Kinh tế

Nông nghiệp

Hiệu quả từ cánh đồng lúa liên kết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm giúp người dân từng bước thay đổi phương thức canh tác, đặc biệt là thay đổi cơ cấu giống, nâng cao năng suất, Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê (Gia Lai) đã triển khai hiệu quả mô hình cánh đồng lúa liên kết.
Xã Al Bá có tổng diện tích lúa nước khoảng 250 ha. Những năm qua, lúa ở đây cho năng suất rất thấp, chỉ đạt 4 tạ/sào. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân thường sử dụng giống lúa cũ đã bị thoái hóa, kỹ thuật canh tác chưa phù hợp, khi xuống giống thiếu sự đồng nhất giữa các hộ trong cùng cánh đồng. Đồng thời, người dân vẫn có thói quen gieo sạ mật độ dày (30-35 kg/sào) nên cánh đồng thường xuất hiện các loại bệnh như bọ trĩ, rầy nâu, khô vằn, đạo ôn hại lúa.
Người dân xã Al Bá thu hoạch lúa vụ mùa 2018. Ảnh: L.N
Để giúp người dân từng bước thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức canh tác và chuyển đổi cơ cấu giống nhằm nâng cao năng suất trên cùng diện tích, từ tháng 7-2018, Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê đã triển khai mô hình cánh đồng lúa liên kết với giống lúa Đài Thơm 8 tại cánh đồng làng Pă Boòng (xã Al Bá). Mô hình có sự tham gia của 70 hộ trên diện tích 15 ha. Lượng giống gieo sạ trung bình khoảng 17 kg/sào. Người dân tham gia thực nghiệm mô hình được hỗ trợ 100% giống, 60% kinh phí thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.
Sau hơn 3 tháng triển khai, người dân làng Pă Boòng rất phấn khởi khi thấy lúa phát triển tốt và cho năng suất gần gấp đôi so với cách làm cũ. Ông Nay Thih-một trong những hộ tham gia mô hình-cho biết: Trước đây, người dân trong làng chủ yếu chọn lúa từ những đám ruộng tốt để lại làm giống cho vụ sau. Khi vào vụ, ai rảnh trước thì gieo sạ trước, ai bận công việc thì gieo sạ sau nên cánh đồng lúa thường phát triển không đều, hay bị sâu bệnh hại và năng suất cũng chỉ được 3-4 tạ/sào. “Vụ mùa 2018, làng được chọn tham gia mô hình cánh đồng liên kết với giống lúa Đài Thơm 8. Kết quả là năng suất đạt 7-8 tạ/sào. Gạo Đài Thơm 8 ăn rất ngon, bà con rất phấn khởi. Vụ Đông Xuân 2018-2019 chúng tôi sẽ tiếp tục mua giống mới này về trồng”-ông Thih phấn khởi cho biết.
Trước đó, năm 2017, Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê cũng đã triển khai thành công mô hình cánh đồng lúa liên kết tại làng Tel Yố (xã Ia Hlốp) với giống lúa HT1 trên quy mô 16 ha. Ông Kpuih Lan-một trong 74 hộ tham gia mô hình-cho biết: “Trước đây, người làng mình trồng lúa chủ yếu chỉ để ăn nhưng năng suất thấp do sâu bệnh nhiều. Năm 2017, làng được hướng dẫn và hỗ trợ làm mô hình lúa liên kết, gia đình mình tham gia hơn 3 sào. Cuối vụ thu hoạch, năng suất mỗi sào đạt 7-8 tạ, cao gấp đôi so với trước đây, cơm lại rất dẻo, thơm”. Thấy được hiệu quả từ mô hình, các hộ trong làng đã tiếp tục áp dụng theo quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn từ vụ trước như: gieo sạ tập trung, đăng ký mua cùng giống lúa theo giới thiệu của Trạm Khuyến nông huyện. 
Ông Lê Sỹ Quý-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chư Sê-cho biết: Mô hình cánh đồng lúa liên kết là mô hình sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao. Đây là nền tảng để xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước áp dụng cơ giới hóa từ khâu gieo sạ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch..., từ đó giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như thu nhập của người nông dân. Đặc biệt, mô hình này sẽ giúp nông dân-đặc biệt là nông dân dân tộc thiểu số-nâng cao trình độ sản xuất, quen dần cách làm ăn theo kiểu hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua 2 năm triển khai có hiệu quả, mô hình cánh đồng liên kết đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân. “Thời gian tới, Trạm đã đề xuất với UBND huyện tiếp tục thực hiện mô hình này ở những địa phương có diện tích lúa lớn trên địa bàn huyện”-ông Quý nhấn mạnh.
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm