TN - Đất & Người

Hiệu quả từ mô hình "Tổ hợp tác phát triển kinh tế thanh niên"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những năm qua, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp luôn được các cấp chính quyền huyện Phú Thiện quan tâm, nhiều mô hình giúp nhau phát triển kinh tế được triển khai và mạng lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, có thể thấy rõ nhất từ hiệu quả mô hình “Tổ hợp tác phát triển kinh tế thanh niên” được triển khai tại thôn Kim Tân, xã Chư A Thai.

Xã Chư A Thai có tổng diện tích tự nhiên trên 7.700 ha với 11 thôn, làng, 705 hộ, 3.446 nhân khẩu, trong đó, có trên 500 thanh niên, hầu hết thanh niên tại địa phương đều có nhu cầu phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng để ổn định cuộc sống.

Trước nhu cầu thực tế đó, vào năm 2011, mô hình “Tổ hợp tác phát triển kinh tế thanh niên” thôn Kim Môn, xã Chư A Thai đã được thành lập, ban đầu có 14 thành viên, đến nay đã tăng lên 27 thành viên, trong đó, có 17 thành viên tham gia mô hình được hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với tổng nguồn vốn vay gần 500 triệu đồng.

Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của Huyện đoàn và Đoàn xã, mô hình “Tổ hợp tác phát triển kinh tế thanh niên” đã xây dựng số quỹ góp vốn xoay vòng được trên 20 triệu đồng, giúp đỡ đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn lãi suất thấp đầu tư sản xuất. Qua đây, đã tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, hăng hái của đoàn viên, thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng.

Được hỗ trợ cho vay vốn, gia đình anh Trần Văn Dũng, thôn Kim Môn, xã Chư A Thai (thành viên “Tổ hợp tác phát triển kinh tế thanh niên”) đã đầu tư phát triển mô hình vườn ao chuồng (nuôi bò, trồng lúa, cỏ và nuôi cá nước ngọt). Sau thời gian triển khai, đến nay, với quy mô 27 con bò, hơn 3 sao ruộng trồng lúa và xen canh cây khoai lang Nhật Bản, trồng cỏ làm thức ăn xanh cho đàn bò, cùng với 4 sào ao nuôi cá nước ngọt như: cá trắm, trôi, mè… hàng năm trừ chi phí, trung bình gia đình anh thu về trên 200 triệu đồng.

Anh Dũng cho biết: “Để tạo nên cơ ngơi như hôm nay, nhờ sự hỗ trợ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và vốn xoay vòng từ quỹ góp của “Tổ hợp tác phát triển kinh tế thanh niên” cộng với sự chăm chỉ, chịu khó của hai vợ chồng. Gia đình mình rất phấn khởi và hứa sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thân xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế gia đình cũng như giúp đỡ các đoàn viên trong thôn, xã về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm giàu của bản thân…”.

 


Mô hình chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, nuôi cá của anh Trương Văn Lắm-Bí thư Chi đoàn thôn Kim Môn, xã Chư A Thai cũng là một trong những gương điển hình trong phong trào thanh niên tự thân lập nghiệp. Trang trại hơn 90 con heo kết hợp làm hầm bioga, vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt nhờ tận dụng nguồn khí gas dùng trong đun nấu, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, anh nuôi thêm 5 sào ao cá nước ngọt và gieo sạ 1 ha lúa. Bình quân mỗi năm sau khi trừ đi chi phí đầu tư, chăm sóc gia đình anh Lắm thu gần 500 triệu đồng.

Anh Trương Văn Lắm, phấn khởi nói: “Mô hình “Tổ hợp tác phát triển kinh tế thanh niên” là động lực để bản thân tôi nói riêng và đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã nói chung phấn đấu vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội. Tôi mong muốn trong thời gian tới, chính quyên các cấp cần quan tâm hỗ trợ mở các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi để các thành viên của mô hình cũng như đoàn viên thanh niên trên địa bàn được tham gia học tập và cập nhật các kiến thức mới, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, thu nhập, vươn lên làm giàu”.

 

Mô hình Vườn-Ao-Chuồng của anh Dũng được các cấp chính quyền huyện Phú Thiện đánh giá cao và xem đây là mô hình điểm để nhân rông trong nhân dân. Ảnh: Q.T
Mô hình Vườn-Ao-Chuồng của anh Dũng được các cấp chính quyền huyện Phú Thiện đánh giá cao và xem đây là mô hình điểm để nhân rông trong nhân dân. Ảnh: Q.T

Chị Bùi Thị Lý-Bí thư Đoàn xã Chư A Thai cho biết: “Mô hình “Tổ hợp tác phát triển kinh tế thanh niên” được đánh giá là một mô hình mang lại hiệu quả cao. Mô hình đã thu hút và hỗ trợ vốn cho các đoàn viên, thanh niên nghèo, khó khăn có ý chí vươn lên làm giàu, là nơi để đoàn viên, thanh niên được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm thường xuyên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Thời gian tới, Đoàn xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình tới các các Chi đoàn trong toàn xã”.

Có thể nói, mô hình “Tổ hợp tác phát triển kinh tế thanh niên” tại thôn Kim Môn, xã Chư A Thai là một trong những mô hình tiêu biểu của phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp tại địa phương. Thông qua mô hình đã góp phần từng bước nâng cao đời sống cho đoàn viên, thanh niên, cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo và nâng cao vị trí, vai trò của thanh niên nông thôn trong giai đoạn mới.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm