Bạn đọc

Hiểm họa từ chó thả rông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nuôi chó thả rông cứ ngỡ là chuyện nhỏ của mỗi gia đình. Cho đến khi xảy ra việc đàn chó xông vào cắn chết một cháu bé 7 tuổi ở huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên) thì đây thực sự trở thành vấn đề bức thiết, cần đặc biệt quan tâm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nuôi chó giữ nhà, làm cảnh là thói quen của đa số người Việt. Thế nhưng, việc nuôi nhốt không có quy củ đã đem đến nhiều phiền phức cho hàng xóm, rộng hơn là cộng đồng dân cư xung quanh. Đặc biệt, chó thả rông còn gây mất vệ sinh môi trường do phóng uế bừa bãi, không chỉ trên lề đường, vỉa hè, vệ cỏ mà cả ở những nơi công cộng. Chưa kể, việc nuôi chó nhưng không tiêm phòng dại đầy đủ, ra đường không rọ mõm, không có người dắt cũng khiến cho những chú chó trở thành mối đe dọa khôn lường.

Vì tính chất công việc, tôi thường xuyên phải sử dụng xe máy để đi lại. Trên quốc lộ 19, đoạn qua các xã Tân Bình, Kdang (huyện Đak Đoa), Đak Djrăng, Đak Yă (huyện Mang Yang), Tân An, Cư An (huyện Đak Pơ) luôn khiến tôi phải cảnh giác cao độ vì lũ chó có thể lao ra đường bất cứ khi nào. Chúng cứ vô tư rượt đuổi nhau trên đường khiến những tài xế “cứng tay” nhất cũng phải dè chừng và không khỏi thót tim mỗi lần thấy chúng nhăm nhe băng ngang. Chỉ cần tra trên Google ta cũng đã nhận được hàng chục ngàn kết quả về các vụ tai nạn do chó thả rông. Có thể kể đến các trường hợp như: đi xe máy bị con chó hung dữ lao ra đuổi cắn hoặc chó đột nhiên chạy ngang qua đường không kịp xử lý nên ngã xuống, bị thương, thậm chí là tử vong... Đôi khi, những con chó không chỉ nguy hiểm đối với người lạ mà còn với cả chủ nhân, người quen của chúng.

Cách đây vài tháng ở Hà Nội, cộng đồng mạng xôn xao chuyện một bầy chó pitbull tấn công chính chủ nhân khi đang được dắt đi dạo, nếu không có người đi đường kịp thời can ngăn thì có lẽ chủ nhân của chúng khó lòng qua khỏi. Gần đây là vụ 2 bố con ở Hòa Bình bị chó cắn nhưng không đi tiêm phòng, sau phát bệnh dại và tử vong. Hay thương tâm hơn là vụ việc bé trai 7 tuổi bị đàn chó của chủ nhà nơi gia đình thuê trọ xông vào cắn xé dẫn đến tử vong ở Hưng Yên. Đây là một trong số hàng ngàn vụ tai nạn liên quan đến loài vật vẫn được coi là trung thành nhất với con người.  

Có một thực tế, nhiều người thích nuôi chó nhưng lại khá thờ ơ với việc tiêm phòng bệnh dại định kỳ cho vật nuôi; chỉ đến khi bị chó cắn mới vội vã đi tiêm phòng bệnh dại… cho chính mình. Mỗi ngày, các điểm tiêm phòng dịch vụ tiếp nhận ít nhất vài bệnh nhân đến tiêm phòng vì bị vật nuôi cắn. Cũng giống như ở nhiều quốc gia trên thế giới, nước ta đã ban hành quy định xử phạt dành riêng cho những chủ nhân nuôi chó, mèo. Quyết định 193/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021” có nêu quy định: Người nuôi chó phải đăng ký việc nuôi chó với trưởng thôn hoặc UBND cấp xã, đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình. Điều 2 Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y cũng quy định: Nếu chủ vật nuôi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo thì có thể bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. Cùng mức phạt trên nếu chủ nuôi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Điều 603 Luật Dân sự cũng nêu rõ chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác…

Tuy nhiên, những điều khoản nói trên hầu như bị lãng quên, dù có nêu rõ cơ quan xử lý. Luật chưa được triển khai nghiêm ngặt đi cùng với ý thức chưa cao của chủ sở hữu chó, mèo nói riêng và vật nuôi nói chung sẽ còn đem lại nhiều phiền phức cho cộng đồng.


 

Khôi Nguyên




 

Có thể bạn quan tâm