Ông Phan Chí Công Danh-Trưởng phòng Kỹ thuật và An toàn (Công ty Thủy điện Ialy) cho biết: Công ty đang quản lý 3 nhà máy thủy điện gồm Ialy, Pleikrông và Sê San 3 với tổng công suất 1.080 MW, sản lượng bình quân theo thiết kế 5,31 tỷ kWh/năm. Các nhà máy đều có công nghệ hiện đại nên đội ngũ kỹ sư, công nhân sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành phải đảm bảo trình độ chuyên môn.
Hàng năm, Công ty phát động các phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất và được toàn thể cán bộ, công nhân viên (CBCNV) tích cực hưởng ứng. Riêng từ đầu năm đến nay, Công ty có 9 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tế.
Nổi bật là sáng kiến “Xây dựng hệ thống nhận diện mối nguy trực quan trong nhà máy điện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác HSE” của kỹ sư Đinh Hải Bình (Phòng Kỹ thuật và An toàn).
Theo anh Bình, trước đây, Công ty thực hiện việc nhận diện mối nguy và đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động cho các vị trí thiết bị theo quy định công tác an toàn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Việc đánh giá được thực hiện định kỳ hàng năm theo phương pháp truyền thống bằng cách soạn thảo trên các file excel, gồm các nội dung: liệt kê các mối nguy tại từng vị trí thiết bị, các nội dung tương ứng đi kèm như ảnh hưởng, biện pháp kiểm soát, hậu quả, tần suất xảy ra, biện pháp kiểm soát bổ sung. Sau đó, trình phê duyệt, ban hành, cập nhật lên phần mềm an toàn và phổ biến đến người lao động.
Trong quá trình kiểm tra thực tế tại các đơn vị, anh Bình nhận thấy một số bất cập, hạn chế khi nhận diện mối nguy, dẫn đến mất thời gian và dễ xảy ra thiếu sót. Vì vậy, anh đề xuất Ban lãnh đạo Công ty xây dựng hệ thống nhận diện mối nguy bằng hình ảnh trực quan tại các vị trí thiết bị với tiêu chí: dễ thấy, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm. Mức độ rủi ro của các mối nguy được thể hiện bằng cấp độ màu tương ứng từ xanh, vàng, đỏ.
Sáng kiến này đã góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. “Sáng kiến của tôi được Công ty áp dụng từ tháng 3-2024 và có thể áp dụng cho tất cả các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam”-kỹ sư Bình cho hay.
Tương tự, kỹ sư Trương Công Luận (Phân xưởng Vận hành thuộc Nhà máy Thủy điện Pleikrông) cũng có nhiều sáng kiến trong cải tạo sơ đồ vận hành hệ thống nhà máy điện. Đơn cử như sáng kiến “Cải tiến sơ đồ đấu nối lèo từ máy biến áp (MBA) nâng áp đến trạm 110 kV” được áp dụng vào thực tế và làm lợi hơn 450 triệu đồng.
Anh Luận chia sẻ: “Vào lúc 8 giờ ngày 12-11-2023, dây nối lèo trên không 110 kV nối giữa đầu ra phía cao áp pha C MBA T2 và đường dây trên không khoảng vượt từ nhà máy đến thanh cái C13 trạm 110 kV bị tụt ra ngoài, gây sự cố tổ máy H2.
Sau sự cố này, tôi đã đề xuất với lãnh đạo Công ty cùng đồng nghiệp đưa ra giải pháp khắc phục bằng cách cải tiến lại quy cách đấu nối dây lèo trên không 110 kV và lắp tăng cường thêm 1 lèo phụ tại kẹp nối chữ T pha C MBA T2.
Sau khi nghiên cứu ứng dụng giải pháp và áp dụng vào việc khắc phục khiếm khuyết cho MBA T1 cho thấy thiết bị làm việc an toàn và tin cậy. Từ khi áp dụng sáng kiến (tháng 12-2023) đến nay, các tổ máy phát điện an toàn, chưa xảy ra sự cố nào”.
Trao đổi với P.V, ông Trần Thái Bình-Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy-cho biết: “Thời gian tới, Công ty định hướng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chú trọng tìm tòi, phát huy sáng kiến ở lĩnh vực công nghệ xanh, hướng đến mô hình phát triển bền vững hơn. Điều này không chỉ giúp gia tăng sản lượng điện mà còn góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu”.