Xã hội

Lao động - Việc làm

Hiệu quả từ giao đất, giao rừng cho người dân và cộng đồng ở Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã thực hiện hiệu quả công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng. Qua đó, góp phần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng.

Krông Pa là địa phương có diện tích rừng tương đối lớn với tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp 102.462 ha (75.698 ha có rừng, 26.764 ha chưa có rừng, 260 ha có rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp), độ che phủ rừng đạt 50,39%. Để nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng, năm 2021, huyện đã triển khai giao đất, giao rừng cho 440 hộ dân của cộng đồng buôn Kơ Jing, buôn Hdreh (xã Ia Hdreh) với diện tích 995,7 ha và 432 hộ dân của cộng đồng buôn Tiang, buôn Choanh (xã Uar) với diện tích 478,2 ha.

Người dân xã Đất Bằng nhận ranh giới giao đất, giao rừng. Ảnh: Lê Nam

Người dân xã Đất Bằng nhận ranh giới giao đất, giao rừng. Ảnh: Lê Nam

Năm 2022, huyện tiếp tục triển khai giao đất, giao rừng cho 87 hộ dân ở xã Đất Bằng với diện tích 1.318,5 ha và 6 hộ dân ở xã Chư Drăng với diện tích 172,7 ha. Theo đó, thời hạn giao đất, giao rừng là 50 năm và hạn mức không quá 30 ha/hộ. Người được giao đất, giao rừng được cấp chứng nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất; được hưởng lâm sản tăng thêm từ rừng do tự đầu tư; được cung ứng dịch vụ môi trường rừng và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng; được hướng dẫn về kỹ thuật và hỗ trợ khác theo quy định để bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng; được hưởng lợi từ công trình hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng... Những hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng được giao đất, giao rừng phải có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững; thực hiện quy định về theo dõi diễn biến rừng; trả lại rừng khi Nhà nước thu hồi; bảo tồn đa dạng sinh học rừng, thực-động vật rừng; phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; chấp hành sự quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Ông Nguyễn Đức Nguyên-Chủ tịch UBND xã Uar-cho biết: Khi có chủ trương của huyện, UBND xã đã chỉ đạo cho cán bộ chuyên môn phối hợp với các thôn, buôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc giao đất, giao rừng. Sau khi cộng đồng buôn Tiang, buôn Choanh nhận rừng, bà con đã có trách nhiệm hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, diện tích rừng đã giao cho người dân nhưng các chính sách về chế độ chưa có nên UBND xã cũng để nghị các cấp xem xét sớm hỗ trợ kịp thời các chính sách, chế độ cho người dân để công tác quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn, giúp người dân có thu nhập và gắn bó với rừng.

Còn tại xã Đất Bằng, 87 hộ dân ở các buôn Ia Prông, Ia Rnho, Ia Rpua, Ma Giai cũng vừa được UBND huyện quyết định giao đất, giao rừng với diện tích 1.318,5 ha. Ông Kpă Rem (buôn Ia Rnho): Được chính quyền địa phương tuyên truyền, chúng tôi hiểu rõ trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ rừng. Gia đình tôi đã nhận bảo vệ 20 ha rừng, hy vọng sẽ có thêm nguồn thu từ tiền dịch vụ môi trường rừng và các lâm sản phụ dưới tán rừng.

Theo ông Trịnh Thanh Khiết-Bí thư Đảng ủy xã Đất Bằng: Hiện xã đang quản lý hơn 6.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó, đất có rừng trên 4.323 ha. Thời gian qua, Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ban Thường vụ Đảng ủy xã cũng đã ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ trồng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020-2025. Đặc biệt, năm 2022, có 87 hộ dân đã được giao quản lý hơn 1.318 ha. Việc giao đất, giao rừng cho từng hộ dân giúp họ có trách nhiệm hơn trong quản lý, bảo vệ rừng tận gốc.

Kiểm tra diện tích rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Kiểm tra diện tích rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam


Tương tự, năm 2022, 6 hộ dân ở xã Chư Drăng được giao rừng với diện tích 172,7 ha. Ông Ksor Rơ-Phó Chủ tịch UBND xã-khẳng định: Việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư giúp công tác quản lý bảo vệ rừng tốt hơn. Các hộ dân đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm để ngăn chặn, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Người dân cũng ý thức hơn về trách nhiệm của mình đối với rừng. “Chủ trương giao đất, giao rừng không chỉ góp phần làm tốt công tác quản, lý bảo vệ rừng mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng”-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Drăng nói.

Trao đổi với P.V, ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Thực hiện chủ trương giao đất giao rừng cho người dân, UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài chính-Kế hoạch, UBND cấp xã và các đơn vị liên quan triển khai. Việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như giải quyết việc làm, tăng thu nhập và tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng.

Năm 2022, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng huyện Krông Pa đã phát hiện 37 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 46 vụ), giảm hơn 55,4% so với năm 2021. Trong đó, 16 vụ vận chuyển lâm sản; 14 vụ tàng trữ lâm sản; 6 vụ phá rừng với diện tích rừng thiệt hại gần 2 ha; 1 vụ khai thác rừng trái pháp luật. Tịch thu 23 m3 gỗ tròn, xẻ các loại nhóm 3-8; 9 ster củi; 14 xe máy. Hiện cơ quan chức năng đã xử lý 16 vụ (13 vụ xử phạt vi phạm hành chính, 3 vụ xử lý hình sự). Tổng số tiền thu phạt ngân sách Nhà nước là 126 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm