(GLO)- Những năm qua, công tác hiến máu nhân đạo trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có những bước phát triển vượt bậc, nhận thức về hiến máu nhân đạo của các tầng lớp nhân dân được nâng lên, đáp ứng nhu cầu máu điều trị của các cơ sở y tế. Tuy nhiên, qua quá trình tổ chức các đợt hiến máu theo kế hoạch và các sự kiện như: Ngày toàn dân hiến máu (7-4) hàng năm, Hành trình đỏ… đã xuất hiện những bất cập cần khắc phục.
Đầu tiên là sự kết hợp thiếu nhuần nhuyễn giữa Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp Phụ nữ... trong việc tuyên truyền, vận động về hiến máu nhân đạo dẫn đến nhiều người dân còn băn khoăn, lo lắng rằng hiến máu có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không. Một số người còn nhịn ăn trước khi hiến máu nên hiến máu xong thường bị choáng, hoa mắt chóng mặt.
Công tác hiến máu nhân đạo ở tỉnh ta có bước phát triển vượt bậc nhưng vẫn còn những bất cập cần khắc phục. Ảnh: internet |
Thêm vào đó, cách huy động người tham gia hiến máu chưa hợp lý. Thay vì nên chia thành nhiều khung giờ hiến máu khác nhau cho từng đơn vị thì Ban tổ chức lại huy động hàng trăm người đến cùng lúc, do vậy không tránh khỏi cảnh chen chúc, chờ đợi.
Một bất cập nữa là... thừa nhóm máu. Có người nhóm máu B chờ đợi đến trưa để đến lượt hiến máu thì Ban tổ chức thông báo rằng do máu nhóm này đã dư nên không lấy nữa, hẹn lần sau làm cho người tham gia không còn hào hứng.
Mặt khác, việc đảm bảo an toàn hiến máu có những vấn đề cần khắc phục như: có những đợt hiến máu không có bàn tư vấn sức khỏe, không đo huyết áp; có những trường hợp phải lấy ven nhiều lần gây cảm giác thiếu an toàn cho người hiến máu; công tác chăm sóc sức khỏe sau hiến máu có những đợt còn sơ sài, không bố trí bác sĩ trực để theo dõi và xử lý những tình huống xảy ra như ngất xỉu, té ngã…
Để khắc phục những bất cập trên, theo chúng tôi cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các ban ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, vận động hiến máu. Khi tuyên truyền cần nhắc nhở mọi người phải ăn nhẹ trước khi hiến máu. Bên cạnh đó cần lập kế hoạch một cách chi tiết, trong mỗi đợt cần huy động bao nhiêu đơn vị máu, mỗi nhóm máu là bao nhiêu để phân bổ cụ thể cho từng đơn vị. Chú ý bố trí khung thời gian phù hợp trong đợt hiến máu để tránh tình trạng chen chúc, chờ đợi.
Một việc nữa cần làm ngay là thành lập “Ngân hàng máu sống” thông qua việc lập danh sách những người hiến máu gắn với nhóm máu của những người đó; có thể tổ chức chuyên biệt các đợt xét nghiệm nhóm máu để lập hồ sơ quản lý, qua đó giúp phân bổ các nhóm máu cho từng đơn vị trong mỗi đợt hiến máu. Ngoài ra, cần tham gia điều tiết máu trong toàn quốc thông qua Viện Huyết học Trung ương, bởi hiện nay cả Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Quân y 211 chỉ có thể lưu trữ và bảo quản khoảng 800 đơn vị máu, trong khi đó có đợt chúng ta có thể huy động tối đa hơn 1.000 đơn vị máu. Nếu tham gia điều tiết máu trong toàn quốc, chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng thừa các nhóm máu.
Thêm vào đó, cần thực hiện tốt các bước của quy trình hiến máu theo quy định, đặc biệt là khâu tư vấn sức khỏe và đo huyết áp. Trong mỗi đợt hiến máu cần bố trí bác sĩ trực để chăm sóc sức khỏe sau khi hiến máu; ngành Y tế cần chỉ đạo tập huấn nâng cao nghiệp vụ của các kỹ thuật viên để tránh tình trạng phải lấy ven nhiều lần, giúp người hiến máu an tâm. Khắc phục được những bất cập trên, hoạt động đầy ý nghĩa, nhân văn này sẽ đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
XUÂN QUỲNH