Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Hiệu quả mô hình tăng gia, chăn nuôi tập trung ở Trung đoàn 48

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tăng gia, chăn nuôi tập trung ở cấp trung đoàn là mô hình được Quân đoàn 3 chỉ đạo làm điểm tại Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) vào tháng 10-2017 để rút kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn đơn vị. Qua một thời gian triển khai, mô hình này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Thiếu tá Lê Trung Thành-Phó Chính ủy Trung đoàn 48, cho biết: “Tăng gia, chăn nuôi tập trung ở cấp trung đoàn có nhiều ưu điểm, như: quy hoạch được khu tăng gia, chăn nuôi theo hướng “5 cơ bản” (vườn, ao, chuồng, giàn, trạm chế biến cơ bản); giảm thời gian tăng gia, chăn nuôi của bộ đội trong giờ nghỉ, ngày nghỉ để tập trung cho công tác bảo quản, bảo dưỡng vũ khí trang bị, hoạt động câu lạc bộ, văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao. Vườn tăng gia, chăn nuôi tập trung cũng cho năng suất cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn”.

 

Chiến sĩ Trung đoàn 48 chăm sóc vườn rau tại khu tăng gia, chăn nuôi tập trung của đơn vị. Ảnh: S.T
Chiến sĩ Trung đoàn 48 chăm sóc vườn rau tại khu tăng gia, chăn nuôi tập trung của đơn vị. Ảnh: S.T

Vườn tăng gia, chăn nuôi tập trung của Trung đoàn 48 có diện tích khoảng 16.000 m2, được quy hoạch thành từng khu vực theo loại cây trồng, vật nuôi; hệ thống xử lý chất thải, phân bón, tưới tiêu được đầu tư hiện đại đáp ứng tốt cả trong mùa khô và mùa mưa ở Tây Nguyên. Việc tổ chức tăng gia, chăn nuôi do Ban Hậu cần Trung đoàn điều hành tập trung, thống nhất, thực hiện đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng, đồng thời tích cực xen canh, gối vụ, chuyên canh, thâm canh…

Nhờ đó, dù Tây Nguyên đang là mùa khô nhưng những vườn bắp sú, su hào, cải thảo, cải củ, cải ngọt, mồng tơi… vẫn xanh mướt; những giàn su su, bí xanh vẫn trĩu quả. Đặc biệt, trong số này có nhiều loại cây trồng, vật nuôi do Trung đoàn nhân giống, phát triển. Đơn vị cũng tự làm chế phẩm sinh học để tưới cho các loại cây trồng nên sản phẩm làm ra đảm bảo sạch và an toàn tuyệt đối.

Trung tá Phạm Việt Đức-Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 48, cho biết: “Từ ngày triển khai mô hình tăng gia, chăn nuôi tập trung, đơn vị đã chủ động hoàn toàn về quy trình sản xuất, kiểm soát được số lượng và chất lượng sản phẩm, không còn xảy ra tình trạng lúc thừa, lúc thiếu thực phẩm và sử dụng phân bón tràn lan như trước đây”. Trung đoàn 48 có 5 bếp ăn, quân số đông nhưng thời gian qua, vườn tăng gia, chăn nuôi tập trung đã bảo đảm 100% nhu cầu rau xanh, thịt heo, trứng gia cầm với giá rẻ hơn thị trường khoảng 20%. Hiệu quả của mô hình tăng gia chăn nuôi tập trung không chỉ ở việc bảo đảm thực phẩm cho đơn vị mà còn tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức bộ đội.

Còn theo Đại úy Nguyễn Duy Nhâm-Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48: “Trước đây, đơn vị tự tổ chức tăng gia, chăn nuôi thì quỹ thời gian giờ thứ 8 và ngày nghỉ của bộ đội gần như chỉ tập trung cho hoạt động này. Vì vậy, hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao cũng rất hạn chế. Bây giờ, vào ngày nghỉ, đơn vị chỉ cắt luân phiên một số cán bộ, chiến sĩ phụ giúp đội tăng gia, chăn nuôi của Trung đoàn, quân số còn lại tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần bộ đội”.

Được biết, từ hiệu quả của mô hình tăng gia, chăn nuôi tập trung ở Trung đoàn 48, năm 2018, Quân đoàn 3 đã triển khai thực hiện mô hình này ở 4 Lữ đoàn trực thuộc và tiến tới là các trung đoàn bộ binh.

Sơn Tùng

Có thể bạn quan tâm