(GLO)- Với mục đích tăng cường liên kết đầu tư khối tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp, Quỹ Tài trợ cạnh tranh doanh nghiệp của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh đã xây dựng mô hình hợp tác công-tư trong phát triển nông nghiệp. Đây là mô hình mới tạo mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với thành viên các nhóm chung sở thích trong vùng dự án, qua đó góp phần cải thiện năng suất lao động, tăng lợi nhuận cho người dân và doanh nghiệp.
Ra đời từ năm 2014, Quỹ Tài trợ cạnh tranh doanh nghiệp (CBG) đã thu hút nhiều nông dân nhóm chung sở thích tham gia. Phương thức hỗ trợ tập trung vào mối quan hệ kinh tế giữa nông dân và doanh nghiệp theo định hướng thị trường; mở rộng đa dạng hóa nông nghiệp, phát triển hệ thống thị trường có tính bao quát đem lại nguồn lợi cho người nông dân.
Cả nhóm cùng tham gia học tập tại sân phơi cà phê của một thành viên. Ảnh: N.D |
Để phát huy tiềm năng phát triển nông nghiệp của các địa phương, đồng thời giúp người dân giảm nghèo, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (IFAD) đã dành khoản kinh phí xây dựng mô hình thí điểm theo phương thức mới nhằm thu hút tư nhân cùng tham gia vào khối nông-lâm nghiệp. Theo đó, các hộ nông dân sản xuất riêng lẻ được tập hợp thành các nhóm chung sở thích liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, trưởng nhóm là người đại diện ký kết hợp đồng. Mô hình giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình triển khai các hoạt động đầu tư. Nông dân được tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ giống cà phê, bắp năng suất chất lượng cao, bò giống sinh sản…; doanh nghiệp bán giống thấp hơn thị trường, thuận lợi khi thu mua sản phẩm sau thu hoạch. Đây là phương thức sản xuất mới hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân phương tiện cần thiết để sản xuất.
Từ khi triển khai thực hiện đến nay, Ban Điều phối Dự án IFAD cùng các địa phương đã lựa chọn 7 doanh nghiệp tài trợ nguồn kinh phí trên 8 tỷ đồng. Đến nay, các doanh nghiệp đã ký kết với nhóm trưởng là người đại diện bao tiêu 100% sản phẩm do các nhóm chung sở thích làm ra nhằm đảm bảo doanh nghiệp có nguyên liệu đầu vào, người dân có thị trường tiêu thụ ổn định, tạo sự gắn kết theo hướng bền vững.
Ông Bưm-trưởng nhóm chung sở thích trồng cà phê làng Piơng (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) cho hay: Dự án hỗ trợ 120 triệu đồng giúp các thành viên trong nhóm mua vật tư sản xuất. Đến vụ thu hoạch cà phê, các thành viên trong nhóm được doanh nghiệp vào tận nơi thu mua với giá cao hơn thị trường và được cộng thêm 200 đồng/kg vì sản xuất theo tiêu chuẩn 4C. Điều đáng mừng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chúng tôi mua bán chung tại 1 đại lý để chăm sóc cây cà phê đúng thời điểm. Từ khi tham gia nhóm, các thành viên được tập huấn về khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, những người có kiến thức và kinh nghiệm truyền đạt lại cho các hộ khác… Từ cách làm của dự án, chúng tôi tiếp cận với doanh nghiệp và được doanh nghiệp hỗ trợ nhiều thứ nên việc sản xuất thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây.
Tính đến nay, Quỹ Tài trợ cạnh tranh doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ kinh doanh với 121 nhóm chung sở thích, tạo ra 1.461 việc làm cho nông dân. Các doanh nghiệp cam kết tiếp tục gắn bó và mở rộng thêm các nhóm chung sở thích.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp tham gia hoạt động Quỹ Tài trợ cạnh tranh doanh nghiệp, dù mới hoạt động nhưng năng suất và chất lượng sản phẩm đã tăng lên rõ rệt. Điển hình như doanh nghiệp sản xuất nhang Hòa Bình (huyện Đak Đoa) liên kết với nhóm chung sở thích trồng bời lời xã Hà Đông thu mua tăng 10 tấn nguyên liệu lá bời lời khô, nâng tổng số nguyên liệu mua vào hàng năm đạt 325 tấn. Hay Doanh nghiệp Ba Lợi đầu tư 2 giàn sấy bắp mới, sản lượng bắp sấy khô tăng thêm 20 tấn/ngày…
Quỹ Tài trợ cạnh tranh doanh nghiệp đang trở thành điểm sáng trong mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Hiệu quả tích cực của Quỹ cần được nhân rộng trong thời gian tới.
Nguyễn Diệp