trùng nhưng không bị dính đất cát hay dầu mỡ.
Tuy nhiên, trong hoạt động hàng ngày, bàn tay có thể trở nên rất nhờn hoặc dính bẩn, chẳng hạn như chế biến thực phẩm, chơi thể thao, lái xe, trồng cây làm vườn, hoặc cắm trại, câu cá...
Lúc này gel khô sẽ không hoạt động hiệu quả, thay vào đó, rửa tay bằng xà phòng và nước đặc biệt được khuyến khích, nhằm rửa trôi bụi bẩn tốt hơn, mang đi phần lớn vi khuẩn gây hại.
ANH TUẤN (LĐO)
https://laodong.vn/xe/hiem-hoa-khi-de-nuoc-rua-tay-kho-trong-oto-chuyen-gia-khuyen-cao-gi-807587.ldo